Xã hội

Quy mô kinh tế các địa phương sau sáp nhập

Tóm tắt:
  • TP HCM giữ vai trò "đầu tàu kinh tế" với GRDP gần gấp đôi Hà Nội, chiếm 1/4 GDP cả nước.
  • Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh giảm từ 63 xuống 34, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
  • Sau sáp nhập, quy mô kinh tế TP HCM tăng mạnh, đóng góp gần 24% GDP cả nước.
  • Quảng Ninh dẫn đầu về GRDP bình quân đầu người, trong khi TP Huế có khoảng cách lớn về quy mô kinh tế.
  • Các tỉnh sáp nhập có quy mô kinh tế tăng 2-5 lần, với nhiều thay đổi trong bảng xếp hạng kinh tế.

Đơn vị hành chính cấp tỉnh trên cả nước sắp tới giảm từ 63 xuống 34, trong đó có 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Một trong những mục tiêu lớn của việc sắp xếp là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt chú trọng kinh tế tư nhân.

Dựa vào dữ liệu thống kê đến cuối năm 2024, VnExpress tính toán cơ học quy mô GRDP các địa phương được sáp nhập. Thực tế, sau sáp nhập, quy mô kinh tế có thể thay đổi, tùy vào chủ trương, chính sách, chất lượng dân số mỗi địa phương...

TP HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước, là nơi có nhiều thay đổi nhất. Thành phố trước đây chiếm tỷ trọng 15,5% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Sau khi hợp nhất thêm Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, sức ảnh hưởng càng lớn hơn khi đóng góp gần 24% cho cả nước.

Đặt trên bàn cân so sánh, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của TP HCM sau sáp nhập gần gấp đôi thủ đô Hà Nội. Quy mô kinh tế thành phố cũng gấp đôi 6 địa phương mới ở khu vực Tây Nam Bộ cộng lại. Chênh lệch thu ngân sách giữa TP HCM "phiên bản mới" với địa phương có quy mô kinh tế nhỏ nhất là Điện Biên lên đến 423 lần.

Sáp nhập hai địa phương được xem là thủ phủ sản xuất công nghiệp và dịch vụ - du lịch phía Nam giúp TP HCM củng cố vị thế "xương sống" của nền kinh tế. Dù vậy, khoảng cách so với các đô thị lớn trong khu vực vẫn tương đối xa. Quy mô kinh tế thành phố xấp xỉ 68 tỷ USD, trong khi Bangkok, Jakarta hay Manila dao động 130-250 tỷ USD, còn Singapore lên đến 561 tỷ USD.

 

Theo ước tính của VnExpress, các tỉnh sắp thành lập có quy mô kinh tế lớn hơn 2-5 lần so với những địa phương trước sáp nhập, đặc biệt ở khu vực miền Bắc và miền Trung.

Ví dụ, Ninh Thuận, sau khi sáp nhập với Khánh Hòa, quy mô kinh tế sẽ tăng gấp ba; còn Đắk Lắk sau khi sáp nhập vào Phú Yên cũng có quy mô gấp 3,2 lần trước đây. Cá biệt là Bắc Kạn, quy mô trước khi sáp nhập tạo thành tỉnh mới với Thái Nguyên, chỉ bằng một phần mười hiện tại.

Bảng xếp hạng quy mô kinh tế của các địa phương sau TP HCM cũng xáo trộn đáng kể. Hải Phòng có thêm Hải Dương nên từ vị trí thứ 5 leo lên thứ 3. Quảng Ninh không hợp nhất tỉnh nào nên bị nhiều địa phương mới như Bắc Ninh, Phú Thọ vượt mặt.

Đáng kể nhất là Lâm Đồng từ nhóm giữa vươn lên top 10 địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước khi sáp nhập Bình Thuận và Đắk Nông.

Các địa phương có quy mô kinh tế nhỏ nhất sau sáp nhập đều là những tỉnh không ghi nhận biến động địa giới hành chính, gồm Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Lạng Sơn, Sơn La và TP Huế.

 

Xét về GRDP bình quân đầu người, Quảng Ninh từ thứ hai vươn lên thứ nhất. Trước đây, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương dẫn đầu về chỉ số này, dự kiến sẽ gộp về TP HCM. Số liệu này phản ánh giá trị hàng hoá và dịch vụ mới được tạo ra tại địa phương trong năm tính trên bình quân một người dân.

Cụ thể, GRDP bình quân đầu người của Quảng Ninh là 249,3 triệu đồng. Ba đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương gồm TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng lần lượt chia nhau các vị trí tiếp theo với 199 triệu đồng, 164 triệu đồng và 160 triệu đồng.

TP Huế là một trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, nơi đây đang có khoảng cách lớn về quy mô kinh tế, thu ngân sách nhà nước cũng như thu nhập bình quân đầu người tính trên GRDP so với 5 thành phố còn lại.

Khi thảo luận về nghị quyết thành lập Huế trực thuộc Trung ương cuối tháng 11/2024, thường vụ Quốc hội khi đó cho rằng Huế được thành lập với nhiệm vụ trọng tâm là bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận. Địa phương này đặt mục tiêu đến 2030 có tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 9-10% một năm và GRDP bình quân đầu người đạt 6.000 USD, tức gấp đôi hiện nay.

Ở phía cuối bảng xếp hạng, các địa phương nghèo nhất cả nước như Cao Bằng, Điện Biên, Tuyên Quang có GRDP bình quân đầu người dao động 45-50 triệu đồng một năm.

 

Các tin khác

Không bắt buộc làm lại CCCD khi sáp nhập tỉnh, thành nhưng những ai thuộc trường hợp này thì phải đổi

Theo quy định hiện hành, người dân không bắt buộc phải đổi, cấp lại thẻ Căn cước khi sáp nhập tỉnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp như hết hạn, hư hỏng hoặc cần cập nhật thông tin, người dân có thể phải làm lại giấy tờ với địa danh hành chính mới.

Bắt đối tượng truy nã Lê Thị Ngoan

Lê Thị Ngoan bị tuyên phạt 2 năm tù giam về tội "Đánh bạc", tuy nhiên, đối tượng đã trốn khỏi địa phương trong thời gian được tại ngoại chờ thi hành án.

Ông Trump nói gì mà cổ phiếu ông lớn ngành ô tô Ford, GM, Stellantis đồng loạt dậy sóng

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đang xem xét các biện pháp hỗ trợ ngành ô tô chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế nhập khẩu mới. Ngay sau phát biểu này, cổ phiếu các “ông lớn” như Ford, General Motors và Stellantis đã đồng loạt tăng mạnh. Tuy nhiên, các mức thuế cao vẫn chưa có dấu hiệu bị gỡ bỏ hoàn toàn.