Sáng 23/4, CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 và toàn bộ tờ trình đều được thông qua.

Toàn cảnh đại hội. (Ảnh chụp màn hình)
Tại buổi họp, cập nhật với cổ đông liên quan tới đề án tăng vốn điều lệ, ông Bùi Ngọc Dương - Chủ tịch HĐQT cho biết đề án tăng vốn điều lệ đã được HĐQT thực hiện và đã trình lên cổ đông lớn PVN. PVN đã có văn bản trình Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC).
Sau khi CMSC bàn giao công việc về Bộ Tài chính thì Bộ cũng đã tiếp quản. Người đứng đầu BSR thông tin ngày 15/4, Bộ Tài chính đã chủ trì một cuộc họp làm rõ đề án. Ngày hôm nay (23/4), Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước sẽ có văn bản gửi xuống cho PVN và HĐQT của BSR để làm rõ một số nội dung và sẽ có giải trình trước ngày 26/4.
Trên cơ sở văn bản giải trình chính thức, Bộ Tài chính sẽ trình duyệt phương án tăng vốn điều lệ. Ông Dương cho biết "đề án tăng vốn điều lệ sẽ sớm được thông qua".
Mục tiêu của đề án tăng vốn là tập trung nguồn vốn cho dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất và các dự án chiến lược khác. Lãnh đạo BSR kỳ vọng việc tăng vốn sẽ là cơ sở để công ty thực hiện các công tác đầu tư chiến lược, mở rộng quy mô.
Cổ đông cũng có thắc mắc liên quan tới rủi ro bị huỷ niêm yết khi có dưới 10% số cổ phiếu do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ (PVN hiện nắm hơn 92% vốn). Ông Bùi Ngọc Dương cho hay HĐQT đã báo cáo vướng mắc về điều kiện công ty đại chúng tới cơ quan có thẩm quyền và kiến nghị có giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, BSR đã kiến nghị PVN xem xét thoái vốn để đáp ứng Luật 56.
Theo Luật số 56/2024/QH15: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán quy định:
Công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong hai trường hợp sau đây:
a) Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ;
b) Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này.
Với chiến lược phát triển trong thời gian tới, Chủ tịch BSR thông tin công ty đang báo cáo PVN tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để tham gia vào việc đầu tư không chỉ dự án nâng cấp mở rộng mà còn có các dự án chiến lược giai đoạn 2 của Bình Sơn tại Trung tâm lọc hoá dầu và năng lượng ở Quảng Ngãi hay dự án Trung tâm lọc hoá dầu và năng lượng ở Bà Rịa - Vũng Tàu đang được nghiên cứu.
"Trong giai đoạn vừa qua, Tập đoàn PVN đã làm việc với các nhà đầu tư, đặc biệt là từ Trung Đông rất quan tâm tới việc đầu tư các dự án lọc hoá dầu. Tôi cũng hi vọng, trong giai đoạn tới, BSR sẽ đi làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư có tiềm năng về dầu thô, tài chính để mời tham gia vừa đầu tư, thu xếp tài chính vừa cung cấp dầu thô cho dự án nâng cấp và các dự án khác trong tương lai", ông Dương chia sẻ với cổ đông.
Đối với hiện trạng nhà máy lọc dầu Dung Quất, hiện dự án đang hoàn thiện những bước cuối cùng của thiết kế kỹ thuật tổng thể FEED và sẽ được trình duyệt vào ngày 2/5. Đây là tiền đề quan trọng để thẩm duyệt thông qua, làm cơ sở để công ty đấu thầu lựa chọn nhà thầu EPC. Tiến độ đang bám sát kế hoạch, nếu việc đấu thầu EPC thành công, nhà máy sẽ đi vào vận hành năm 2028.
"Về công tác thu xếp vốn đang được công ty bám sát, đã thuê tư vấn tài chính, đang làm việc với rất nhiều ngân hàng. Hiện việc thu xếp vốn chưa có gì vướng mắc. Với kỳ vọng nhận được phê duyệt từ đề án tăng vốn thì có thể khẳng định việc thu xếp vốn cho việc mở rộng nhà máy là đảm bảo mục tiêu đề ra và khả thi", lãnh đạo BSR cho biết.
Không chia cổ tức năm 2024
Năm 2025, lãnh đạo công ty nhận định là năm thế giới tiếp tục phải đối mặt với thị trường dầu thô và sản phẩm diễn biến phức tạp, nhanh và khó tiên đoán do nhiều yếu tố tác động đan xen như mức độ phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu và các nước lớn; cạnh tranh địa chính trị.
Bên cạnh đó, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và các nước/thị trường lớn; các chính sách mới về năng lượng của Donald Trump cũng là một biến số.
Vấn đề biến động tỷ giá động ngoại tệ; chính sách điều tiết sản lượng khai thác của các nước OPEC+ để kiểm soát giá dầu; năng lượng tái tạo phát triển; việc hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại một số nhà máy lọc hóa dầu tại Trung Quốc;...
Ngoài ra, cuộc chiến thương mại cũng có thể dẫn đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng tại một số nước dẫn đến chi phí vật tư, thiết bị và hóa phẩm xúc tác tăng, theo đó chi phí sản xuất của nhà máy có thể bị ảnh hưởng nếu không có nguồn hàng thay thế.
Bên cạnh những thách thức, năm 2025 cũng tồn tại nhiều cơ hội như nhu cầu sản phẩm lọc hóa dầu, đặc biệt các sản phẩm PP có giá trị cao tại thị trường Việt Nam cao hơn khả năng sản xuất trong nước.
Nhu cầu tiêu thụ có cơ hội tăng trưởng khi Chính phủ đặt mục tiêu phát triển đạt hai con số trong năm 2025 cũng như các địa phương đều cam kết mức độ tăng trưởng GDP của các tỉnh/thành phố tối thiểu đạt 8% trong năm 2025,...

Kế hoạch sản lượng 2025. (Nguồn: Tờ trình ĐHĐCĐ thường niên).
Với góc nhìn trên, BSR lên kế hoạch tổng doanh thu 114.654 tỷ đồng, giảm 7% so với thực hiện năm 2024 song công ty cho biết sẽ phấn đấu đạt 140.000 tỷ doanh thu, tăng 14%.
Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm nay là 752 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2024. Công ty dự định tiếp tục không chia cổ tức năm 2025.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các năm và kế hoạch 2025.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các năm và kế hoạch 2025.
Cập nhật về tình hình kinh doanh quý I, ông Bùi Ngọc Dương - Chủ tịch HĐQT thông tin doanh thu quý đầu năm thấp hơn cùng kỳ do giá dầu giảm sâu.
Sản lượng sản xuất quý đầu năm đạt hơn 1,8 triệu tấn sản phẩm (vượt 12% so với kế hoạch), tổng doanh thu đạt hơn 32.200 tỷ đồng.
Nhận định về chính sách thuế quan của Mỹ, vị Chủ tịch đánh giá chính sách này không tác động trực tiếp tới hoạt động của ngành năng lượng, tuy nhiên về mặt gián tiếp đã tác động ngay tới giá dầu. Trong 10 ngày đầu của quý II, giá dầu đã giảm từ 77 USD/thùng xuống còn 63 USD/thùng và hiện đang hồi phục lên 67-68 USD/thùng.
"Các biến động BSR đã lường từ trước, khi xảy ra đã kích hoạt quản trị rủi ro đồng thời báo cáo PVN có giải pháp hỗ trợ, huy động nguồn dầu thô trong nước để giảm thiểu chi phí, tăng cường biện pháp bán hàng để tránh tồn kho", ông Dương chia sẻ.
Với phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, BSR chỉ trích 231 tỷ vào quỹ khen thưởng phúc lợi và không thực hiện trả cổ tức cho cổ đông.

Nguồn: Tờ trình ĐHĐCĐ thường niên.