Sáng 15.4, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2024 (PAPI 2024).

10 vấn đề hệ trọng nhất theo đánh giá của người dân năm 2024
NGUỒN: PAPI 2024
PAPI 2024 ghi nhận ý kiến của 18.894 người dân được chọn mẫu ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc, với 8 chỉ số đo lường gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; và quản trị điện tử.
Quảng Ninh là địa phương đạt điểm cao nhất (47,82), Kiên Giang thấp nhất (39,91). Có 2 địa phương không được thu thập là Vĩnh Phúc và Tiền Giang.
Phân tích từ PAPI 2024 cho thấy, người dân đã hài lòng hơn với hiệu quả quản trị và hành chính công. Những cải thiện tập trung ở chỉ số "công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương", "kiểm soát tham nhũng trong khu vực công", "quản trị môi trường" và "quản trị điện tử".
3 vấn đề dân quan tâm nhất: tham nhũng, đói nghèo, việc làm
Theo kết quả khảo sát năm 2024, 3 vấn đề được người dân quan tâm nhất lần lượt là tham nhũng, đói nghèo và việc làm.
Trong đó, tỷ lệ người trả lời cho rằng tham nhũng là vấn đề cần Nhà nước tập trung giải quyết tăng bất thường, lên tới 22,58% tổng số người trả lời trên toàn quốc. Tỷ lệ này vượt qua tỷ lệ người cho rằng đói nghèo là vấn đề hệ trọng nhất của những năm qua.
Đói nghèo đứng vị trí dẫn đầu suốt từ năm 2015 - 2023, đến 2024 xuống vị trí thứ hai, với tỷ lệ lựa chọn 14,2%. Tiếp đó là việc làm với 12,6% số người trả lời đề cập đến vấn đề này.
So sánh với năm 2023, nhóm nghiên cứu đánh giá tỷ lệ người trả lời chọn tham nhũng là vấn đề đáng quan ngại nhất tăng đột biến đến 17% điểm. Ngược lại, tỷ lệ người trả lời chọn đói nghèo giảm đến 8%.
Kết quả này phần nào phản ánh bối cảnh của năm 2024 khi kinh tế Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực so với năm 2023.
Song song với đó, cuộc đấu tranh chống tham nhũng cũng diễn ra quyết liệt hơn. Tin tức về việc khởi tố nhiều cán bộ, công chức cấp cao và lãnh đạo các doanh nghiệp liên quan đến các vụ việc tham nhũng trên báo chí trong năm 2024 có thể tác động đến cảm nhận của người dân.

PAPI 2024 cho thấy, người dân vẫn phải "lót tay" cho được việc khi làm thủ tục cấp sổ đỏ (ảnh minh họa)
ẢNH: TUYẾN PHAN
Vẫn phải "lót tay" khi làm thủ tục cấp sổ đỏ
Một trong 8 chỉ số PAPI 2024 được phân tích là "kiểm soát tham nhũng trong khu vực công". Kết quả khảo sát cho thấy, hiện trạng phải đưa "lót tay" mới làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) vẫn còn phổ biến ở cả 61 tỉnh, thành phố.
Tỷ lệ những người đã làm sổ đỏ trong năm 2024 và đã phải đưa "lót tay" để được việc dao động từ 16,6 - 77,6 %, thấp hơn một chút so với năm 2023.
"Bắc Kạn, Bình Phước, Gia Lai, Hà Nam, Kiên Giang, Lâm Đồng và Trà Vinh là 7 địa phương có tỷ lệ người làm sổ đỏ phải 'bôi trơn' cao nhất", báo cáo nêu.
Cũng liên quan đến cấp sổ đỏ, phân tích chỉ số "thủ tục hành chính công" cho thấy việc trả kết quả chưa đúng lịch hẹn vẫn là vấn đề người sử dụng phàn nàn nhiều nhất khi làm thủ tục này ở bộ phận "một cửa" cấp huyện.
Ngoài ra, tình trạng phải "bồi dưỡng" thêm ngoài lệ phí quy định để được chăm sóc tốt hơn ở bệnh viện công tuyến huyện vẫn còn phổ biến ở cả 61 tỉnh, thành phố.
Tỷ lệ người dùng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện công tuyến huyện phải "bồi dưỡng" cán bộ y tế trong năm 2024 dao động từ 21,7 - 72,2 %, thấp hơn một chút so với năm 2023.
Trong đó, tỷ lệ người dùng dịch vụ này ở các tỉnh phía bắc và Bắc Trung bộ, đặc biệt là các tỉnh miền núi Sơn La, Lạng Sơn, Hà Giang, Thái Nguyên và Phú Thọ, đã phải đưa "bồi dưỡng" cho cán bộ y tế cao hơn so với ở các tỉnh phía nam, trừ Kiên Giang và Lâm Đồng nơi hiện trạng này còn rất phổ biến.
Giáo viên ưu ái học sinh có học thêm
Một nội dung đáng chú ý khác được đề cập trong PAPI 2024, là chỉ số về "cung ứng dịch vụ công".
Báo cáo cho thấy, hiện trạng giáo viên trường tiểu học công lập ưu ái học sinh tham gia các lớp học thêm do mình tổ chức vẫn phổ biến ở tất cả các tỉnh, thành phố.
Trong số 8 tiêu chí đánh giá chất lượng trường tiểu học công lập, những người có con em đi học tiểu học công lập trong năm 2024 cho điểm thấp nhất ở chỉ tiêu "giáo viên không ưu ái học sinh tham gia các lớp học thêm". Kết quả này tương tự với những năm trước.
Nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng, câu chuyện trên diễn ra ở tất cả các địa phương cho dù điều kiện phát triển khác nhau, ví dụ: Bến Tre, Cao Bằng, Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Quảng Ninh và Trà Vinh.
Thêm một tiêu chí nữa cần sự quan tâm của ngành giáo dục tiểu học khối công lập, đó là sĩ số lớp học vượt chuẩn quốc gia (dưới 36 học sinh/lớp), đặc biệt là ở Bến Tre, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM.