Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương, giai đoạn 2017-2020, ngành công nghiệp cơ khí vận tải của Hải Phòng (bao gồm ngành xuất xe có động cơ, ngành công nghiệp đóng tàu) tăng trưởng khá cao, bình quân đạt 22,26%/năm.
Năm 2020, ngành đóng tàu tăng trưởng cao so với các ngành công nghiệp khác, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 33,57%. Tuy nhiên, ngành này có lượng đơn hàng không ổn định, nguyên nhân là thiếu thị trường đóng mới tàu, hầu hết các máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu lại phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài. Sang năm 2021 ngành đóng tàu tiếp tục gặp nhiều khó khăn tăng trưởng giảm, chỉ số sản xuất công nghiệp còn 23,21%.
Trong khi đó, ngành xuất xe có động cơ đã duy trì được mức tăng trưởng trung bình đối với các sản phẩm truyền thống là các loại xe ô tô tải dưới 10 tấn.
Năm 2019 và 2020 do có sự đóng góp của tổ hợp sản xuất ô tô VinFast nên tăng trưởng của ngành đạt ở mức cao. Năm 2020 chỉ số sản xuất công nghiệp ngành này tăng 19,03% và lên 57,27% vào năm 2021.
Về các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất lắp ráp ô tô, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư sản xuất sản phẩm lốp xe ô tô khách, bộ dây dẫn điện xe ô tô, loa điện thoại, hệ thống âm thanh ô tô, túi khí bảo vệ an toàn và tay lái xe ô tô, nguyên liệu, linh kiện túi khí bảo vệ người trên ô tô; linh kiện cho bộ phận tiếp liệu của ô tô, phớt dầu, vòng đệm, linh kiện cao su ô tô; mạ và xử lý nhiệt linh kiện ô tô…
Đặc biêt, Vingroup cũng đang xây dựng khu công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô với diện tích 70 ha với nhiều dự án phụ trợ khác có tổng vốn đầu tư 100.000 tỷ đồng. Hiện nay, tổ hợp sản xuất ô tô VinFast thu hút được các doanh nghiệp FDI đầu tư các nhà máy quy mô lớn bao gồm: sản xuất phụ tùng, lắp ráp động cơ cụm trục trước, trục sau, ghế ô tô; sản xuất cản trước, cản sau ô tô; dập và hàn chi tiết khung xe ô tô...
Các doanh nghiệp trong nước đã sản xuất linh kiện, phụ kiện, cụm chi tiết (Sắt xi, ca bin, thùng xe, thùng chứa nhiên liệu, cụm dây dẫn điện, các chi tiết dạng tấm đột dập...) phục vụ nhu cầu sản xuất, lắp ráp ôtô tỷ lệ nội địa hóa đạt trên 30% khá cạnh tranh về chất lượng và mỹ thuật.
Bên cạnh những thuận lợi thì ngành công nghiệp hỗ trợ của Hải Phòng còn nhiều khó khăn như chưa được định hình rõ nét và số lượng cơ sở công nghiệp hỗ trợ còn ít. Các ngành công nghiệp là thế mạnh của Hải Phòng nhưng công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa phát triển mạnh.
Cụ thể, ngành đóng tàu hầu như chưa có công nghiệp hỗ trợ vẫn đi kèm; ngành sản xuất, lắp ráp ô tô mặc dù được hưởng nhiều chính sách ưu đãi phát triển của nhà nước, nhưng cũng chỉ thu hút được một số ít doanh nghiệp sản xuất phụ tùng tham gia chuỗi cung ứng.
Thời gian tới, để phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí vận tải, theo Bộ Công thương, Hải Phòng cần tập trung hoàn thiện và triển khai các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ; Triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư phát triển các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố; Nâng cao năng lực hỗ trợ và nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp hỗ trợ, năng lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.