Doanh nghiệp

Vừa trao vốn vừa tập huấn để nông dân chăn nuôi hiệu quả

Vừa trao vốn vừa tập huấn để nông dân chăn nuôi hiệu quả - Ảnh 1.

Tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà Sơn Tây cho nông dân huyện Như Xuân, Thanh Hóa - Ảnh: VŨ TUẤN

Bên cạnh đó, các hộ nông dân này cũng được tập huấn, cung cấp thêm nhiều kiến thức về chăn nuôi, phòng dịch để họ có thêm hướng làm ăn mới, sử dụng đồng vốn hiệu quả.

Giúp nông dân khởi nghiệp

Anh Mai Văn Tính, nông dân ở huyện Như Xuân, cho biết sau khi được nhận vốn hỗ trợ của chương trình Tiếp sức nhà nông do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự tài trợ của Công ty cổ phấn GREENFEED Việt Nam, anh Tính đã sửa chuồng trại và nuôi bước đầu 150 con gà mía Sơn Tây. 

Giống gà đặc sản, nhưng giá thành không quá cao phù hợp với phần lớn nhu cầu của người tiêu dùng trong vùng Như Xuân, Thanh Hóa, sau vài tháng nuôi, đàn gà của anh Tính phát triển tốt, không bị dịch bệnh. 

Điều anh yên tâm hơn cả là công ty GREENFEED còn hỗ trợ phiếu thức ăn, gia đình anh không lo lắng về giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao như các hộ chăn nuôi khác.

Vừa trao vốn vừa tập huấn để nông dân chăn nuôi hiệu quả - Ảnh 2.

Nông dân ở huyện Nho Quan (Ninh Bình) hứng khởi chăn nuôi sau khi nhận được vốn hỗ trợ của chương trình "Tiếp sức nhà nông" - Ảnh: VŨ TUẤN

Anh Tính cho biết nuôi gà mía theo hướng "bán thả" vườn là kỹ thuật khá lạ lẫm đối với người dân trong vùng. Tuy nhiên, ngay từ buổi trao vốn, phía nhà tài trợ đã tập huấn kỹ thuật khá kỹ lưỡng để người nông dân tham gia chương trình có thêm hướng làm ăn, sử dụng hiệu quả đồng vốn vay.

"Gà Sơn Tây phù phợp với điều kiện khí hậu trong vùng cũng như điều kiện chăn nuôi của gia đình. Tôi dự định nuôi số lượng vừa phải lứa đầu tiên, khi có hiệu quả sẻ tiếp tục đầu tư xoay vòng và nuôi nhiều hơn", anh Tính nói.

Gia đình anh Tính là hộ nông dân nghèo, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Khi tham gia chương trình "Tiếp sức nhà nông", anh và 39 hộ nông dân khác được hỗ trợ 20 triệu đồng không lãi suất. Bên cạnh đó, anh còn được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà.

Ngay sau khi nhận vốn, nhà tài trợ vẫn tiếp tục cử cán bộ kỹ thuật sát cánh với nông dân. Thường xuyên đến thăm, kịp thời hỗ trợ kỹ thuật để người nông dân chăn nuôi hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Tri - trưởng Phòng kinh doanh GREENFEED Hà Nam - cho hay khi tư vấn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con, công ty định hướng để người nông dân chăn nuôi tránh đối đầu trực tiếp với các cơ sở chăn nuôi lớn.

Vừa trao vốn vừa tập huấn để nông dân chăn nuôi hiệu quả - Ảnh 3.

Nông dân Thanh Hoá trao đổi kỹ thuật chăn nuôi tại lễ trao vốn - Ảnh: VŨ TUẤN

Ở vùng Thanh Hóa, Ninh Bình - 2 tỉnh được chương trình "Tiếp sức nhà nông" lựa chọn trao vốn giai đoạn 2021-2023 phù hợp với các mô hình chăn nuôi gia cầm quy mô vừa và chăn nuôi đại gia súc. Điều kiện thực tế chăn nuôi của bà con còn ít kinh nghiệm, thiếu kiến thức phòng dịch và tiềm lực kinh tế chưa đủ để chăn nuôi quy mô lớn hơn.

Tuy nhiên, những mô hình chăn nuôi nhỏ, đặc biệt gia cầm giúp người nông dân nhanh chóng quay vòng, thu hồi vốn để tiếp tục mở rộng quy mô.

Trong năm 2021, chương trình "Tiếp sức nhà nông" đã trao vốn cho 280 hộ nông dân tại các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Tây Ninh, Bình Thuận, Đồng Tháp, Trà Vinh và Đắk Lắk với tổng kinh phí hơn 6,44 tỉ đồng.

Tại các buổi lễ nhà tài trợ, GREENFEED còn tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, giải đáp thắc mắc cho bà con để họ sử dụng đồng vốn hiệu quả.

Ông Vũ Bá Tuấn - trưởng Phòng cấp cao marketing khu vực miền Bắc - miền Trung, Công ty GREENFEED Việt Nam chia sẻ năm 2021 là một năm gặp nhiều khó khăn đối với cả người nông dân và những người tổ chức chương trình.

Dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều nơi, nhiều chương trình trao vốn bị trì hoãn vì các quy định chống dịch. Người nông dân đã khó lại càng gặp khó. 

Tuy nhiên, đơn vị tổ chức và nhà tài trợ đã nỗ lực không ngừng vừa trao vốn tận tay, động viên người nông dân vươn lên thoát nghèo, vừa tập huấn kỹ thuật, tư vấn để người nông dân tham gia chương trình sử dụng đồng vốn hiệu quả.

Hỗ trợ cả vốn, thức ăn và kiến thức

Vừa trao vốn vừa tập huấn để nông dân chăn nuôi hiệu quả - Ảnh 4.

Lâm Văn Được (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) chuẩn bị nấu thức ăn cho cặp heo mới mua được vài hôm - Ảnh: CHÂU TUẤN

Tiếp tục chương trình, ngày 19-2-2022, chương trình "Tiếp sức nhà nông" thực hiện đợt trao vốn (với tổng kinh phí 920 triệu đồng, gồm 800 triệu đồng tiền mặt, phiếu thức ăn chăn nuôi trị giá 120 triệu đồng) và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho 40 hộ nông dân của xã Thành Long và xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, Tây Ninh.

Những hộ nông dân được hỗ trợ đều có hoàn cảnh khó khăn và con em vượt khó học giỏi.

Lễ trao vốn cũng là dịp để các hộ nông dân được phổ biến những kiến thức về chăn nuôi, cách chăm sóc và lưu ý về những dịch bệnh thường gặp trên trâu, bò, gia cầm. 

Ngoài ra, nông dân khi tham dự buổi tập huấn này còn được hướng dẫn các phương pháp chăm, khám cho gia súc, gia cầm đề sớm phát hiện bệnh và các phương pháp phòng trị bệnh hiệu quả.

Ông Đào Văn Tha (xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, 77 tuổi) chia sẻ: "Sau chương trình tập huấn, tôi đã rút ra được nhiều bài học về kinh nghiệm chăn nuôi. Việc nhận vốn thôi cũng đã là một niềm vui với gia đình tôi rồi. Tuy nhiên việc sử dụng nguồn vốn như thế nào để áp dụng vào kỹ thuật chăn nuôi hiệu quả thì chỉ có đến những buổi tập huấn như thế này, bà con mới có cơ hội để tiếp cận, hiểu biết thêm".

Vừa trao vốn vừa tập huấn để nông dân chăn nuôi hiệu quả - Ảnh 5.

Buổi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho 40 hộ nông dân tại tỉnh Tây Ninh - Ảnh: CHÂU TUẤN

Ông Dương Đình Hải - giám đốc điều hành GREENFEED Long An - cho biết với thông điệp ý nghĩa "Tiếp sức nhà nông", GREENFEED cung cấp nguồn vốn và những giải pháp tích hợp về ngành chăn nuôi để tập huấn, hướng dẫn cho bà con.

"Mong muốn của chúng tôi là bà con nông dân nhận được nguồn vốn và có cách sử dụng đồng vốn hiệu quả, giúp bà con có được sự phát triển về kinh tế gia đình tốt hơn, tạo điều kiện cho bà con vươn lên thoát nghèo và làm giàu. 

Chương trình bắt đầu từ 2010, hiện nay được triển khai trên 19 tỉnh thành. Với số lượng hơn 2300 hộ nông dân đã nhận nguồn vốn. Thời gian tới chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục triển khai, phát triển hơn nữa chương trình ý nghĩa này" - ông Hải cho biết.

Ông Nguyễn Hoàng Gia - phó chủ tịch Hội Nông dân xã Thành Long (huyện Châu Thành, Tây Ninh) - cho biết tháng đầu tiên Hội nông dân huyện sẽ kiểm soát xem các hộ có thực hiện theo đúng mục tiêu chương trình đề ra hay không. 

Sau đó tiếp tục kiểm tra, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi theo định kỳ 3 tháng, 6 tháng và mỗi năm 1 lần để người dân chăn nuôi sản xuất hiệu quả.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm