Quản trị

VinFast niêm yết tại Mỹ có phải là một chiến lược marketing?

Ngày 15/8 theo giờ Việt Nam, VinFast đã chính thức niêm yết trên sàn Nasdaq, New York, Mỹ với mã cổ phiếu VFS. Kết thúc phiên giao dịch trong ngày đầu tiên lên sàn, VFS tăng hơn 68% ở mức 37,06 USD/cổ phiếu. Ước tính giá trị vốn hóa của VinFast đạt mức 85,5 tỷ USD, gấp 3,7 lần định giá ban đầu là 23 tỷ USD.

Ngay sau màn ra mắt thị trường tại Mỹ, theo dữ liệu thống kê của Google Trend cho thấy từ khóa “VinFast” tìm kiếm đã tăng vọt, nhiều nhất tại hai vùng Bắc Carolina và California. Đây lần lượt là hai địa điểm đặt nhà máy 4 tỷ USD và trụ sở của VinFast tại Mỹ.

Tại Việt Nam, từ khoá “VIC” (mã cổ phiếu tập đoàn Vingroup - công ty mẹ VinFast), hay “Nasdaq” đều lọt top tìm kiếm nhiều nhất, cao nhất lên tới 20.000 lượt. 

Điều này chứng tỏ sức hút từ việc VinFast niêm yết trên sàn Nasdaq tới công chúng là rất lớn. Nó tạo ra hiệu quả truyền thông tự nhiên dành cho VinFast khi hầu hết các diễn đàn mạng xã hội, các tờ báo lớn trong và ngoài nước đều bình luận, phân tích về sự việc này.

Trước sức nóng của thông tin, trong buổi gặp gỡ nhanh với báo chí sáng 16/8, trước câu hỏi “việc niêm yết tại Mỹ có giống như bài toán marketing của VinFast hay không”, bà Lê Thị Thu Thuỷ, CEO VinFast toàn cầu, nói rằng nếu chỉ để marketing thì nó quá khó. 

 Bà Lê Thị Thu Thuỷ. (Ảnh: VFS).

“Không phải cứ có công ty là có thể mang ra để niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ được vì các tiêu chuẩn bên này thực sự rất khó khăn về chuẩn mực kế toán, tài chính. Đặc biệt, sau khi niêm yết xong thì các tiêu chuẩn này càng khó khăn hơn nữa, nên nếu chỉ để marketing thì có nhiều cách khác đỡ tốn kém và dễ dàng hơn”.

Theo lãnh đạo VinFast, việc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ là VinFast muốn chứng minh rằng mình cũng ngang hàng với các công ty toàn cầu. 

Ngoài ra, việc lên sàn chứng khoán tại Mỹ có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dồi dào cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo, trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô điện vẫn còn sơ khởi và đang phát triển.

Thời gian qua, VinFast đã tỏ ra rất nghiêm túc với thị trường Mỹ. Công ty có ý định IPO trên sàn chứng khoán Mỹ theo cách truyền thống từ năm 2021. Tuy nhiên, đến đầu năm nay, VinFast nhận thấy thị trường đang rất khó khăn, “không mở cửa để có thể làm IPO truyền thống được”. 

Do đó, ban lãnh đạo quyết định chọn con đường niêm yết thông qua SPAC. Được gỡ bỏ áp lực huy động vốn từ nguồn hỗ trợ tài chính của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng và Tập đoàn Vingroup, VinFast quyết tâm trở thành công ty niêm yết trên sàn Mỹ.

Tháng 7, VinFast đã khởi công nhà máy sản xuất ô tô điện tại Mỹ trị giá 4 tỷ USD, đánh dấu bước tiến mới trong kế hoạch phát triển thị trường, tự chủ nguồn cung tại khu vực Bắc Mỹ.

Song song với hoạt động sản xuất kinh doanh, VinFast đang nỗ lực thiết lập vị thế thương hiệu thông qua việc khai thác tiềm năng hợp tác với các nhà phân phối và đại lý tại hàng chục thị trường trọng điểm, bao gồm Bắc Mỹ và châu Âu.

Phía VinFast nhận định rằng sự kiện rung chuông tại Nasdaq, chính thức niêm yết tại thị trường vốn lớn nhất thế giới là cột mốc lịch sử trong lộ trình phát triển của công ty. Sự kiện không chỉ mở ra cơ hội tiếp cận thị trường vốn quốc tế  thúc đẩy VinFast phát triển mạnh mẽ trong tương lai, mà còn truyền cảm hứng cho các thương hiệu Việt Nam tiến ra thế giới.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm