"Thuế 10% đã là quá khó"
Ngay sau khi có thông báo áp thuế nhập khẩu, thuế đối ứng đối với hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ, trong 10 ngày đầu tháng 4, một số doanh nghiệp có tờ khai xuất khẩu tới thị trường này đã phải hủy tờ khai hải quan vì không đàm phán được. Đơn cử, tại Hải quan Khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM), có 4 tờ khai xuất khẩu tới Mỹ bị hủy, trị giá 92.277 USD; tại Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4, có 3 tờ khai xuất khẩu tới Mỹ bị hủy, trị giá 282.545 USD...

Theo cơ quan hải quan, doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, da giày đang bị ảnh hưởng bởi thuế quan
ẢNH: Đào Ngọc Thạch - Linh Linh
Ngày 23.4, thông tin từ Chi cục Hải quan khu vực 2 cho biết tính từ ngày 3 - 23.4, đã có 42 tờ khai xuất khẩu đi Mỹ bị hủy với tổng giá trị trên 1,1 triệu USD. Theo Chi cục Hải quan khu vực II, trong quá trình làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa đi Mỹ, đơn vị đã bố trí công chức hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. "Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi xuất hàng vào Mỹ dù thuế đối ứng đã được gia hạn thêm 3 tháng. Một số doanh nghiệp đã tạm dừng các đơn hàng chờ chính sách thuế đối ứng mới", đại diện Chi cục Hải quan khu vực II cho hay.
Tương tự, tại Bình Dương - một trong những thủ phủ công nghiệp ở phía nam, thống kê của Chi cục Hải quan khu vực XVI cho thấy tính đến ngày 10.4, có 31 doanh nghiệp tại tỉnh này bị hủy đơn hàng. Những ngành hàng chịu ảnh hưởng nặng nhất là gỗ nội thất, dệt may, giày dép, thiết bị điện tử và nhựa.
Trước đó, ngày 2.4, Mỹ tuyên bố có hiệu lực ngay lập tức mức thuế 10% đối với tất cả hàng hóa được nhập khẩu vào nước này còn mức thuế đối ứng cao với 75 nước dự kiến được áp dụng từ ngày 9.4, nhưng sau đó đã hoãn 90 ngày. Đây là khoảng thời gian quý giá mà nhiều doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu cho biết đã và đang nỗ lực tận dụng tối đa để làm hàng, kịp giao lên tàu trong tháng 6, để đến cuối tháng 6, đầu tháng 7, phía khách hàng Mỹ nhập được hàng. Tuy nhiên, với mức thuế 10%, nhiều ngành hàng sản xuất xuất khẩu khác vẫn cho là khó đưa hàng đi khi đối tác đòi chia sẻ mức thuế.
Ông Tô Ngọc Ngời, Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất và xuất khẩu lâm sản Sài Gòn, phân tích: Mức lợi nhuận của ngành này rất thấp do cạnh tranh nhiều. Vì thế sau khi bị áp mức thuế 10% từ ngày 2.4, đối tác thương mại Mỹ đề xuất doanh nghiệp chia sẻ khoản thuế này. "Thậm chí, một số đơn hàng đã ký theo giá FOB (giao đến tàu), nay khách đòi chuyển sang vận đơn DDP (giao hàng đã nộp thuế), tức là mình bán hàng và chịu thuế hết, giao hàng tận kho cho bên mua thì quá rủi ro cho bên bán. Trong khi đó, vấn đề thuế đang được đàm phán cấp chính phủ, chưa rõ hình rõ khối thế nào, ở cấp doanh nghiệp, sao dám quyết giá bán đã nộp thuế, biết bao nhiêu mà quyết? Doanh nghiệp với nhau chưa đàm phán được phương thức mua hàng thì tạm ngưng đã, đi làm cho những đơn hàng khác. Chứ nếu sản xuất kinh doanh mà không có đồng lãi nào thì chúng tôi không làm", ông Ngời nhấn mạnh.
Một công ty làm hàng da giày xuất khẩu ở Bình Dương xác nhận đã bị hủy đơn hàng do phía đối tác không chịu chi thêm 10% thuế từ ngày 2.4. "Chúng tôi như đang ngồi trên lửa, đề nghị đàm phán lại với phía đối tác cũng chưa nhận được sự chia sẻ, trong khi 90 ngày này là "khoảng thời gian vàng" có thể chạy đua để tránh thuế đối ứng. Tuy nhiên, phía nhà nhập khẩu cho biết giá cả đã đàm phán trước đây rất sát với thị trường, nay tăng thêm 10% cũng không thể. Rồi đơn hàng giao sau tháng 7 là hủy luôn. Quý 3, quý 4 không biết làm gì tiếp đây", ông Đ.Q.M, chủ doanh nghiệp sản xuất hàng da giày, cho hay.
Chạy đua kịp đơn hàng
Mặt khác, các doanh nghiệp cũng đang cấp tập để kịp đơn hàng bàn giao cho đối tác. Ông chủ Công ty may mặc quốc tế Dony Phạm Quang Anh cho biết: "Hai tuần này không có ngày nghỉ, đêm tăng ca đến 9 - 10 giờ, chủ doanh nghiệp cũng như công nhân, đều làm việc để kịp đơn hàng giao trước "giờ G". Sau khi Mỹ gia hạn thuế thêm 90 ngày, những đơn hàng giao đúng hẹn của quý 2 cũng được đôn lên làm sớm hơn để làm tiếp các đơn hàng nhẽ ra giao cuối tháng 7, đầu tháng 8. Cứ chạy đua với thuế được đơn hàng nào hay đơn hàng đó".

Theo cơ quan hải quan, doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, da giày đang bị ảnh hưởng bởi thuế quan
ẢNH: Đào Ngọc Thạch - Linh Linh
Ông Quang Anh cho biết thêm những đơn hàng xuất đi Mỹ của công ty ông chưa bị hủy hay phải đàm phán lại bởi chủ yếu hàng may mặc của công ty thuộc hàng phổ thông, trị giá 1 - 2 USD/sản phẩm. Vì thế, 10% đối với giá bán này không cao bởi sau đó, hàng bán lẻ tại Mỹ có giá từ 30 USD trở lên. Hơn nữa, công ty đã cam kết đến đầu tháng 6, chậm nhất là ngày 10.6 sẽ đưa lên tàu chở đi. Như vậy, sau khoảng 20 ngày, khoảng tuần đầu tháng 7 (trước ngày 9.7, mốc kết thúc 90 ngày hoãn thuế đối ứng), khách hàng sẽ nhận được hàng, tránh được cho họ khoản thuế đối ứng nếu có.
Giải pháp mà Công ty Dony đang áp dụng trong thời gian này là tăng ca, làm suốt tuần, khuyến khích làm cả ngày nghỉ, thuê gia công bên ngoài, tuyển thêm nhân viên thời vụ. "Nếu không tăng tốc, doanh nghiệp chưa bàn đến chuyện tạm ngưng đơn hàng, nhưng về phía nhà sản xuất, tôi nghĩ mình có trách nhiệm chia sẻ với họ bằng việc cố gắng đẩy nhanh việc giao hàng. Thậm chí tôi đã bàn tính với những đơn hàng giao quý 3, làm theo hình thức cuốn chiếu, được bao nhiêu, đóng gửi đi trước bấy nhiêu, không chờ đến xong cả lô. Tất nhiên đó là giải pháp tình thế mà doanh nghiệp bắt buộc phải có giải pháp linh hoạt. Còn lại, như những gì chúng tôi vừa trao đổi với phía đối tác nước ngoài, mong chờ kết quả đàm phán giữa 2 nước sẽ đưa ra mức thuế đối ứng, nếu có, thấp hơn mức Mỹ đưa ra. Với tình hình này, dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong quý 4 rất đáng lo ngại", ông Phạm Quang Anh bổ sung.
Ông Tô Ngọc Ngời nói hiện tại chưa phải là mùa cao điểm của các đơn hàng đồ gỗ xuất đi Mỹ nên khó đo lường thiệt hại. Song với những động thái từ các đối tác thương mại và diễn biến khó lường của mức thuế quan, dự báo, đơn hàng trong quý 3 và 4 sẽ khó khăn. Chính sách thuế của Mỹ đang khiến người tiêu dùng nước này thắt lưng buộc bụng vì giá cả hàng hóa tăng. Về lâu dần lại tạo thành thói quen giảm mua sắm. Hiện có 2 giải pháp nhiều doanh nghiệp đang áp dụng là tìm thị trường mới, mở rộng thị trường sẵn có, đặc biệt là thị trường EU đang có dấu hiệu ấm hơn cũng như xây dựng thương hiệu ngay tại Mỹ…
Một số doanh nghiệp đang nỗ lực mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác và đặc biệt tìm kiếm thị trường ngách, khách hàng nhỏ lẻ. Về lâu dài, ngành da giày cũng như dệt may cần được hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Nếu không tự chủ được phần lớn nguyên phụ liệu, xuất khẩu sang Mỹ sẽ khó khăn hơn. Bên cạnh đó, việc đầu tư thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới cho các ngành xuất khẩu chủ lực là cần thiết. Từ đây, khách hàng mới có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm, lựa chọn mẫu mã và định hình một nền công nghiệp da giày của VN tốt hơn.
Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày tỉnh Bình Dương