Phát biểu tại Hội thảo "Tích luỹ vị thế - Sẵn sàng bùng nổ" do Công ty Chứng khoán VPBank tổ chức sáng 26/8, ông Trần Hoàng Sơn Giám đốc Chiến lược thị trường, VPBankS Research nhận định, trong nửa đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 4 lần hạ lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế.
Mức lãi suất đã đến cực điểm khi lãi suất liên ngân hàng đang ở mức thấp nhất kể từ thời điểm dịch COVID-19 đến nay, đồng thời điều này đã phản ánh lên thị trường chứng khoán. Vì vậy, trong các tháng cuối năm, ông Sơn cho rằng, động lực cho tăng trưởng trong các tháng cuối năm sẽ đến từ đầu tư công.
Hiện còn khoảng 20 tỷ USD cần giải ngân trong 6 tháng cuối năm, đây sẽ là nguồn vốn mồi quan trọng thúc đẩy cả tiêu dùng cũng như tăng trưởng tín dụng.
Theo ông Sơn, nền kinh tế đang có sự phục hồi, đà suy giảm của PMI chậm lại, sản xuất công nghiệp có sự hồi phục. Tính đến tháng 7/2023, chỉ số PMI ở mức dưới 50 điểm trong tháng 4 tháng liên tiếp nhưng đã tăng lên tiến sát đến mốc 50 điểm. Đồng thời, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP 7 tháng đầu năm giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do quý I giảm 2,6%.
Xuất nhập khẩu cũng đang trên đà hồi phục trong 3 tháng gần đây. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hoá 7 tháng đầu năm 2023 đạt 374,6 tỷ USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10,6%, nhập khẩu giảm 17,1%. Cán cân thương mại hàng hoá ước tính xuất siêu 15,23 tỷ USD. Sụt giảm nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu là nguyên nhân chính khiến giá trị xuất khẩu giảm so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, chuyên gia từ VPBankS Research cho rằng, giá trị xuất khẩu đang có xu hướng tăng trưởng tháng sau so với tháng trước nhờ việc thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xúc tiến thương mại.
Điểm sáng nữa là lạm phát của Việt Nam ở mức thấp, chính sách tiền tệ đang đi từ thắt chặt sang nới lỏng hơn, trở thành yếu tố hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế trong nửa cuối năm 2023. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ trong khi Mỹ tiếp tục thắt chặt cũng gây áp lực lên tỷ giá. Áp lực lên tỷ giá trong ngắn hạn vẫn có thể tiếp tục tăng khi Fed vẫn dự kiến còn một lần tăng lãi suất nữa.
Tuy nhiên, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS Research vẫn dự báo tỷ giá căng thẳng trong quý III nhưng sẽ dần hạ nhiệt dần trong quý IV và quý I/2024. "Cho đến cuối năm tỷ giá sẽ chỉ dao động không quá 2%, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 5-5,5% trong năm 2023", ông Sơn nhận định.
Bình luận thêm về yếu tố thúc đẩy tăng trưởng cho các tháng cuối năm, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, có ba động lực chính sẽ dẫn dắt kinh tế giai đoạn cuối năm.
Đầu tiên là nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI), đầu tư vào Việt Nam phục hồi nhanh hơn so với mức chung của thế giới, các tín hiệu gần đây cho thấy lượng đơn hàng của các doanh nghiệp FDI đang tăng lên. "Họ cũng không phải chịu tác động từ chính sách lãi suất cao hay việc thiếu hụt thanh khoản của Việt Nam trong giai đoạn trước", ông Nghĩa cho biết.
Thứ hai là vốn đầu tư công, Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc giải ngân nguồn vốn này. Sắp tới, Chính phủ cũng có hàng loạt biện pháp như kiểm soát các mỏ đá, giao người đứng đầu các địa phương làm trưởng ban giải phóng mặt bằng,...
Và thứ ba là cầu tiêu dùng, dù tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng có sự sụt giảm nhẹ trong nửa đầu năm song giai đoạn cuối năm, với việc giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh hơn cùng với yếu tố mùa vụ trong mùa mua sắm cuối năm chắc chắn sẽ tác động tích cực lên nền kinh tế.
Dù vậy, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng lãi suất vẫn còn dư địa để tiếp tục giảm, hỗ trợ cho nền kinh tế và doanh nghiệp nhất là với mặt bằng lãi suất cho vay. Trong năm ngoái, lãi suất đã tăng hai lần với mức 1% mỗi lần và năm nay giảm 4 lần với mức 0,5%.