Nhóm nghiên cứu Future Interfaces Group của Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) cho biết công nghệ họ đang phát triển có thể giúp màn hình cảm ứng trên điện thoại trở thành một bàn phím với khả năng nhận biết lực nhấn từ ngón tay như cách thông thường.
Công nghệ này cũng có thể được dùng cho các thông báo. Khi ứng dụng có cập nhật mới, phần icon sẽ phồng lên so với màn hình và chỉ tắt khi được nhấn vào. Thông báo dạng xúc giác sẽ thuận tiện hơn cho người dùng, nhất là khi máy ở chế độ im lặng.
Theo hồ sơ bằng sáng chế của Future Interfaces Group, nhóm sử dụng máy bơm điện thủy lực siêu nhỏ để nâng màn hình bằng chất lỏng, trong đó hình dạng và kích cỡ bàn phím có thể tùy chỉnh. Nhóm cho biết đã thành công trong việc tích hợp công nghệ vào tấm nền OLED đang được sử dụng trên iPhone. Hệ thống phản hồi xúc giác cho màn hình chỉ dày 5 mm và chịu được lực nhấn như màn hình cảm ứng thông thường.
Trước đó, Apple cũng đã phát triển một công nghệ tương tự, trong đó điều chỉnh bề mặt màn hình cảm ứng nhằm tạo cảm giác phản hồi tốt hơn. Hãng cũng đang nghiên cứu công nghệ haptic cho bản phím bằng cách sử dụng hai hệ thống cảm biến lực riêng biệt để phát hiện vị trí ngón tay, cùng các bộ truyền động cung cấp phản hồi cho mỗi lần nhấn phím.