Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc
Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều Luật BHXH về BHXH bắt buộc. Tại điều 7 dự thảo nghị định quy định chi tiết về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc.
Theo đó, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Cũng theo dự thảo nghị định, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các chế độ và phúc lợi khác như: Thưởng, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
![]() |
Dự kiến tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc có sự điều chỉnh từ 1/7, khi Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực. Ảnh minh họa: VnEconomy. |
Như vậy, so với dự thảo trước đây, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu góp ý và nêu rõ những khoản phụ cấp không tính đóng BHXH trên cơ sở kế thừa quy định hiện hành.
Bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc từ 1/7
Dự thảo Nghị định cũng quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với một số nhóm được bổ sung vào đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc từ ngày 1/7.
Cụ thể, nhóm người lao động làm việc theo hợp đồng nhưng không đủ thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất.
Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với nhóm này, là tiền lương tính trong tháng theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
Đối với nhóm người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với nhóm này là mức phụ cấp hằng tháng của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Đối với dân quân thường trực, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc được thực hiện như nhóm hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ công an nhân dân; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí...
Trốn đóng BHXH có thể bị truy cứu hình sự
Bộ Nội vụ cũng đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp; khiếu nại, tố cáo về BHXH và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH.
Bộ Nội vụ cho biết về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, đây là nội dung mới do các quy định trước đây về BHXH chưa quy định rõ khái niệm như thế nào là chậm đóng, trốn đóng.
Theo dự thảo, các trường hợp bị coi là trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại điểm g Điều 39 Luật BHXH được đề xuất quy định như sau: Không đăng ký tiền lương đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp đối với khoản tiền lương để ngoài sổ kế toán; người sử dụng lao động sử dụng giấy tờ, tài liệu, thông tin không có thật để được tạm dừng đóng BHXH bắt buộc.
Về biện pháp xử lý hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, dự thảo quy định khi phát hiện hành vi chậm đóng, trốn đóng thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng đồng thời các biện pháp xử lý.
Buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng vào quỹ BHXH, quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.