Trong hai ngày liên tiếp, người hâm mộ bóng đá châu Á được trải nghiệm đủ cung bậc cảm xúc. Ngay sau khi Saudia Arabia tạo địa chấn với màn ngược dòng 2-1 trước Argentina, đến lượt Nhật Bản làm điều tương tự, “nạn nhân” lần này là “cỗ xe tăng” Đức.
Nhật Bản vừa tạo địa chấn trước Đức, với kịch bản tương tự Saudi Arabia đã làm trước Argentina. Ảnh: Getty
Địa chấn sớm và liên tục ở World Cup 2022
Chiến thắng lịch sử, địa chấn World Cup, nỗi buồn bóng đá Nam Mỹ và châu Âu, sự trỗi dậy của bóng đá châu Á… xuất hiện đầy “trending” trên các mạng xã hội hai ngày qua. Chiến thắng của Saudi Arabia cùng Nhật Bản đều có kịch bản tương tự: thua trước từ chấm penalty trong hiệp một, để rồi trỗi dậy ghi hai bàn trong hiệp hai, giành chiến thắng chung cuộc 2-1.
Điểm chung của cả hai đội bóng hàng đầu châu Á, ngoài nền tảng thể lực sung mãn, chiến thuật hiện đại không hề thua kém các trường phái phương Tây, còn là tinh thần “không đầu hàng, chiến đấu hết mình”.
Cảnh tượng Yasser Al-Shahrani của Saudi Arabia được đưa ra khỏi sân bằng cáng cứu thương vào phút bù giờ chính là hình ảnh thu nhỏ cho nỗ lực không ngừng của Saudi Arabia trên sân. Họ chơi cống hiến, đổ mồi hôi, nước mắt và cả máu để mang về chiến thắng lịch sử cho đội nhà.
Cầu thủ Saudi Arabia ăn mừng khi hạ gục Argentina của Messi. Ảnh: Getty
Tương tự, tối 23/11, Nhật Bản đã chơi bùng nổ trong 15 phút cuối trận, khi hai cầu thủ vào thay người là Ritsu Doan và Takuma Asano (đều đang chơi ở Bundesliga cùng 6 cầu thủ khác ra sân trong đội hình xuất phát) tỏa sáng. Họ lần lượt ghi bàn cho đội bóng châu Á ở các phút 75 và 83. Đây là lần đầu tiên Nhật Bản đánh bại Đức ở một kỳ World Cup.
Đức đã 4 lần vô địch World Cup, cùng 4 lần giành ngôi á quân. Argentina lên ngôi World Cup 2 lần, giành ngôi á quân 2 lần. Trong khi đó, thành tích tốt nhất của hai đội bóng châu Á vừa tạo “địa chấn” chỉ là vòng 1/16 - những thành tích vô cùng khập khiễng khi so sánh.
“Hơn 24 giờ đã trôi qua kể từ khi trận đấu kết thúc, tôi vẫn không có từ nào để mô tả những gì đã chứng kiến”, nhà báo Paul Williams của Arab News cho biết. “Saudi Arabia không chỉ giành chiến thắng cho chính họ, mà còn là chiến thắng cho bóng đá Ả Rập. Các video ăn mừng tràn ngập trên mạng xã hội, từ Iraq đến Sudan, tất cả mọi nơi. Cứ như thể đội tuyển quốc gia của họ đã có mặt trên sân vậy”.
Saudi Arabia đã vô địch Asian Cup. Họ cũng lọt vào vòng loại trực tiếp của các kỳ World Cup trước đây. Nhưng không có gì, không có khoảnh khắc nào trong lịch sử của họ có thể làm lu mờ những gì đã xảy ra vào chiều 22/11. Cả đất nước Saudi Arabia còn được nghỉ 1 ngày để ăn mừng chiến thắng. Nhật Bản cũng là câu chuyện tương tự.
World Cup 2002 đánh dấu sự trỗi dậy của các đại diện châu Á tại World Cup, khi Hàn Quốc (vào đến bán kết) và Nhật Bản (vào vòng 1/16) là đồng chủ nhà. 20 năm sau, lịch sử có lặp lại?
Ritsu Doan gỡ hòa 1-1, mở ra màn lội ngược dòng trước Đức. Ảnh: Getty
Sự trỗi dậy của bóng đá châu Á nhờ “thiên thời, địa lợi”
Trong suốt lịch sử World Cup, thành tích cao nhất của bóng đá châu Á chính là tấm vé bán kết của đội tuyển Hàn Quốc năm 2002. Nhưng tựu chung, số lần vượt qua vòng bảng của các đại diện châu Á chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Năm 1994, Saudi Arabia lọt vào vòng 1/16 World Cup 1994 ngay lần đầu tiên góp mặt. Nhật Bản (3 lần vào vòng 1/16) và Hàn Quốc (1 lần vào bán kết, 1 lần vào vòng 1/16) là những đội bóng mạnh nhất đại diện châu Á, nhưng cũng thường xuyên phải dừng bước sớm. Rất có thể tại Qatar năm nay, thành tích ấy sẽ được cải thiện nhờ nhiều yếu tố “thiên thời, địa lợi”.
Có thể thấy rõ, trong hai “cơn địa chấn” vừa qua, hai đội bóng châu Á không hề thua kém đối thủ Nam Mỹ và châu Âu về vấn đề thể lực, thậm chí còn nhỉnh hơn, vì sao?
Các giải bóng đá vô địch quốc gia ở châu Á, đặc biệt là Đông Á như Nhật Bản và Hàn Quốc đều kết thúc vào cuối năm. J1.League (Nhật Bản) kết thúc vào ngày 5/11, còn K.League 1 (Hàn Quốc) thậm chí sớm hơn một tuần (29/10). Vì vậy, các tuyển thủ Nhật và Hàn chơi ở giải trong nước có đến hơn nửa tháng để nghỉ ngơi, sau đó hội quân chuẩn bị cho World Cup 2022. Ngược lại, những tuyển thủ châu Âu, Nam Mỹ hay châu Phi đang chơi ở 5 giải hàng đầu châu Âu chỉ có 1 tuần nghỉ ngơi.
"Chúng ta có một kỳ World Cup thật điên rồ, cầu thủ không được nghỉ ngơi", HLV Pep Guardiola của Man City bất bình hồi đầu tháng trong một buổi họp báo. "Họ phải thi đấu trận cuối cho CLB ở giải quốc gia vào thứ bảy và tập trung đội tuyển vào chủ nhật, không hề có thời gian xả hơi".
Người hâm mộ bóng đá châu Á đang sống trong những ngày "như mơ". Ảnh: Getty
Mặc dù các đội bóng hàng đầu châu Á đều có cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài, điển hình như Nhật Bản có tới 8 tuyển thủ đang chơi ở Bundesliga, 3 ở Ligue 1, 8 ở các giải Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Bỉ… nhưng thực tế, họ đều không phải ngôi sao thuộc dạng top đầu như Son Heung-Min (Tottenham), thường xuyên ngồi dự bị, do đó không bị bào mòn thể lực cũng như e ngại chấn thương trước World Cup.
Ngoài ra, lịch thi đấu cũng đang ủng hộ các đội bóng châu Á. VCK Asian Cup thường diễn ra vào đầu tháng 1, trong khi kỳ World Cup năm nay diễn ra với khoảng thời gian gần tương tự. Chưa kể, các nước khu vực Trung Đông chính là “sân nhà” của các đội bóng châu Á ở vòng loại World Cup, do yêu cầu thi đấu tập trung vì COVID-19. Vì vậy, họ sẽ không hề bỡ ngỡ với điều kiện khí hậu, sinh hoạt như đồng nghiệp châu Âu, Nam Mỹ hay châu Phi…
“Thiên thời, địa lợi” đến tay, hy vọng sự trỗi dậy của bóng đá châu Á, với địa chấn Saudi Arabia và Nhật Bản vừa tạo ra, chỉ là sự khởi đầu của những bất ngờ liên tiếp.