Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa công bố báo cáo tài chính quý I với quý thứ hai liên tiếp ghi nhận lỗ.
Ba tháng đầu năm nay, đại gia ngành xây dựng này ghi nhận doanh thu gần 1.200 tỷ đồng, giảm gần 60% cùng kỳ năm trước. Do kinh doanh dưới giá vốn, Hòa Bình chịu lỗ gộp từ hoạt động chính hơn 200 tỷ đồng, so với mức lãi gộp gần 200 tỷ trong quý I/2022.
Chi phí tài chính tiếp tục là gánh nặng với lãi vay gấp rưỡi cùng kỳ, ghi nhận gần 137 tỷ đồng. Cùng với các chi phí hoạt động khác, Hòa Bình lỗ ròng hơn 440 tỷ đồng, quý lỗ thứ hai liên tiếp.
Đến cuối quý I, tổng tài sản của Hòa Bình đạt gần 15.700 tỷ đồng, giảm hơn 1.200 tỷ so với đầu năm. Lỗ lũy kế đến cuối quý ghi nhận hơn 1.100 tỷ đồng, tương đương hơn 40% vốn điều lệ doanh nghiệp (2.741 tỷ đồng).
Điểm sáng của Hòa Bình là quy mô các khoản phải thu khách hàng ngắn hạn đã giảm hơn 1.000 tỷ đồng trong quý I. Dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn cũng giảm bớt.
Những tháng đầu năm nay, làn sóng doanh nghiệp xây dựng thấm đòn vì bị doanh nghiệp bất động sản giam nợ, "chết mòn" vì đói vốn, có dấu hiệu lan rộng.
Nhiều công ty xây dựng, nhà thầu chính lẫn phụ và cả các đơn vị thi công thị trường ngách như cảnh quan, thiết bị phụ trợ cho dự án bất động sản đều hụt hơi về dòng tiền. Nợ xấu tăng, họ cắt nhân sự, giảm lương, dừng thi công vì nguồn lực cạn kiệt do không đòi được nợ từ các chủ đầu tư dự án.
Không đến mức lỗ như Hòa Bình, song chi phí giá vốn tăng cao cũng khiến lợi nhuận gộp của Coteccons (CTD) trong quý I giảm 17%, dù doanh thu tăng hơn 60% cùng kỳ. Kết quả là lãi ròng ba tháng đầu năm của công ty này giảm 25%, còn 22 tỷ đồng.
Ngoài ra, đầu năm nay, Hòa Bình còn trải qua nhiều tuần "tranh chấp quyền lực" giữa ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Công Phú liên quan đến vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị. Sau quyết định của Cục Thi hành án dân sự TP HCM, ông Lê Viết Hải tiếp tục giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và người đại diện theo pháp luật của HBC.