''Năm 2010, khi đang học ở Wharton thì lần đầu được nghe Ted Talk. Rất ấn tượng, đặc biệt là bài nói ''What the right thing to do'' của GS. Micheal Sandel của trường Harvard. Mơ ngày nào đó Ted Talk mời mình'' - 12 năm sau, Chủ tịch FPT Telecom mới biến giấc mơ thành sự thật, đứng trên sân khấu Ted Talk trải lòng về cách Gen Z viết lại định nghĩa về công việc và cuộc sống.
Xuất hiện tại TEDxFPTUniversityHCMC 2022 với chủ đề ''Chim Lạc'', Chủ tịch Hoàng Nam Tiến đã có màn diễn thuyết sắc cạnh về giá trị của hạnh phúc, đồng tiền và sự thành nhân, thành công.
''Tôi tự đặt cho mình một thách thức, đó là làm thế nào để nói với các bạn giống như ở nhà tôi và các con hay nói chuyện với nhau'' - không cao cách hô hào về vai vế người đứng đầu một doanh nghiệp viễn thông lớn, ông bước vào buổi trò chuyện với nhiều những gương mặt trẻ một cách thẳng thắn, chân thành và đơn giản.
Tiền mua được hạnh phúc?
''Anh Tiến ơi, liệu rằng thành công về tiền bạc có phải là tiêu chuẩn của hạnh phúc hay không? - Đó là một trong những câu hỏi mà các bạn và cả con tôi đều hay hỏi nhất.
Tôi nghĩ: Có tiền thì chưa chắc đã có hạnh phúc, nhưng không có tiền thì rất rất khó hạnh phúc'' - ông khẳng định giá trị của tiền bạc ngay từ những phút mở đầu.
Với Chủ tịch FPT Telecom, đồng lương chính là sự công nhận của xã hội, tổ chức đối với người trẻ. Khác với thế hệ của ông, thế hệ mà cả đời chỉ làm một công ty và đặt mục tiêu, đích đến là hạnh phúc mà không quan trọng về quá trình tạo lập. Hăng hái ''nhảy việc'' hay mang tư duy tận hưởng mỗi thời điểm trong cuộc sống, quên đi quá khứ và nhìn vào tương lai để hết mình với hiện tại là thứ vô cùng khác lạ so với thời đại mà ông đã lớn lên:
''Những người có tuổi, người già hay bảo thế hệ ngày nay không có lý tưởng là vì thế. Chúng tôi rất xin lỗi vì có lẽ là người già không tiếp nhận được những cái mới nữa!".
Một thế hệ ''điên cuồng'' làm việc
Thế giới đã hoàn toàn thay đổi với vô số những điều con người đáng tận hưởng, nên gặp, nên biết, và nên đến. Khi mà thời ông bà, bố mẹ có thể vừa lòng với một cuộc sống yên bình bên lũy tre xanh, thậm chí yên bình trong đất nước thì thế hệ hôm nay là những công dân toàn cầu.
Ông Tiến cho rằng, Gen Z học tại Việt Nam nhưng biết rằng cả thế giới này nằm trong lòng bàn tay của mình. Họ ngồi ở Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng nhưng làm việc một cách bình thường ở Sillicon Valley, Tokyo, Berlin, Paris:
''Các bạn ngày hôm nay không nói đến đồng lương cao, thấp ở Việt Nam nữa mà nói đến câu chuyện hưởng lương như những người làm việc ở Sillicon Valley. Nhiều bạn thậm chí không vừa lòng với chuyện đó, họ bảo anh Tiến ơi, em làm được 10 ngàn, 20 ngàn đô la Mỹ 1 tháng nhưng em quyết định bỏ việc! Em muốn làm điều gì đó cho riêng mình, nung nấu từ những đam mê của mình''.
Nhưng sống vì đam mê như thế nào là chuẩn mực? Chủ tịch Hoàng Nam Tiến không đồng tình với việc nghĩ nhiều nhưng chỉ nằm nghĩ trên giường mà trên tay là chiếc điện thoại:
''Đam mê theo kiểu như vậy chỉ có thể ngủ ngon giấc được thôi, đam mê thực sự phải bằng hành động, hành động đêm ngày.
Tôi rất tự hào mình có thể làm việc 12, 14, 16 giờ/ngày, không có thứ 7, Chủ nhật, làm từ năm nay qua năm khác, nhưng tôi vẫn cảm thấy xấu hổ khi gặp các bạn trẻ làm việc 20 giờ/ngày. Các bạn ấy bị vợ mắng nếu mà có vợ, các bạn bị người yêu bỏ, chắc chắn bỏ rồi, bởi vì không còn thời gian nào. Các bạn sống bằng đam mê, bằng hành động của mình và làm việc điên cuồng mỗi ngày''.
''Khi tôi hỏi đến tiền bạc, các bạn bảo là anh nhìn đây này, tài sản của em mà tính trên giấy tờ cũng có độ một vài trăm triệu đô la Mỹ rồi, còn giàu hơn cả chủ tịch của chúng tôi nữa.
Thế nhưng, các bạn ấy không bao giờ nghĩ đến chuyện mua xe, mua nhà. Họ đi làm không chỉ để kiếm tiền mà ở mức cao hơn là sáng tạo để có tiền. Tôi rất mong các bạn hãy hành động như vậy'' - ông nhắn gửi.
Tốc độ thành công phải vượt tốc độ già đi của bố mẹ
''Một gia đình muốn hạnh phúc thì phải có những đứa con thành đạt, phải có những đứa con kiếm được tiền. Nghe thì rất đơn giản nhưng sẽ vô cùng khó với tất cả các bạn'' - trút bỏ vai trò Chủ tịch, ông Hoàng Nam Tiến khép lại hơn 10 phút chia sẻ trong vai trò người đàn ông đã đi hết nửa cuộc đời nhưng vẫn là con của một người mẹ.
''Các bạn trẻ hãy nhớ câu này: bố mẹ chúng ta già đi rất nhanh, vì vậy các bạn phải nhanh chóng trưởng thành, nhanh chóng kiếm tiền nhanh hơn tốc độ già đi của bố mẹ mình.
Nhiều khi tôi muốn tâm sự, mẹ tôi năm nay 90 tuổi, mẹ tôi lẫn rồi, năm nay là năm đầu tiên mà mẹ tôi không hỏi là tôi có mang tiền về không nữa, bởi vì mẹ tôi không nhớ ra chuyện đấy nữa. Và lúc đấy, tôi ân hận mãi, giá như tôi có nhiều thời gian hơn nữa để mang tiền về cho mẹ mình, giá như tôi trẻ hơn nữa để tôi làm được điều đấy'' - ông xúc động.
Ông Tiến cũng mong muốn những người trẻ ở độ tuổi 20, 30 hãy làm sao để thay đổi cuộc đời và phải làm sao mỗi một phút đang sống, hãy thực sự là của mình. Ông ước được quay lại tuổi trẻ để xem có thể mình khác đi những gì, sẽ học những gì, trải nghiệm những gì và có thể là sẽ yêu ai đó đã bỏ lỡ.
''Tôi chưa biết đối với mỗi người thì giá trị cao nhất của họ là gì. Có người là tình yêu gia đình, có người là tín ngưỡng của riêng họ, có người tham mê quyền lực, nhưng tôi tin rằng giá trị thứ nhì mà chúng ta quan tâm đến là phải làm ra tiền'' - Chủ tịch FPT Telecom nhấn mạnh.
Sinh năm 1969, ông Hoàng Nam Tiến gia nhập FPT năm 1993 sau khi tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội. Trong suốt thời gian làm việc, ông Tiến luôn được lãnh đạo Tập đoàn tín nhiệm và giao phó nhiều vị trí quan trọng.
Năm 2012, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch FPT Software, góp phần giúp FPT Software trở thành một trong 500 công ty phần mềm lớn nhất trên thế giới và lọt vào Top 100 nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu thế giới. Tháng 3/2020, ông Hoàng Nam Tiến được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT FPT Telecom.
Trước đó, trong vai trò Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phân phối FPT, ông cũng đã góp phần quan trọng giúp FPT hoàn thành mục tiêu đạt 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2008.