Ngày 26/8, Toà án nhân dân (TAND) TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án “nâng khống giá cây xanh” tại Hà Nội.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung tại tòa
Trong phần tự bào chữa cho mình, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trình bày, ngoài chức năng Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bị cáo còn làm Trưởng ban chỉ đạo Thành uỷ, Trưởng Ban chỉ đạo của 25 ban khác.
Theo bị cáo Chung, UBND TP Hà Nội là người đứng đầu chủ sở hữu Công ty Cây Xanh Hà Nội (100% vốn Thành phố). Vì vậy nếu không đáp ứng được theo các quy định thì áp dụng hình thức đặt hàng.
Khi bị cáo sang làm chủ tịch đúng vào thời điểm thành phố cắt giảm ngân sách, nên đã phải rà soát cắt giảm ngay các chi phí không hợp lý.
Trong đó, có các gói thầu của Sở Xây dựng đã đề xuất, đang chuẩn bị thực hiện như cắt, trồng cỏ trên Đại lộ Thăng Long, Đại lộ Võ Nguyên Giáp, đã phải cắt, rà soát lại. Vì vậy bị cáo có thông báo 32 tạm dừng, rà soát lại, nhằm tiết kiệm cho thành phố.
Thời điểm đó, mỗi năm cây không được cắt tỉa, làm đổ cây, gây tai nạn cho người đi đường. Công ty Cây Xanh khi thực hiện cắt tỉa theo cách thủ công đã gặp các tai nạn.
Do dó, bị cáo đã cho trồng, cắt tỉa song song. Bị cáo mong muốn Viện kiểm sát xem xét điều kiện, hoàn cảnh khi đó. Việc trồng cây keo, sau khi lớn, mỗi năm không phải bỏ 230 tỷ đồng để duy tu, cắt tỉa cũng như việc chống sạt lở trên 34 tuyến đường, hoàn toàn tiết kiệm các khoản tiền này.
Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói, trong 3 năm cắt tỉa bằng các phương tiện máy móc đã tích được 300.000 tấn cành cây, lá cây, nghiền ra trở thành phân bón cho các vườn hoa cây xanh thành phố, tiết kiệm ngân sách thành phố. Việc đưa máy móc vào công việc nên tại Công ty Cây Xanh không còn cán bộ bị thương, tử vong, không còn đổ cây chết người (giai đoạn 2016-2020).
Từ năm 2016-2020, đề án 06 Thành uỷ có giao trồng 1 triệu cây, trong đó 900.000 cây được trồng trên các đường phố đến nay tươi tốt (số cây gấp 6 lần trong vòng 108 năm mà Hà Nội có trước đó).
Bên cạnh đó, bị cáo Chung cũng đề cập việc trong 5 năm, dưới thời làm Chủ tịch thành phố, đã tiết kiệm 62.000 tỷ đồng trong lĩnh vực chi thường xuyên. Số tiền tiết kiệm này đã chi 6.200 tỷ cho lĩnh vực giáo dục, 1.700 tỷ cho y tế và đầu tư cho ngành tư pháp như việc xây trụ sở toà án thành phố Hà Nội, viện kiểm sát, toà án các quận huyện...
Theo bị cáo Chung, hình thức đặt hàng đã giúp thành phố chống lại được việc toàn bộ cây chết trong dự án đấu thầu và 1 số dự án trồng cây trước đây trên đường phố Hà Nội.
Với phương thức đặt hàng, thành phố trồng theo mùa, vào ban đêm và người đặt hàng phải chịu trách nhiệm bổ sung cây chết và chăm sóc, bảo hành sau một năm. Vì thế, tỉ lệ cây sống từ 99-100%.
“Hiện nay người dân Hà Nội đang được hưởng một bầu không khí cây xanh tươi tốt. Nếu người ra chủ trương Đề án cây xanh này từ năm 2012 và đến khi bị cáo tiếp nhận không có tâm tốt thì cây làm sao tươi xanh như vậy”, cựu Chủ tịch Hà Nội nói.
Ngoài ra, bị cáo Chung cho hay, khi bị khởi tố ở vụ án này, bị cáo cảm thấy buồn vì dự án đã được tặng giải thưởng danh dự Bùi Xuân Phái. Bị cáo luôn nhắn nhủ cấp dưới tiết kiệm trong quá trình trồng cây xanh.
“Tôi không thể tin được họ đã bắt tay nâng khống giá. Đó là một điều đáng buồn”, bị cáo Chung nói.
Về việc các tình tiết một số bị cáo trong vụ án khai, khi chủ toạ hỏi, bị cáo không biết trả lời như thế nào, lương tâm bị cáo chỉ cho phép nói sự thật và không chối tội, bị cáo làm sai sẵn sàng nhận.
“Tôi chưa được nghe lời khai các bị cáo khác nhưng tôi đã đọc rất kỹ kết luận điều tra và cáo trạng”, bị cáo Chung nói và cho biết, bị cáo đã từng nói với đại diện Viện kiểm sát nếu quy trách nhiệm phải bồi thường thì bản thân sẵn sàng bán nhà để nộp.
Cuối cùng, bị cáo Chung nói bản thân đang bị bệnh và có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên mong HĐXX áp dụng dưới khung hình phạt như một công dân bình thường.