Bất động sản

Sếp Tập đoàn Hưng Thịnh: Chúng tôi chấp nhận không có lời, thậm chí "ăn vào lợi nhuận" của 10 năm qua để thuyết phục khách xuống tiền

Sếp Tập đoàn Hưng Thịnh: Chúng tôi chấp nhận không có lời, thậm chí "ăn vào lợi nhuận" của 10 năm qua để thuyết phục khách xuống tiền - Ảnh 1.

Ông Trần Quốc Dũng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh.

Chúng ta nên bỏ cụm từ “giải cứu”. Chính phủ hay các cấp chính quyền địa phương cũng không còn dùng từ này, mà là vực dậy và hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) trong thời kỳ thực sự khó khăn hiện nay”, ông Trần Quốc Dũng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh mở đầu phần chia sẻ tại Hội thảo “Vực dậy bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế” do báo Thanh Niên tổ chức.

Vị Phó Giám đốc này nhận định để vực dậy thị trường BĐS, điều quan trọng hàng đầu là phải giải quyết vấn đề niềm tin. Xét đến nguyên nhân gây khủng hoảng niềm tin, ông “tạm cho rằng” do một số sai phạm của các tổ chức kinh doanh trong năm 2022, cùng với việc siết tín dụng và tăng lãi suất cho vay.

Ông còn đánh giá khủng hoảng niềm tin đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế nói chung, trong đó có ngành BĐS. Vì vậy, cần có tầm nhìn vĩ mô để BĐS phát triển bền vững, thay vì theo một chu kỳ nào đó.

Thực ra chúng tôi không biết vì những lý do tế nhị nào mà mọi người không thừa nhận đóng góp của BĐS với nền kinh tế, thậm chí có cái nhìn mất thiện cảm đối với các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh BĐS. Nói đến BĐS, chúng ta nghĩ ngay đến siêu lợi nhuận, mua rẻ bán đắt. Trong khi đó, việc hạch toán hoạt động kinh doanh BĐS rất minh bạch theo luật. Giá trị đầu vào cấu thành giá bán”, ông Dũng trình bày.

Ông cho biết “có tình trạng giá trị thu về lớn, nhưng tồn tại ở một thành phần tham gia BĐS khác, không phải trong những doanh nghiệp BĐS chính nghĩa”.

Các nhà đầu tư thứ cấp mua sơ cấp từ chúng tôi, sau đó giao dịch đẩy giá. Lợi nhuận có từ các giao dịch thứ cấp đó không phải lợi nhuận của nhà đầu tư”, ông khẳng định.

Chấp nhận không còn lợi nhuận, thậm chí "ăn vào lợi nhuận" trong 10 năm qua để lấy lại niềm tin

Để lấy lại niềm tin từ người dân và giới đầu tư, ông Dũng nhận định vấn đề đầu tiên đến từ nội lực của các doanh nghiệp BĐS, chẳng hạn như cần tái cấu trúc hoạt động. Bản thân Tập đoàn Hưng Thịnh đã và đang giảm nhân sự, tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy, sao cho giá BĐS tiệm cận mong muốn của khách hàng.

Chúng tôi cũng linh hoạt trong chiến lược triển khai sản phẩm ra thị trường. Thậm chí không còn lợi nhuận trong các dự án chúng tôi đang triển khai, hay kể cả sẽ ăn vào lợi nhuận trong 10 năm phát triển đã qua, chúng tôi vẫn mong muốn có những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thực tế của khách hàng lúc này, để họ xem xét và quyết định xuống tiền”, lãnh đạo Hưng Thịnh tuyên bố.

Ông cho biết điều đầu tiên Tập đoàn hướng đến lúc này là có nguồn tiền về để tạo tính thanh khoản, duy trì hoạt động. Do đó, họ sẽ linh hoạt trong kế hoạch kinh doanh, bao gồm phương án giảm giá, đưa ra mức giá vừa phải để những khách hàng có nhu cầu tiếp cận được sản phẩm.

Điểm tiếp theo trong vấn đề giải quyết niềm tin, ông Dũng cho rằng từ Trung ương đến địa phương phải có những thông điệp tới người dân và các nhà đầu tư để họ an tâm quay lại với thị trường BĐS.

Về tín dụng BĐS, ông Dũng nhận định vấn đề nằm ở chỗ cần triển khai một cách quyết liệt những chính sách về giãn nợ, cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp. “Đây là việc vô cùng cấp thiết với chúng tôi trong lúc này”, ông nói.

Ngoài ra, vị Phó Giám đốc còn bày tỏ mong muốn Ngân hàng Nhà nước làm việc chi tiết với các ngân hàng thương mại để cùng các chủ đầu tư tái cấu trúc nợ, từ đó có thể tái cấp vốn, tạo điều kiện cho họ triển khai xây dựng lại những dự án đang dang dở.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm