Rạng sáng 16/8 theo giờ Việt Nam, khi phiên giao dịch chứng khoán tại Mỹ đóng cửa đã chứng kiến cổ phiếu mã VFS của VinFast tăng hơn 68% ở mức 37,06 USD/cổ phiếu. Khối lượng khớp lệnh của VFS trong phiên đầu tiên đạt gần 6,8 triệu cổ phiếu.
Ước tính với giá hơn 37 USD cho một cổ phiếu, giá trị vốn hóa của hãng xe điện thương hiệu Việt sau phiên giao dịch đầu tiên tại Mỹ đạt mức 85,5 tỷ USD, gấp 3,7 lần định giá ban đầu là 23 tỷ USD.
Trao đổi với báo chí ngay sau khi kết thúc phiên giao dịch, bà Lê Thị Thu Thuỷ, CEO VinFast toàn cầu nói rằng “bất ngờ vì không nghĩ giá cổ phiếu lên cao vậy” ngay trong ngày đầu niêm yết, “chứng tỏ thị trường rất ủng hộ VinFast”.
Theo bà Thuỷ, trước đó công ty chưa từng có kịch bản nào về việc giá cổ phiếu trong ngày đầu giao dịch có thể lên tới 38,06 USD/cp và giá trị vốn hoá công ty lên mức hơn 85 tỷ USD. Thậm chí, trước đó vị CEO VinFast đã tham vấn các ngân hàng đầu tư và gần như toàn bộ đều dự báo rằng cổ phiếu VinFast sau ngày đầu tiên sẽ đỏ, xuống dưới 10 USD/cp.
Giải thích về hiện tượng này, theo bà Lê Thị Thu Thuỷ, có hai lý do:
“Thứ nhất, thị trường nhận ra được giá trị của VinFast. Đây là lần đầu tiên VinFast ra nói chuyện với thị trường về tiềm năng, những việc đã làm trong 6 năm vừa qua. Từ đó, những người trong ngành khi nhìn thấy khối lượng công việc VinFast làm được đã thấy được sự cố gắng rất lớn vì kết quả đó vượt nhiều mốc trong ngành.
Lý do thứ hai, lớn hơn tôi nghĩ là vì số lượng cổ phiếu đang lưu hành không nhiều lắm, nhu cầu lại cao nên cổ phiếu bị đẩy giá lên là vì thế. Số lượng cổ phiếu đang lưu hành khoảng 4,5 triệu cổ phiếu tuy nhiên số lượng giao dịch lên tới gần 6,8 triệu cổ phiếu, chứng tỏ là đã có những người quay đi quay lại. Càng như vậy thì giá cố phiếu càng tăng. Nói gì thì nói, đây cũng là hoạt động của thị trường”.
CEO VinFast cho biết, điều này chứng minh hãng xe Việt Nam có giá trị nhất định và thị trường có sự tin tưởng với doanh nghiệp.
Về lợi ích của VinFast khi lên sàn Nasdaq, lãnh đạo công ty cho biết việc lên sàn chứng khoán tại Mỹ có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dồi dào cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo, trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô điện vẫn còn sơ khởi và đang phát triển.
Qua đây, VinFast cũng chứng minh được rằng bản thân công ty đủ điều kiện và tiêu chuẩn để niêm yết trên một sàn giao dịch khó nhất trên thế giới.
Về sơ sở vốn hoá ban đầu trước khi lên sàn là 23 tỷ USD, bà Thuỷ cho biết cách tính này của VinFast là dựa vào việc so sánh với thị trường, các công ty tương đương và dùng cấp số nhân tương tự để giải thích.
“Thực ra, trong bộ máy lãnh đạo VinFast, chưa bao giờ không tin tưởng vào giá trị công ty, thế nên chúng tôi chưa bao giờ nghi ngờ về mức định giá ban đầu này. Khi vốn hoá lên 85 tỷ USD thì cũng hơi bất ngờ nhưng chúng tôi biết rằng giá trị của công ty còn nhiều hơn thế nữa chứ không dừng ở con số ban đầu là 23 tỷ”, bà Thủy nói.
CEO VinFast khẳng định nếu tận dụng được và làm được tất cả những gì đã lên kế hoạch, “tôi nghĩ mức 85 tỷ USD chưa là cái gì”.
Trong buổi gặp gỡ, bà Thuỷ cũng chia sẻ thêm câu chuyện sau khi VinFast lên sàn vài phút, giá cổ phiếu tăng hơn 100%, một người phụ trách tại Nasdaq đã nói với bà rằng cả đời ông chưa bao giờ nhìn thấy điều tương tự. Một người khác với kinh nghiệm 20 năm làm tại Nasdaq cũng nói “chưa từng nhìn thấy công ty nào như thế này”.