Nếu đầu hoặc cơ thể con chó quay đi, chứng tỏ nó không muốn tương tác. Nếu con chó nhắm mắt hoặc tai cụp lại, có nghĩa nó không muốn bị quấy rầy. Khi con chó cụp đuôi (giữa hai chân) hoặc hạ thấp toàn bộ cơ thể, chứng tỏ nó đang rất sợ hãi. Trong những trường hợp này, nếu bạn không phải chủ nhân, tốt nhất nên tránh xa chú chó.
Ngoài những dấu hiệu trên, người lớn cần tuân thủ cách dưới đây để giữ cho con bạn an toàn.
Luôn giám sát
"Dạy trẻ cư xử đúng cách với một con chó rất quan trọng. Tuy nhiên, trẻ không phải lúc nào cũng nghe lời. Không còn cách nào khác là bạn phải để mắt đến con", Niki French, chủ dịch vụ huấn luyện chó ở Anh, nói.
Nếu nuôi chó trong nhà, bạn nên cho chúng không gian yên tĩnh như cũi, chuồng, giường hoặc căn phòng khác. Đây là nơi chúng có thể đến nghỉ ngơi lúc cần mà không bị trẻ con hay người lớn quấy rầy.
Nếu con cho mới được đón về nuôi, hãy để chúng trong chuồng, cũi hoặc xích dây khi bạn không thể để mắt tới.
Dạy trẻ
Hãy dạy trẻ cách tôn trọng và đối xử nhẹ nhàng với chó. "Phải đảm bảo con bạn không coi con chó là đồ chơi", French lưu ý đồng thời cho biết thêm, các cha mẹ nên cho trẻ hiểu chó là động vật, chúng cần hoạt động, chạy nhảy, không thể ở đó để bị tóm hoặc ôm. Không nên để con kéo lông tai, rượt đuổi, chạy xung quanh chó và kêu la. Càng làm vậy cả đứa trẻ lẫn con chó càng phấn khích và những con chó phấn khích thường có hành động gây tổn thương
Bạn cũng nên cho trẻ em tham gia vào việc chăm sóc chó như mang nước uống, đồ ăn. Qua đó, đứa trẻ có thêm tình yêu, sự quan tâm với chú chó của gia đình.
Xin phép
Không cho phép con bạn đến gần một con chó nếu chưa được sự đồng ý của chủ nhân nó.
"Không phải tất cả chó đều thích được người lạ vuốt ve. Một số con thậm chí cực kỳ khó chịu với trẻ nhỏ. Trẻ con thường la hét và vồ vập nên dễ gây lo lắng hoặc phấn khích cho chó. Ngay cả con chó hiền lành nhất cũng có thể có một ngày tồi tệ. Vì vậy, trước khi đụng vào nó, hãy tham khảo ý kiến chủ nhân", French lý giải.
Nếu được phép đụng vào con chó, hãy dạy con bạn cách bình tĩnh và kiên nhẫn chờ con chó lại gần, vuốt ve vai hoặc đầu của nó.
Hiểu ngôn ngữ cơ thể
Dù không bao giờ biết chính xác chó đang nghĩ hoặc cảm thấy gì, nhưng việc dạy con bạn một kỹ năng cơ bản để biết chó đang hạnh phúc hay sợ hãi rất hữu ích.
"Chó luôn có cách giao tiếp với con người, đây là ngôn ngữ của chúng. Ví dụ, một con chó có thể liếm môi vì quanh nó có đồ ăn ngon, nhưng đó cũng có thể là biểu hiện của sợ lãi và lo lắng", Debby Lucken, người sáng lập tổ chức huấn luyện chó ở Anh, nói.
(Theo Metro)