Thông tin trên được ông Phạm Văn Trọng - Tổng giám đốc Bách Hóa Xanh chia sẻ trong cuộc họp nhà đầu tư gần đây. Ông đánh giá quy mô thị trường còn quá lớn so với doanh thu mà chuỗi này ghi nhận, do đó vẫn còn tiềm năng để gia tăng. Những tháng cuối năm, Bách Hóa Xanh thận trọng trong tháng 8-10 vì mùa mưa và kỳ nghỉ lễ kéo dài. Dẫu vậy, công ty muốn tăng ít nhất 10% doanh thu trong giai đoạn tới để đạt điểm hòa vốn.
Sáu tháng đầu năm, doanh thu lũy kế của Bách Hóa Xanh đạt hơn 13.600 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ 2022. Riêng quý II, chuỗi này ghi nhận doanh thu tăng 15% so với quý đầu năm. Mức trên giúp Bách Hóa Xanh đóng góp gần một phần tư cho tổng doanh thu bán niên của công ty mẹ - Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG). Chuỗi này duy trì biên lợi nhuận gộp 26% trong hai quý đầu năm.
Không xét hai tháng mùa Tết, doanh thu hàng tháng của Bách Hóa Xanh tăng liên tục từ tháng 3 đến nay. Doanh thu bình quân hàng tháng của mỗi cửa hàng cũng tăng mạnh. Song song đó, chuỗi này vẫn từng bước tinh gọn thêm mạng lưới khi đóng cửa 22 điểm bán trong nửa đầu năm.
Ông Trọng nói, cải thiện doanh thu của các cửa hàng hiện hữu là chiến lược chính yếu của công ty thời gian qua. Đến tháng 7, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng tăng lên mức 1,6 tỷ đồng một tháng. Tính chung, toàn chuỗi Bách Hóa Xanh đạt hơn 2.800 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 10% so với tháng 6.
Như vậy, theo kế hoạch, chuỗi bán lẻ này sẽ có doanh thu hơn 3.000 tỷ đồng vào tháng cuối năm và đạt điểm hòa vốn. Sang năm sau, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng tăng lên 2 tỷ đồng một tháng để có lãi toàn công ty.
Ban lãnh đạo Bách Hóa Xanh cho rằng sự phục hồi của công ty không cùng chiều với sức mua toàn thị trường. Mức doanh thu tăng trưởng phần nhiều đến từ việc tái cấu trúc nội bộ, tìm cách khuyến khích khách tăng giá trị giỏ hàng trong mỗi lần mua sắm. Nhìn chung, theo ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch MWG, việc đặt kỳ vọng thị trường bán lẻ phục hồi vào nửa cuối năm 2023 và năm 2024 như trước dịch là "lạc quan quá mức".
Kế hoạch hòa vốn và có lãi của Bách Hóa Xanh đưa ra sau giai đoạn "lấy lại những gì đã mất" bởi nhiều lùm xùm liên quan đến giá bán và chất lượng phục vụ nổi lên từ giai đoạn giãn cách xã hội năm 2021. Kể từ năm ngoái, chuỗi này dừng hẳn việc mở rộng mạng lưới để dồn lực thay đổi cách bố trí, sắp xếp (layout) mới, rà soát, xử lý hàng trăm cửa hàng hoạt động không hiệu quả và lược bỏ các nhóm hàng có hiệu suất kinh doanh kém.
Năm ngoái, ông Nguyễn Đức Tài từng kỳ vọng Bách Hóa Xanh sẽ có lợi nhuận trong quý IV/2022. Tuy nhiên, kế hoạch trên không hoàn thành khi chuỗi này vẫn lỗ gần 3.000 tỷ đồng - cao nhất từ khi hoạt động. Đến cuối tháng 6 năm nay, công ty tiếp tục lỗ thêm khoảng 660 tỷ đồng, nâng mức lỗ lũy kế lên hơn 8.000 tỷ đồng.
Bình luận về kế hoạch hòa vốn năm nay của Bác Hóa Xanh, nhóm phân tích SSI Research đánh giá đây là mục tiêu khó trong bối cảnh người tiêu dùng có thể ưa thích việc mua sắm ở chợ truyền thống hơn khi thu nhập bị giảm. Dựa trên các số liệu hiện tại, mảng bách hóa của MWG sẽ đạt điểm hòa vốn khi doanh thu mỗi cửa hàng đạt khoảng 1,7 tỷ đồng một tháng.
Với giả định doanh thu hàng tháng trên mỗi cửa hàng của Bách Hóa Xanh tiếp tục được cải thiện dần (2% mỗi tháng) trong 1-2 năm tới, chuỗi này sẽ hòa vốn trong năm 2024 và có lợi nhuận ròng dương vào năm 2025.
Tương tự, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng ước tính Bách Hóa Xanh có thể hòa vốn khi doanh thu mỗi cửa hàng xấp xỉ 1,6-1,7 tỷ đồng mỗi tháng. Tùy thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế, nhóm phân tích dự báo chuỗi này sẽ đạt điểm hòa vốn vào quý IV/2023 hoặc nửa đầu năm 2024. Kịch bản trước mắt là Bách Hóa Xanh sẽ vẫn lỗ ròng khoảng 980 tỷ đồng trong năm nay, giảm nhiều so với năm trước.