Hội nghị do ông Trần Đình Ân - Phó tổng giám đốc EVNGENCO3 - chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo các ban, đơn vị thuộc EVNGENCO3.

Hội nghị được tổ chức tại Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân.
Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến suất hao nhiệt
Tại hội nghị, ông Dương Thanh Dũng - Trưởng Ban kỹ thuật sản xuất EVNGENCO3 tổng hợp tình hình thực hiện chương trình giảm suất hao nhiệt của các nhà máy nhiệt điện than từ năm 2021 đến nay.
Theo đó, trong điều kiện hiện nay của hệ thống điện, tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo ngày càng tăng cao, ảnh hưởng đến phương thức vận hành các tổ máy nhiệt điện than. Cụ thể, hệ số huy động thấp và tăng số lần thay đổi tải đã làm giảm hiệu suất, tăng suất hao nhiệt của các nhà máy. Từ đó, đơn vị xác định mục tiêu giảm suất hao về giá trị PPA là nhiệm vụ trọng tâm cần đạt được trong năm 2025 nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của tổng công ty.
Những giải pháp từ thực tế
Ông Văng Thanh Hùng - Phó giám đốc Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân - chia sẻ trong năm 2024, suất hao nhiệt của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đạt thấp nhất từ trước đến nay. Năm 2025, công ty sẽ tiếp tục quyết liệt triển khai các giải pháp giảm suất hao nhiệt, tập trung vào hai nhóm giải pháp giảm điện tự dùng và giảm tổn thất nhiệt như tối ưu hóa vận hành quạt khói bằng biến tần, thay thế các module trao đổi nhiệt bộ sấy không khí… nhằm đưa suất hao nhiệt các tổ máy về giá trị PPA.
Bên cạnh các giải pháp tiết kiệm điện toàn diện trong công ty, ông Trần Đăng Toàn - Phó giám đốc Công ty Nhiệt điện Mông Dương - cho biết: "Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 đặc biệt chú trọng vào việc đã tối ưu hóa vận hành hệ thống quạt gió và quạt khói, điều chỉnh quy trình cấp than trực tiếp lên lò khi điều kiện thời tiết không mưa, độ ẩm than thấp và tăng cường vệ sinh định kỳ các đường ống trao đổi nhiệt bình ngưng. Những biện pháp này đã giúp giảm suất hao nhiệt đáng kể".

Đoàn đi kiểm tra thực tế giải pháp biến tần tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2.
Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ vận hành ổn định, tin cậy, tối ưu chế độ cháy lò hơi, Công ty EPS phối hợp triển khai áp dụng mô hình CFD cho các lò hơi Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2. "Công ty EPS đã đưa ứng dụng CFD vào hiệu chỉnh lò hơi, thực hiện mô phỏng CFD để đánh giá và xác định dải than phù hợp nhất cho lò hơi để nâng cao ổn định vận hành lò hơi và hiệu suất lò hơi", ông Dương Văn Lễ - Phó giám đốc Công ty EPS - chia sẻ.
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã giảm suất hao nhiệt được 247 kJ/kWh trong giai đoạn 2021-2024; Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 giảm tổng cộng là 157 kJ/kWh trong giai đoạn 2021-2024 và đặt mục tiêu giảm thêm tối thiểu 67 kJ/kWh trong năm 2025.
Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp giảm suất hao nhiệt
Ông Trần Đình Ân - Phó tổng giám đốc EVNGENCO3 - chủ trì hội nghị đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tập trung vào công tác quản lý kỹ thuật, vận hành nhà máy và nghiên cứu giải pháp đột phá để giảm suất hao nhiệt; tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để đạt mục tiêu giảm suất hao nhiệt và nâng cao hiệu suất tổ máy.
Hội nghị Giảm suất hao nhiệt của EVNGENCO3 đã thể hiện quyết tâm hành động, giúp các đơn vị chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kỹ thuật và công nghệ để giảm suất hao nhiệt về giá trị PPA trong năm 2025. Đây là một trong những chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật quan trọng được Tập đoàn Điện lực Việt Nam và EVNGENCO3 đặc biệt quan tâm, góp phần giảm thiểu chi phí nhiên liệu, chi phí sản xuất và tối ưu hóa hiệu quả sản xuất kinh doanh của đơn vị, tổng công ty.