Mới đây, người sáng lập của sàn thương mại điện tử (TMĐT) JD.com, Richard Liu đã bất ngờ từ chức. Công ty cho biết Liu sẽ rời khỏi vai trò giám đốc điều hành nhưng sẽ tiếp tục làm chủ tịch hội đồng quản trị.
Năm ngoái, Zhang Yiming, người sáng lập ByteDance, chủ sở hữu TikTok và Su Hua, người sáng lập Kuaishou, đối thủ chính của TikTok, đều từ bỏ vị trí CEO.
Năm 2020, Colin Huang, người sáng lập nền tảng thương mại điện tử nổi tiếng Pinduoduo, từ chức giám đốc điều hành.
Và vào năm 2019, Jack Ma từ chức chủ tịch của thương mại điện tử khổng lồ Alibaba.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc điều tra chống độc quyền chống lại các công ty công nghệ, tăng cường giám sát bảo mật dữ liệu và hạn chế việc sử dụng Internet của người tiêu dùng.
Cuộc đàn áp đã làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư và làm tổn hại đến thu nhập của công ty. Tháng trước, Alibaba và gã khổng lồ Tencent đều báo cáo mức tăng trưởng doanh thu chậm kỷ lục. JD.com cũng công bố khoản lỗ hàng năm đầu tiên sau ba năm.
JD.com và nhiều công ty công nghệ lớn khác cũng đang sa thải hàng ngàn công nhân.
Naubahar Sharif, giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, chia sẻ với Business Insider: "Động lực chủ yếu là chính trị, và bây giờ những người này phải nhường chỗ cho những người kế nhiệm họ".
Richard Liu, người sáng lập JD.com, đã im hơi lặng tiếng kể từ khi bị một học sinh tố cáo cưỡng hiếp vào năm 2018
Người sáng lập JD.com, Richard Liu, đã từ chức Giám đốc điều hành. Ảnh: VCG/Getty Images
- Tuổi: 49 tuổi
- Lĩnh vực: Thương mại điện tử
- Năm thành lập JD.com: 1998
- Giá trị tài sản ròng (theo danh sách 'Tỉ phú thế giới' của Forbes): 10,5 tỉ USD
Liu được xem là “Jeff Bezos của Trung Quốc”, đã từ chức Giám đốc điều hành vào ngày 7 tháng 4 vừa qua. Công ty cho biết Liu sẽ tiếp tục làm chủ tịch hội đồng quản trị và tập trung vào việc hướng dẫn các chiến lược dài hạn, cố vấn cho đội ngũ quản lý trẻ hơn và đóng góp vào sự hồi sinh của các khu vực nông thôn.
Liu đã thành lập Jingdong - hay còn được gọi là JD.com vào năm 1998 tại Bắc Kinh, bán các thiết bị điện tử và linh kiện máy tính. Dịch SARS bùng phát vào năm 2003 đã buộc ông phải chuyển công việc kinh doanh của mình sang trực tuyến. Công ty ra mắt trên sàn Nasdaq vào năm 2014, huy động 1,8 tỉ USD trong đợt IPO.
Bên cạnh đó, Liu còn dính vào một vụ bê bối cá nhân. Năm 2018, một sinh viên tại Đại học Minnesota đã cáo buộc bị Liu cưỡng hiếp, tuy nhiên ông đã được thả sau đó vài tiếng vì không đủ bằng chứng.
Zhang Yiming, người sáng lập ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đã rời đi vài tháng sau khi Bắc Kinh bác bỏ kế hoạch IPO của công ty
Người sáng lập ByteDance Zhang Yiming. Ảnh: Shannon Stapleton/Reuters
- Tuổi: 39
- Lĩnh vực: Truyền thông xã hội
- Năm thành lập ByteDance: 2012
- Giá trị tài sản ròng: 50 tỉ USD
Zhang, người thành lập ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đã từ chức chủ tịch vào tháng 11, sáu tháng sau khi rời vai trò CEO. Được biết đến là người cực kỳ kín tiếng, Zhang cho biết trong đơn từ chức rằng anh ấy không phải là người giỏi xã giao và thiếu các kỹ năng để trở thành một nhà quản lý giỏi.
Tin tức về việc Zhang từ bỏ vai trò lãnh đạo tại ByteDance xuất hiện khi Bắc Kinh bắt đầu xem xét kỹ lưỡng công ty. Theo báo cáo của Wall Street Journal (WSJ), vào đầu năm 2021, ByteDance đã quyết định hủy niêm yết công khai sau khi các nhà chức trách muốn công ty giải quyết các rủi ro bảo mật dữ liệu.
Colin Huang, người sáng lập Pinduoduo, đột ngột rời bỏ vai trò chủ tịch vào tháng 3 năm 2021
Pinduoduo của Colin Huang. Ảnh: VCG/Getty
- Tuổi: 42
- Lĩnh vực: Thương mại điện tử
- Năm thành lập Pinduoduo: 2015
- Giá trị tài sản ròng: 11,3 tỉ USD
Pinduoduo là công ty đi đầu trong lĩnh vực "mua theo nhóm", nơi bạn có thể rủ bạn bè mua hàng chung để được giảm giá. Huang mô tả công ty là sự kết hợp giữa Costco và Disneyland.
Huang rời vai trò CEO của Pinduoduo vào năm 2020 và từ chức chủ tịch hội đồng quản trị vào tháng 3 năm ngoái. Công ty tuyên bố rằng Huang đã từ bỏ vai trò chủ tịch của mình để cho phép các nhà lãnh đạo mới hướng dẫn công ty trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Sự ra đi đột ngột của Huang vào tháng 3 năm 2021 diễn ra trong bối cảnh công ty bị chỉ trích gay gắt về văn hóa làm việc căng thẳng.
Vào tháng 12 năm 2020, một nhân viên đã ngã quỵ và chết sau khi tan sở lúc 1:30 sáng. Cái chết của cô được nhiều người cho là do làm việc quá sức. Chưa đầy hai tuần sau, một nhân viên thứ hai đã tự sát. Pinduoduo không đưa ra bất cứ bình luận nào liên quan đến cái chết của cả hai người.
Không lâu sau, một nhân viên đã lên tiếng phản đối văn hóa làm việc của công ty trên mạng xã hội, nhưng sau đó anh này đã bị sa thải. Lý do công ty đưa ra là anh này đã đăng những bình luận mang tính cực đoan.
Su Hua, người sáng lập nền tảng video ngắn Kuaishou, từ chức chỉ vài tháng sau khi cơ quan chức năng phạt công ty vì phát tán video khiêu dâm trẻ em
Su Hua, người sáng lập Kuaishou, trong một cuộc họp báo vào năm 2019 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: VCG/Getty Images
- Tuổi: 40
- Lĩnh vực: Phát video trực tuyến
- Năm thành lập Kuaishou: 2011
- Giá trị tài sản ròng: 4,3 tỉ USD
Su Hua từ chức CEO của Kuaishou vào tháng 10 năm ngoái. Cả Su và công ty đều không đưa ra lý do, nhưng một thông cáo báo chí cho biết Su không có bất đồng với hội đồng quản trị.
Kuaishou là đối thủ cạnh tranh với Douyin, phiên bản TikTok tiếng Trung, nơi người dùng có thể tạo và xem các video ngắn cũng như mua sắm trực tuyến.
Sự ra đi của Su diễn ra sau khi chính quyền Trung Quốc phạt Kuaishou và các công ty Internet khác vào tháng 7 vì chia sẻ video khiêu dâm trẻ em, Bloomberg đưa tin.
Jack Ma, người sáng lập Alibaba, đã dần từ bỏ vai trò lãnh đạo của mình trong những năm qua
Jack Ma từng là một trong những người đàn ông có ảnh hưởng nhất Trung Quốc. Ảnh: Elaine Thompson-Pool/Getty Images
- Tuổi: 58
- Lĩnh vực: Thương mại điện tử
- Năm thành lập Alibaba: 1999
- Giá trị tài sản ròng: 22,8 tỉ USD
Trong hơn hai thập kỷ, Jack Ma đã dẫn dắt Alibaba từ một công ty khởi nghiệp vụn vặt tập trung vào thương mại xuyên biên giới trở thành đế chế trị giá 460 tỉ USD và tuyển dụng hơn 100.000 người.
Khi Alibaba được niêm yết công khai tại New York vào năm 2014, đây là đợt IPO lớn nhất thế giới với giá trị 25 tỉ USD.
Nhưng trong những năm qua, Ma đã từ từ nhường lại quyền kiểm soát công ty. Năm 2013, ông từ chức giám đốc điều hành nhưng vẫn giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty. Vào năm 2019, ông đã từ chức chủ tịch và cuối cùng, vào năm 2020 từ bỏ chiếc ghế trong hội đồng quản trị của Alibaba.
Mặc dù đã từ bỏ vai trò lãnh đạo tại Alibaba, Ma vẫn nắm quyền kiểm soát đối với tập đoàn thông qua chiếc ghế hiện tại ở Alibaba Partnership, một ủy ban được các thành viên hội đồng quản trị bầu ra.
Ma khiến Bắc Kinh khó chịu vì sự thẳng thắn của mình trong suốt nhiều năm. Vào tháng 10 năm 2020, ông chỉ trích các nhà lập pháp khi cho rằng các quy định hiện hành đã kìm hãm sự đổi mới công nghệ của Trung Quốc.