Như bài viết vừa qua, những phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ (TPCP) thất bại trong quý 1 mới chỉ là cảnh báo. Lãi suất tăng lên chỉ là vấn đề thời gian.
Cập nhật ở phiên gần nhất, ngày 13/4, Kho bạc Nhà nước tiếp tục có phiên đấu thầu TPCP gần như thất bại hoàn toàn, khi chỉ huy động được vỏn vẹn 120/6.000 tỷ đồng gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu chỉ chớm 2%). Trong đó, kỳ hạn 30 năm huy động thành công 120/500 tỷ đồng; kỳ hạn 7 năm, 10 năm và 15 năm thất bại.
Mặc dù có những định chế tài chính có vốn Nhà nước tham gia đấu thầu để tạo cầu, đỡ cầu, nhưng rõ ràng thị trường đã và đang bớt đồng thuận với trạng thái đấu thầu TPCP hiện nay, lãi suất cũng đã cho xu hướng tăng lên.
Trong khi đó, lợi suất TPCP sau khi tăng đột biến trong nửa đầu tháng 4 này đã vượt mốc 3%/năm, và thậm chí cao hơn. Và đây cũng là một trong những chỉ báo đáng chú ý trên thị trường tiền tệ, khi đang bình thường hóa như trước khi đại dịch COVID-19 xẩy ra.
Theo báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 3 vừa qua, lợi suất trung bình TPCP đã tăng từ 6,3 đến 70,5 điểm ở tất cả các kỳ hạn so với trung bình tháng trước. So với mặt bằng lợi suất năm ngoái, lợi suất của kỳ hạn 1 năm tăng 120 điểm, 2 năm tăng 109 điểm, 3 năm tăng 96 điểm, 4 năm tăng 76 điểm, 5 năm tăng 56 điểm, 7 năm tăng 36 điểm, 10 năm giảm 4 điểm, 15 năm tăng 6 điểm, 20 năm giảm 10 điểm và 30 năm giảm 9 điểm.
Tính đến ngày 31/3, lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của Việt Nam là 2,399%, thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN, thấp hơn 4,35% so với Indonesia, 1,48% so với Malaysia và 0,01% so với Thái Lan.
Bước sang tháng 4, lợi suất TPCP Việt Nam liên tiếp tăng mạnh. Ở kỳ hạn điển hình 10 năm, nhưng trên, mốc 3% đã vượt qua để trở về như trước khi có đại dịch, và tiếp tục đột biến khi vượt 3,1%...
Lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm vừa tăng đột biến và trở lại vùng trước khi đại dịch xảy ra
Lợi suất TPCP tăng mạnh, phản ánh kỳ vọng của thị trường vào xu hướng tăng lãi suất. Thực tế, trong tháng 3 vừa qua, lãi suất trúng thầu TPCP cũng đã có xu hướng tăng lên.
Cụ thể, theo VBMA, Trong tháng 3, lãi suất trúng thầu trung bình của kỳ hạn 10 năm tăng 6 điểm, kỳ hạn 15 năm tăng 5 điểm và kỳ hạn 30 năm tăng 1 điểm so với tháng trước.
Trong khi đó, kết quả đấu thầu TPCP lại kém khả quan với nhiều phiên thất bại đã hình thành.
Theo số liệu của VBMA, trong quý 1, Kho bạc Nhà nước đã phát hành tổng cộng 41.282 tỷ đồng TPCP trong năm, chỉ ứng với 10% kế hoạch năm 2022 (400,000 tỷ đồng).
Cụ thể, tổng giá trị phát hành của kỳ hạn 10 năm là 18.642 tỷ đồng (đạt 13% kế hoạch năm), 15 năm là 12.950 tỷ đồng (đạt 9% kế hoạch năm), 20 năm là 1.685 tỷ đồng (đạt 6% kế hoạch năm) và 30 năm là 8.005 tỷ đồng (đạt 23% kế hoạch năm). Trái phiếu kỳ hạn 5 năm và 7 năm gọi thầu thất bại.
Tăng đột biến từ đầu tháng 4 đến nay nhưng lợi suất TPCP Việt Nam vẫn thấp hơn so với nhiều quốc gia khác (cập nhật đến sáng 19/4 - Nguồn: MSB Research)
Tất nhiên, trong quý đầu năm nay, giải ngân đầu tư công tiếp tục ở mức thấp, nguồn vốn giải ngân chủ yếu chuyển tiếp từ 2021 sang. Theo đó, ngân sách tiếp tục có phần ứ đọng và Kho bạc Nhà nước chưa đẩy mạnh huy động để cân đối.
Nhưng với tốc độ giản ngân dự kiến mạnh dần từ quý 2 này, cũng với kế hoạch huy động dự kiến tới 400.000 tỷ đồng TPCP năm nay, đầu mối trên rồi sẽ phải đến lúc tăng tốc. Để tăng tốc, nhiều khả năng lãi suất sẽ dần phải chấp nhận cao hơn và chi phí đi vay của Chính phủ cũng sẽ dần bình thường hóa.
Trên thị trường liên hàng hàng, lãi suất cũng đã trở nên "bình thường mới" khi đã không còn những mức 1-2%/năm như thời tiền rẻ trong hai năm đại dịch, càng cách biệt lớn so với dưới 0,5%/năm của lãi suất qua đêm một năm trước.
Lãi suất VND hiện đã duy trì ổn định trên 2%. Đặc biệt lãi suất USD trên thị trường này đã liên tiếp tăng lên kể từ cuối tháng 3 – sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất; lãi suất USD qua đêm hiện đã lên quanh 0,38% thay vì chỉ 0,15% cùng kỳ năm ngoái.