Xã hội

Vụ sữa giả: Bộ Y tế nói gì?

Tóm tắt:
  • Bộ Y tế yêu cầu rà soát công bố sản phẩm và tăng cường hậu kiểm sau vụ sữa giả lớn.
  • C03 Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 8 lãnh đạo liên quan đến 573 loại sữa bột giả.
  • Bộ Y tế phối hợp các bộ ngành kiểm soát an toàn thực phẩm, phân công rõ trách nhiệm địa phương.
  • Doanh nghiệp tự công bố sản phẩm phải chịu trách nhiệm về chất lượng và tuân thủ an toàn thực phẩm.
  • Bộ Y tế và Bộ Công an đề xuất tăng chế tài, xử lý nghiêm vi phạm và tiếp tục điều tra vụ sữa giả.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, Bộ Công an) đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 8 lãnh đạo tại Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group, do liên quan đến đường dây sản xuất, tiêu thụ tới 573 loại sữa bột giả.

Liên quan đến công tác quản lý chất lượng và cấp phép, đặc biệt với nhóm thực phẩm tự công bố, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đã yêu cầu các địa phương rà soát và báo cáo toàn bộ hồ sơ cấp phép liên quan.

Vụ sữa giả: Bộ Y tế nói gì?- Ảnh 1.

Sản phẩm sữa bột được Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group quảng cáo. Ảnh chụp màn hình

Ngày 15-4, thông tin liên quan đến vụ việc sản xuất, kinh doanh sữa giả, Cục An toàn thực phẩm khẳng định Bộ Y tế luôn nhất quán trong việc chỉ đạo và triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Đồng thời phối hợp với các bộ ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công an và Ban chỉ đạo 389 của Bộ Công Thương, trong việc xử lý thực phẩm giả và thực phẩm có chứa chất cấm.

Việc quản lý an toàn thực phẩm hiện nay được thực hiện theo Luật an toàn thực phẩm với sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương.

Theo đó, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương và UBND các cấp cùng tham gia giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì việc phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm.

Theo quy định, hầu hết các thực phẩm được phép tự công bố, chỉ một số nhóm như thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho trẻ nhỏ, thực phẩm ăn kiêng… phải đăng ký bản công bố trước khi lưu thông. Các sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bao gồm thực phẩm dinh dưỡng y học, sản phẩm dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi, và một số nhóm thực phẩm khác.

"Doanh nghiệp khi công bố sản phẩm phải cam kết tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Đây là chính sách giúp giảm thủ tục hành chính, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời tăng trách nhiệm của doanh nghiệp"- đại diện Cục An toàn thực phẩm thông tin.

Bên cạnh đó, Nghị định 15 cũng nêu trách nhiệm của địa phương trong việc tiếp nhận, quản lý hồ sơ công bố, cấp giấy xác nhận quảng cáo, tổ chức hậu kiểm và xử lý nghiêm các vi phạm. UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về an toàn thực phẩm trên địa bàn, phải xử lý vi phạm và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm.

Vụ sữa giả: Bộ Y tế nói gì?- Ảnh 2.

Hàng ngàn hộp sữa bột giả các loại bị thu giữ để phục vụ điều tra

Cục An toàn thực phẩm khẳng định công tác hậu kiểm thực phẩm sau công bố đóng vai trò then chốt trong đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, chỉ đạo các Sở Y tế và Sở An toàn thực phẩm tại các địa phương tăng cường công tác hậu kiểm, rà soát tình hình tiếp nhận hồ sơ tự công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm, xử lý nghiêm vi phạm.

Cục An toàn thực phẩm thường xuyên phối hợp Bộ Công an kiểm tra định kỳ và đột xuất, đặc biệt trong các vụ thực phẩm giả, thực phẩm chứa chất cấm. Các vi phạm quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng cũng được xử lý nghiêm.

Từ năm 2025 đến nay, cơ quan này đã ban hành 3 văn bản chỉ đạo địa phương tăng cường hậu kiểm. Bộ Y tế đã phối hợp Bộ Công an đề xuất tăng chế tài xử phạt, sửa đổi luật để xử lý mạnh tay các đối tượng vi phạm.

Trong vụ sữa giả quy mô lớn đang điều tra, Bộ Y tế cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ để xử lý đến cùng theo đúng pháp luật.

Các tin khác

Không bắt buộc làm lại CCCD khi sáp nhập tỉnh, thành nhưng những ai thuộc trường hợp này thì phải đổi

Theo quy định hiện hành, người dân không bắt buộc phải đổi, cấp lại thẻ Căn cước khi sáp nhập tỉnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp như hết hạn, hư hỏng hoặc cần cập nhật thông tin, người dân có thể phải làm lại giấy tờ với địa danh hành chính mới.

Bắt đối tượng truy nã Lê Thị Ngoan

Lê Thị Ngoan bị tuyên phạt 2 năm tù giam về tội "Đánh bạc", tuy nhiên, đối tượng đã trốn khỏi địa phương trong thời gian được tại ngoại chờ thi hành án.