Mới đây, Cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam 08 bị can về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Kết quả điều tra bước đầu của Cơ quan công an xác định: Từ tháng 8/2021 đến nay, các đối tượng đã thành lập Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất kinh doanh sữa bột. Đến nay đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai.
Thông tin về đường dây sản xuất, buôn bán sữa bột giả sau khi bị phanh phui đã khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang. Đặc biệt là không ít phụ huynh đã và đang cho con dùng một trong những chủng loại sửa giả của công ty nói trên.
Chia sẻ với Chuyên trang Gia đình và Xã hội, chị H.T.T (43 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết chị có một bé trai 3 tuổi nên rất chú trọng dinh dưỡng cho con, nhất là trong giai đoạn bé biếng ăn, chậm tăng cân. Vì tin tưởng vào các thương hiệu lớn và tiện lợi khi mua online, chị đã chi hàng triệu đồng mỗi tháng để mua sữa mà không nghĩ rằng mình có thể đang bị lừa.
"Tôi thực sự choáng váng khi đọc tin này. Suốt mấy tháng qua, tôi đã mua sữa Cilonmum cho con mình qua một cửa hàng quen thuộc. Bao bì đẹp, có mã vạch, tem chống giả, nắp lon y như hàng thật. Tôi chưa bao giờ nghi ngờ đây là sữa giả".
"Tôi từng nghĩ nếu có sữa giả thì chắc chỉ lừa ở vỉa hè, chợ đen nhưng giờ thì tôi hiểu, sữa giả không chỉ tinh vi, mà còn đánh vào lòng tin của người tiêu dùng. Chúng tôi không thể phân biệt được đâu là thật - đâu là giả bằng mắt thường", chị T cho hay.
Chị T cho biết: "Giờ tôi hoang mang không biết con mình đã hấp thụ thứ gì trong suốt thời gian qua. Liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe lâu dài của con hay không?".

Các nhãn hiệu sữa giả đã được lưu thông trên thị trường.
Nhiều phụ huynh khác cũng tỏ ra lo lắng và thất vọng vì tin tưởng vào các sản phẩm sữa có thương hiệu, nhưng không thể ngờ rằng những sản phẩm đó lại có thể bị làm giả tinh vi đến mức khó có thể phân biệt bằng mắt thường. Những người tiêu dùng này, sau khi phát hiện sự thật, không khỏi lo ngại về tác động đến sức khỏe của con cái trong tương lai.
Chị Đàm Thu Trang (27 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Một lon sữa giả không chỉ gây tổn thất kinh tế, mà còn là sự đánh đổi bằng sức khỏe và niềm tin của cả một gia đình. Giờ tôi không biết liệu con mình đã hấp thụ được gì, hay đang bị âm thầm tổn hại sức khỏe mỗi ngày".
"Chúng tôi không phải chuyên gia, chỉ biết nhìn bao bì, tem nhãn để chọn mua. Vậy mà cũng bị qua mặt. Điều đáng sợ là các sản phẩm đó vẫn được rao bán công khai, với đánh giá 5 sao, hàng nghìn lượt mua. Tôi mong các cơ quan chức năng mạnh tay hơn, kiểm soát nghiêm ngặt hơn với thị trường online. Không thể để người dân trở thành nạn nhân thêm một lần nào nữa", chị Trang cho hay.
Chia sẻ thêm với Tuổi trẻ, chị Đ.P. (38 tuổi, Lâm Đồng) cho hay khá bất ngờ và hoang mang trước thông tin gần 600 loại sữa giả được triệt phá. Bản thân gia đình chị thường xuyên dùng loại sữa Sure IQ Pedia Plus của Công ty cổ phần dược quốc tế Group phân phối cho hai con nhỏ từ nhiều năm nay.
"Tôi và rất nhiều bạn bè thường xuyên sử dụng loại sữa này vì được quảng cáo khá rầm rộ. Nhìn nhãn hiệu, bao bì, nhãn mác ghi đầy đủ thông tin, đặc biệt lại sản xuất trong nước nên rất tin tưởng. Hầu hết các cửa hàng tạp hóa nhỏ, lẻ hay một số hệ thống sữa đều có bán, tiếp cận người dùng cũng dễ", chị P. nói.
Những người nổi tiếng quảng cáo, những chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực y tế xuất hiện trong clip quảng cáo sữa giả
Trước đó, nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng từng tham gia quảng cáo các dòng sữa đa công dụng bị cộng đồng mạng gọi tên. Phần lớn trong những video quảng cáo cho sản phẩm, các nghệ sĩ tham gia đều khẳng định là siêu phẩm sữa non tăng chiều cao số 1 hiện nay. Không chỉ thế, trên nhiều website quảng cáo các sản phẩm sữa bột này còn đăng tải nhiều video, hình ảnh, chia sẻ, lời cảm ơn của những người nổi tiếng sử dụng để quảng cáo, tăng độ uy tín cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, trong các clip quảng cáo còn xuất hiện thêm nhiều chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực y tế.
Clip giới thiệu gần 7 phút đưa hình ảnh và ý kiến của PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Trong đó, bà Lâm “đánh giá rất cao” Công ty Hacofood, “đây là nhà máy đạt tiêu chuẩn nghiêm ngặt về quản lý an toàn trong sản xuất thực phẩm theo tiêu chuẩn của FDA Hoa Kỳ”.

Một số người nổi tiếng, chuyên gia y tế quảng cáo các loại sữa được sản xuất và phân phối do Công ty cổ phần dược quốc tế Group (một trong chín công ty con trong hệ sinh thái) vừa bị Bộ Công an triệt phá - Ảnh: chụp màn hình
“Điều này minh chứng rằng khi chúng ta sử dụng các sản phẩm sản xuất bởi Hacofood thì các mẹ cũng rất yên tâm là đã đạt được tiêu chí rất nghiêm ngặt, khắt khe của FDA Hoa Kỳ”, PGS Lâm nói.
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với Vietnamnet, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết, năm 2023 bà được một đơn vị truyền thông mời tham gia giới thiệu về Công ty Hacofood kèm các giấy tờ, trong đó có chứng nhận FDA của nhà máy khiến bà tin tưởng.
“Tôi không liên quan sản xuất”, PGS Lâm nhấn mạnh và nhận định rằng “lỗi của công ty là không kiểm nghiệm đầy đủ sau sản xuất”. Bản thân bà từng đến nhà máy, nhận thấy “có dây chuyền khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phải thay trang phục mới được vào”.
Về clip quảng cáo, bà Lâm cho biết đơn vị truyền thông không đưa cho bà xem lại, bản thân bà cho rằng “mình phát biểu không có gì sai, không nói gì quá”.
Trong khi đó, bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, xuất hiện trong đoạn giới thiệu sữa Talacmum. Về học vị, bà Hải được giới thiệu là Tiến sĩ, thực tế, học vị của bà là Thạc sĩ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 14/4, bà Lê Thị Hải thừa nhận bà từng hợp tác, tư vấn giới thiệu một số hãng sữa. Tuy nhiên bà khẳng định chưa từng làm việc trực tiếp với hãng sữa và không "quảng cáo" về các sản phẩm sữa mà chỉ cung cấp giá trị, thành phần dinh dưỡng của các loại sữa, phân tích ưu nhược điểm để người tiêu dùng lựa chọn.
Theo bà Hải, các bác sĩ là người làm chuyên môn, chỉ có thể dựa trên các thành phần dinh dưỡng đã được công bố để đưa ra tư vấn phù hợp. Các thành phần này tốt, thành phần này bổ sung gì, chứ không thể mang sản phẩm đi kiểm nghiệm để xác định - đây là việc của cơ quan chức năng. Niềm tin của các bác sĩ để giới thiệu sản phẩm là do các sản phẩm này đều đã được cấp phép.
"Tuy nhiên sau vụ việc lần này bản thân tôi cũng rút kinh nghiệm trong việc chia sẻ các sản phẩm dinh dưỡng. Các sản phẩm phải thực sự tốt cho người tiêu dùng, mang lại lợi ích và được cơ quan chức năng trong và ngoài nước công nhận. Bên cạnh đó tôi cũng kiến nghị cơ quan chức năng cần quản lý tốt các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng", bà Hải nói.