Ưu tiên phát triển hạ tầng, cao tốc
Có vị trí chiến lược quan trọng trong kết nối giao thương với các tỉnh Tây Nguyên - Tây Nam Bộ với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước có khả năng tạo cộng hưởng động lực phát triển với toàn vùng. Đánh giá đây là một trong những địa phương đi đầu trong tiến trình phát triển của cả nước, những năm qua, Chính phủ luôn có những chính sách ưu tiên, hỗ trợ thúc đẩy phát triển hạ tầng, cao tốc để đẩy mạnh tăng trưởng cả về kinh tế - xã hội.
Mới đây, vào ngày 20/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2022. Tại buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá Bình Phước có vị trí chiến lược quan trọng; nhiều lợi thế để phát triển như đất rộng người thưa, địa hình tương đối bằng phẳng, thời tiết thuận lợi… Do đó, Bình Phước có đủ điều kiện để phát triển thành một tỉnh phát triển tương đối toàn diện, tỉnh phải tìm cách phát triển nhanh nhưng bền vững.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tỉnh ưu tiên dành nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông vận tải, trước mắt là giao thông đường bộ và đặc biệt là đường cao tốc. Muốn vậy, các địa phương cần tập trung ngân sách cho công tác giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy nguồn vốn nhà nước để dẫn dắt và kích hoạt các nguồn vốn khác, huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội.
Thủ tướng chỉ đạo dồn lực phát triển hạ tầng, cao tốc cho Bình Phước.
Đối với các đề xuất của tỉnh, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chủ trì, làm việc với Bình Phước, Đồng Nai và các cơ quan liên quan để thống nhất phương án đầu tư nâng cấp tuyến đường ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng cơ bản đồng ý với các kiến nghị liên quan việc triển khai dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, dự án cao tốc đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)… Trong đó, Thủ tướng lưu ý Bình Phước cần chủ động giải phóng mặt bằng để thu hút nhà đầu tư.
Loạt dự án hạ tầng tỷ USD sắp triển khai
Bình Phước là tỉnh rộng nhất vùng Đông Nam Bộ với diện tích lớn nhất trong 19 tỉnh thành phía Nam, sở hữu 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha, trong đó 8 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng. Để khai thác tối đa những lợi thế về vị trí của Bình Phước và quỹ đất cho khu công nghiệp, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã được quy hoạch và từng bước đầu tư đồng bộ.
Trong đó, điển hình như cao tốc Tp.HCM - Chơn Thành - Ðắk Nông với tổng mức đầu tư khoảng 24.275 tỷ đồng; tuyến Ðồng Phú - Bình Dương với tổng vốn đầu tư 2.253 tỷ đồng; dự án đường sắt Dĩ An - Hoa Lư với tổng vốn đầu tư 948,6 triệu USD; quốc lộ 14 C kết nối Ðắk Nông với Bình Phước, Tây Ninh, Long An với tổng kinh phí đề xuất nâng cấp là 280 tỷ đồng. Cùng với đó là phát triển hệ thống bến bãi, cảng cạn, cầu vượt… nhằm tạo lợi thế cho xuất, nhập khẩu hàng hóa trong vùng và các nước trong khu vực.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý và giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương chủ trì làm việc với UBND các tỉnh: Bình Phước, Đồng Nai và các cơ quan liên quan để thống nhất phương án đầu tư nâng cấp tuyến đường ĐT.753 (kết nối Bình Phước với sân bay Long Thành) và cầu Mã Đà. Ðây là chủ trương lớn gỡ nút thắt để Bình Phước kết nối với Ðồng Nai và sân bay quốc tế Long Thành. Theo quy hoạch mạng lưới thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường ĐT.753 được quy hoạch nâng cấp lên thành Quốc lộ 13C đi từ Đồng Xoài, Bình Phước đến Trảng Bom, Đồng Nai. Tháng 7/2021, UBND tỉnh Bình Phước đã phê duyệt chủ trương đầu tư nâng cấp, mở rộng ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà có chiều dài 30 km, quy mô cấp III, tổng mức đầu tư là 655 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bình Phước cũng dự kiến khởi công mới dự án như: Xây dựng đường giao thông phía Tây QL.13 kết nối Bàu Bàng - Chơn Thành - Hoa Lư; nâng cấp đường QL.13 đoạn Liên ngành – Hoa Lư; xây dựng đường ĐT.753B kết nối với đường Đồng Phú - Bình Dương; xây dựng cầu kết nối Long Tân (huyện Phú Riềng) – Tân Hưng (huyện Hớn Quản).... Ngành GTVT còn chủ động đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư theo hình thức BOT như: Dự án nâng cấp, mở rộng ĐT741, dự án BOT đường Đồng Phú – Bình Dương.
Các dự án sau trên khi hoàn thành sẽ kết nối hầu hết các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kết nối các tuyến ĐT.741, QL.13, QL.14 nhằm hình thành khu vực tam giác phát triển, năng động bậc nhất của tỉnh là Đồng Phú – Đồng Xoài - Chơn Thành. Điều này đang tạo bước tiên phong và đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông trên toàn khu vực nói chung và toàn tỉnh nói riêng.