Sea Group (công ty mẹ Shopee và Garena) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý II. Theo đó, công ty mẹ Shopee đạt mức lãi ròng 330 triệu USD, đảo ngược so với khoản lỗ 931 triệu USD cùng kỳ năm trước. Đây là quý thứ ba liên tiếp mà công ty công nghệ có trụ sở tại Singapore có lãi, theo Asia Nikkei.
Trong quý II, doanh thu của Sea tăng 5,2% so với cùng kỳ lên 3 tỷ USD - mức tăng được đánh giá là tương đối khiêm tốn so với mức tăng trưởng doanh thu hơn 100% trong đại dịch, thời điểm thị trường thương mại điện tử tăng trưởng “nóng”.
Trong thời kỳ đại dịch, Sea Group cũng đã chi nhiều hơn cho các chương trình khuyến mãi. Tuy nhiên, trong quý II, chi phí bán hàng và tiếp thị của công ty đã được cắt giảm trên hầu hết mảng kinh doanh, xuống còn 493 triệu USD, giảm 49,3% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng với Shopee, sàn thương mại điện tử này đã công bố mức EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao) đã điều chỉnh là 150 triệu USD, đảo ngược so với khoản lỗ 648 triệu USD cùng kỳ năm trước. Dù vậy, doanh thu Shopee tăng 32,3% lên 2,32 tỷ USD, mức tăng trưởng chậm nhất từng được ghi nhận.
Tập đoàn công nghệ có trụ sở tại Singapore sẽ tăng cường đầu tư vào hoạt động kinh doanh mua sắm trực tuyến trên tất cả thị trường mà công ty đang có mặt, khi họ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các đối thủ mới nổi khác như TikTok.
TikTok, nền tảng xem video ngắn thuộc kỳ lân công nghệ giá trị nhất thế giới ByteDance, đã ra mắt dịch vụ mua sắm trực tuyến TikTok Shop vào năm 2021, bắt đầu ở thị trường Indonesia. TikTok Shop sau đó đã mở rộng sang các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á, nơi đơn vị thương mại điện tử của Sea Group là Shopee, cùng với Lazada và Tokopedia đang thống trị.
Trong cuộc họp công bố báo cáo tài chính quý II, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Sea Group Forrest Li cho biết thị trường thương mại điện tử đang trải qua giai đoạn “gia tăng mức độ tương tác với người mua hàng” thông qua hình thức livestream, xem video ngắn và các chương trình liên kết với những người có ảnh hưởng (influencers).
"Những thay đổi như vậy đem tới cho chúng tôi nhiều cơ hội hơn để phát triển và mở rộng thị trường, qua đó cải thiện khả năng sinh lời. Với những xu hướng này, chúng tôi đã bắt đầu và sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào phát triển kinh doanh thương mại điện tử trên tât cả thị trường mà chúng tôi đang có mặt”, ông Forrest Li chia sẻ.
Sea Group không tiết lộ bất kỳ số liệu nào liên quan đến các khoản đầu tư. Giá cổ phiếu của Sea Group có thời điểm giảm hơn 28% vào đầu phiên giao dịch ngày 16/8 tại New York.
Shopee đã đi trước TikTok khi ra mắt tính năng phát trực tiếp (livestream) vào năm 2019. Công ty sau đó đã đổi mới, tập trung vào các tính năng phổ biến và những danh mục sản phẩm được nhiều người quan tâm hơn như thời trang, sức khỏe và sắc đẹp, những thứ vốn đã trở thành thế mạnh của TikTok ngay từ ban đầu.
Ông Forrest Li cho biết một chiến dịch livestream bán hàng ở Indonesia vào tháng trước đã giúp khối lượng giao dịch trên Shopee tăng gấp 12 lần so với mức trung bình hàng ngày khi lượng người mua tăng gấp 10 lần.
Tuy nhiên, ông Forrest Li cũng cảnh báo những khoản đầu tư như vậy sẽ có tác động đến lợi nhuận của doanh nghiệp, "có thể dẫn đến việc Shopee nói riêng và Sea Group nói chung thua lỗ”.
Nhà đồng sáng lập Sea Group nói thêm rằng điều này không làm thay đổi trọng tâm của công ty về khả năng “tự cung tự cấp” cũng như cải thiện khả năng kiểm soát chi phí.
Sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á diễn ra vào thời điểm khó khăn đối với Sea. Các nhà đầu tư đang yêu cầu phía doanh nghiệp đưa ra nhận định rõ ràng hơn về khả năng sinh lời sau nhiều năm thua lỗ.
Ngay cả khi Shopee được ước tính chiếm gần một nửa thị phần thương mại điện tử của Đông Nam Á, công ty cũng đang chứng kiến sự tăng trưởng chậm lại sau thời kỳ tăng trưởng “nóng” trong đại dịch COVID-19.