Zarubezhneft là công ty dầu khí quốc doanh của Nga hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí tại Nga và nhiều quốc gia khác như Cuba, Uzbekistan, Indonesia, Ai Cập, Bosnia và Herzegovina.
Tại Việt Nam, Zarubezhneft là một bên Nhà thầu tham gia một số hợp đồng dầu khí lớn như Lô 09-2/09, Lô 09-1 (Vietsovpetro), Lô 04-3 và đang chuẩn bị phát triển Mỏ Thiên Nga - Hải Âu, Lô 12/11.
Năm 2024, Zarubezhneft chính thức tiếp quản quyền điều hành Lô 11-2 (với 75% tỉ lệ tham gia) từ tổ hợp nhà thầu Hàn Quốc (KNOC) và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và kết nối hai Lô 11-2 và Lô 12/11 thông qua việc ký kết Thỏa thuận khung kết nối nhằm tối ưu hóa chi phí và tận dụng tiềm năng dầu khí của hai lô.

Giàn Rồng Đôi
Lô 11-2 nằm ở phía Tây bể Nam Côn Sơn, ngoài khơi Việt Nam, cách thành phố Vũng Tàu khoảng 320 km về phía Đông Nam. Hợp đồng Chia Sản phẩm Lô 11-2 được ký ngày 19/5/1992 và có thời hạn đến năm 2034 với các bên tham gia là Zarubezhneft EP Vietnam (chiếm 75%, là Người điều hành Lô) và PVEP (chiếm 25%, tham gia thay mặt Petrovietnam).
Hiện nay, trên diện tích Hợp đồng có cụm mỏ Rồng Đôi - Rồng Đôi Tây đang khai thác. Mỏ Rồng Đôi - Rồng Đôi Tây phát hiện từ tháng 9/1997 và KNOC đã đầu tư 300 triệu USD phát triển mỏ và ký thoả thuận mua bán khí với PetroVietnam.
Mỏ khí Rồng Đôi và Rồng Đôi Tây có khả năng cho khai thác và cung cấp cho PetroVietnam khoảng 130 triệu bộ khối khí thiên nhiên/ngày trong thời gian 23 năm. Tổng trữ lượng mỏ ước tính khoảng 856 tỷ bộ khối và 22,8 triệu thùng condensate.
Ngày 17/11/2006, mỏ này đón dòng khí đầu tiên. Nguồn khí này được vận chuyển đến khu công nghiệp Phú Mỹ qua đường ống Nam Côn Sơn để phục vụ phát điện.
Tổng sản lượng khai thác Mỏ Rồng Đôi - Rồng Đôi Tây từ khi có dòng khí đầu tiên đến hết tháng 12/2024 là 612,32 tỷ bộ khối khí và 16,89 triệu thùng condensate. Năm 2024, tổng sản lượng khai thác mỏ Rồng Đôi - Rồng Đôi Tây là 11,96 tỷ bộ khối khí và 0,29 triệu thùng condensate.

Cách đây ít ngày, đoàn lãnh đạo cấp cao của Zarubezhneft EP Vietnam (ZNEP) và Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đã có chuyến công tác thực địa giàn Rồng Đôi , thuộc dự án Lô 11-2, một trong những khu vực khai thác khí - condensate chủ lực của Petrovietnam hiện nay.
Thực tế cho thấy sản lượng khai thác từ hai mỏ hiện hữu Rồng Đôi và Rồng Đôi Tây đang suy giảm nhanh hơn so với dự kiến. Trước tình hình đó, Người điều hành Lô 11-2 cùng với đối tác PVEP đang tích cực triển khai các giải pháp kỹ thuật, kinh tế và thương mại nhằm giảm thiểu tác động về mặt kinh tế.
Các giải pháp bao gồm khoan thăm dò/thẩm lượng mở rộng nhằm gia tăng sản lượng khai thác, cũng như chia sẻ công suất hệ thống thiết bị khai thác với Lô 12/11 để tối ưu chi phí và nâng cao hiệu quả sử dụng cho các bên tham gia cũng như nước chủ nhà.
Ông Đặng Ngọc Quý, Phó Tổng Giám đốc PVEP nhấn mạnh: "Năm 2025 sẽ là năm đánh dấu một giai đoạn then chốt trong chiến lược phát triển Lô 11-2. Bên cạnh việc duy trì vận hành an toàn và ổn định tại hai mỏ đang khai thác là Rồng Đôi và Rồng Đôi Tây, chúng tôi sẽ đồng thời triển khai một loạt hoạt động kỹ thuật trọng yếu nhằm gia tăng sản lượng và mở rộng tiềm năng khai thác".
Ông Quý chia sẻ thêm, chuyến thực địa này không chỉ nhằm mục đích giám sát hoạt động khai thác hiện tại của Lô 11-2, mà còn là cơ hội để hai bên rà soát, đánh giá công tác chuẩn bị cho các hạng mục kỹ thuật trọng điểm dự kiến triển khai trong thời gian tới.

Zarubezhneft có hơn 40 năm kinh nghiệm hợp tác cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với Liên doanh Vietsovpetro (thành lập từ năm 1981). Sự hợp tác này đã gặt hái được nhiều thành công trong thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí, tạo việc làm cũng như đóng góp quan trọng vào ngân sách của quốc gia.
Trong buổi tiếp ông Sergey Kudryashov, Tổng Giám đốc Công ty dầu khí Zarubezhneft diễn ra hồi tháng 6/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn Zarubezhneft quan tâm đầu tư các dự án năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi, sản xuất các nhiên liệu mới như hydro xanh, amoniac xanh... và tận dụng hạ tầng, cơ sở vật chất của các giàn khoan dầu khí tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam và Liên bang Nga còn rất nhiều dư địa hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Zarubezhneft và Petrovietnam cần ưu tiên quan tâm đầu tư, nghiên cứu, làm chủ công nghệ sản xuất các loại nhiên liệu xanh mới từ năng lượng tái tạo. Đây là "chìa khoá" để thế giới chuyển đổi xanh.