Sau nhiều năm, các công ty xe hơi Trung Quốc đã sẵn sàng vực dậy thị trường xe điện Mỹ. Việc họ mang tới những chiếc xe điện ấn tượng, quan trọng là rẻ, đến nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian, theo BI.
Trên sân nhà, các công ty Trung Quốc cho đến thời điểm hiện tại đã đánh bại nhiều đối thủ cạnh tranh Mỹ, đơn cử như chiếm thị phần từ Ford và General Motors bằng cách cung cấp những chiếc ô tô điện chất lượng tốt giá cả bình dân, thậm chí rục rịch xuất khẩu xe sang thị trường châu Âu.
Lúc này, hai câu hỏi lớn đặt ra, rằng liệu những thương hiệu này có thể vượt qua căng thẳng địa chính trị? Liệu người mua Mỹ có sẵn sàng mở lòng đón nhận các thương hiệu ngoại ngoài biên giới?
“Sẽ là một vài năm thú vị để xem liệu Ford và GM và những công ty tương tự có thể địch lại sự cạnh tranh từ Trung Quốc hay không. Từ những gì chúng ta thấy tại triển lãm ô tô Thượng Hải năm nay, sự cạnh tranh đó là rất, rất thực tế”, Martin French, giám đốc điều hành công ty tư vấn Berylls, cho biết.
Theo BI, ngành công nghiệp EV của Trung Quốc bùng nổ trong những năm gần đây. Sau một vài năm tung hoành, Tesla sắp để lọt ngôi vị nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới vào tay một công ty Trung Quốc, BYD.
Vào những năm 1970, nhiều công ty xe hơi Nhật Bản như Toyota và Honda lao vào sản xuất các dòng xe hơi tiết kiệm nhiên liệu và giá cả phải chăng, khiến các nhà sản xuất ô tô Mỹ phải bám gót. Các thương hiệu Hàn Quốc như Hyundai và Kia cũng đã ‘ăn miếng trả miếng’ với Ford và GM.
Lịch sử trên dễ dàng lặp lại và các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc được kỳ vọng có thể giành được chỗ đứng vững chắc trên đất Mỹ nhờ mức giá hợp lý.
“Liệu các công ty Trung Quốc có thể làm nên chuyện chỉ nhờ xe điện? Câu trả lời là có. Ai mà không muốn những xe giá cả phải chăng chứ?”, Bill Russo, cựu giám đốc điều hành của Chrysler kiêm CEO của Automobility, một công ty tư vấn có trụ sở tại Thượng Hải, nói với Insider.
Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng, việc thâm nhập thị trường mới có thể gây ra nhiều khó khăn với Trung Quốc so với Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Người tiêu dùng cũng có thể không ủng hộ thương hiệu Trung Quốc, trong khi giới lập pháp đưa ra nhiều các biện pháp giám sát chặt chẽ hơn.
Được biết, mức thuế nhập khẩu 27,5% từ thời cựu Tổng thống Donald Trump vẫn có hiệu lực đối với ô tô Trung Quốc, trong khi các khoản tín dụng thuế mới của chính quyền ông Joe Biden lại ưu tiên các phương tiện được sản xuất ở Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn thắng về giá.
Các thương hiệu Mỹ, bao gồm cả Tesla, từ lâu đã muốn sản xuất những chiếc xe điện giá rẻ – “chén thánh” trong công cuộc giúp nó trở thành người dẫn đầu. Không những thế, xe hơi giá bình dân còn đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng, đồng thời thuyết phục thành công nhà đầu tư phố Wall đẩy mạnh sản xuất.
Dẫu vậy, gần 20 năm trôi qua, Chiếc xe rẻ nhất của Tesla, Model 3 sedan, vẫn có giá 43.000 USD.
“Mong muốn sở hữu một chiếc Tesla của mọi người rất cao. Yếu tố hạn chế duy nhất là khả năng chi trả của họ”, Musk nói, song lại không đề cập đến bất kỳ sự chắc chắn nào về một chiếc EV giá rẻ.
Theo Tom Zhu, cánh tay phải của Musk, Tesla hiện đã sản xuất được 4 triệu chiếc ô tô. Để đạt được mục tiêu sản xuất 20 triệu xe mỗi năm vào năm 2030, gần như chắc chắn hãng này sẽ cần một mẫu xe mới chi phí thấp.
Tháng trước, đúng là Tesla đã giảm 20% giá một số mẫu xe đời đầu trên khắp nước Mỹ và châu Âu, song không áp dụng chính sách trên với các dòng xe mới. Nếu Musk đổi ý, những chiếc xe mới giá rẻ sẽ giúp hãng vượt qua cuộc chạy đua cạnh tranh từ những nhà sản xuất ô tô truyền thống vốn đang cố gắng đưa các mẫu xe thay thế rẻ hơn ra thị trường.
Tesla được đánh giá là công ty đi đầu trong cuộc cách mạng EV, với khả năng cung chiếc pin đầu tiên có phạm vi hoạt động sánh ngang xe xăng và cơ sở hạ tầng sạc rộng lớn. Hãng này cũng dẫn đầu công cuộc đổi mới, chẳng hạn như cập nhật phần mềm qua mạng, màn hình cảm ứng khổng lồ cùng tính năng ra vào xe không cần chìa khóa. Tuy nhiên, sau nhiều năm vượt lên dẫn trước, những chiếc xe tương lai của Tesla bắt đầu trở nên cũ kỹ.
Trong khi đó, các thương hiệu Trung Quốc không có đối thủ địch được về giá. Một trong những loại xe điện phổ biến nhất là Wuling Hong Guang Mini cực nhỏ có giá tương đương 5.000 USD. Tại triển lãm ô tô Thượng Hải vào tháng trước, BYD cũng đã tung ra một chiếc hatchback có tên là Seagull chỉ với giá dưới 11,000 USD.
“Tôi đã thử lái một số thương hiệu EV của Trung Quốc, và trời ơi, châu Âu chắc chắn sẽ gặp rắc rối”, Tu Le, giám đốc điều hành của Sino Auto Insights, một công ty tư vấn chuyên về ô tô Trung Quốc, nói.
Dẫu vậy, sự thống trị của các công ty Trung Quốc sẽ không đến trong một sớm một chiều bởi còn thời gian dành cho thử nghiệm. Tu Le cho biết trong số hàng chục thương hiệu tranh giành nhau miếng bánh thị phần, chỉ có một số ít có thể bán ở Mỹ với bất kỳ khối lượng xe đáng kể nào.
Geely và BYD là hai ứng cử viên tiềm năng. Giám đốc điều hành của BYD cho biết công ty không để mắt đến thị trường xe du lịch Mỹ, song đã có một lượng xe thương mại nhất định ở đây.
Sau khi có chỗ đứng trên thị trường, các thương hiệu xe Trung mới thiết lập cơ sở sản xuất ở Bắc Mỹ. “Quy mô lớn của thị trường ô tô Mỹ đồng nghĩa với việc những người mới tham gia sẽ cần phải sản xuất chỉn chu tại địa phương mới có thể cạnh tranh nghiêm túc trong dài hạn. Người Mỹ nghĩ rằng ‘sóng’ sẽ chỉ đến từ Thung lũng Silicon. Nhưng không. Nó đến từ cả Trung Quốc nữa”.
Theo: BI, Bloomberg