Trong kế hoạch năm nay CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, mã: HNG) không đặt mục tiêu tăng sản diện tích trồng chuối. Điều này có vẻ như trái ngược với những chiến lược mà trước đây HNG, dưới thời bầu Đức còn "cầm cương", vẫn làm.
Năm ngoái sản lượng chuối chiếm tới hơn 95% tổng sản lượng các loại cây ăn trái của HNG với hơn 75.000 tấn. Trong khi đó, mảng trái cây chiếm tới 70% tổng nguồn thu của công ty.
Lý giải cho việc không mở rộng thêm diện tích trồng chuối ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT của HNG cho biết năm 2022 công ty sẽ tập trung củng cố những diện tích đang có sao cho bài bản nhất và có lời trên mỗi diện tích thay vì mở rộng. Đã đầu tư rồi thì ổn định luôn, không bị lặp lại vấn đề cũ.
HNG thời gian qua trồng hơn 4.000 ha chuối. Trong đó, lứa chuối đầu ổn định, nhưng sang đến lứa thứ hai thì vấp phải nhiều vấn đề về chăm sóc, chi phí điện, nhân công…, chưa kể còn bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Hiện vườn cây đang là giai đoạn phục hồi, và đang giải quyết các vấn đề căn cơ về thuỷ lợi.
Hiện trạng một số vườn cây khác chưa được cải tạo mặt bằng phù hợp với trồng cây ăn trái, đặc biệt cây chuối. Trước khi trồng phải đầu tư hạ tâng thật tố thuỷ lợi, điện phục vụ tưới tiêu tốt và điều kiện giao thông đảm bảo thuận lợi phun thuốc bảo vệ thực vật chăm sóc vườn cây.
Do đó kế hoạch của HNG trong giai đoạn 2022-2023 là tiếp tục xây dựng 17 km hệ thống ống/kênh dẫn nước; 2 hồ trung tâm, 3 hồ trung chuyển, 7 hồ tưới; 10 km tuyến đê bao chống ngập.
Đồng thời, HNG cũng nâng cấp 30 km đường dây điện, đầu tư 28 km đường giao thông, 1 xưởng đóng gói và 768 căn nhà ở cho 3.000 công nhân.
Ngoài ra sẽ đầu tư 34 xe cơ giới thi công, phương tiện vận chuyển và nhiều thiết bị nông nghiệp khác phục vụ cơ giới hoá hay trồng mới 315 ha dứa để tiếp tục nhân giống cho năm 2023.
Bên cạnh đó sẽ tập trung đầu tư chuồng trại chăn nuôi bò, sản xuất phân hữu cơ. Tổng chi phí đầu tư cho năm nay là 905 tỷ đồng, gần gấp đôi năm ngoái.
Đây cũng là một trong những bước đi trong hành tái cấu trúc giúp HNG thoát khỏi vũng lầy tồn đọng trong nhiều năm khi ông Dương tập trung vào chiến lược chậm và chắc thay vì cố gắng mở rộng diện tích như người tiền nhiệm là bầu Đức đã làm.
Quan điểm này cũng từng được ông Dương chia sẻ thời điểm năm ngoái khi ông tiếp nhận vị trí chủ tịch HĐQT thay ông Đoàn Nguyên Đức. Trong hai năm làm thử nghiệm và những vấp ngã của bầu Đức giúp ông Dương hiểu phải làm từng bước và bài bản, không nóng vội.
Ông Dương nói: “Tôi muốn nhắn nhủ với cổ đông rằng, làm nông nghiệp quy mô lớn đòi hỏi phải có thời gian. Phải cho tôi thời gian, đừng kỳ vọng quá”.
Thông điệp này được ông Dương nhắc lại lần nữa trong kỳ đại hội đồng cổ đông hôm 15/4: "Quan điểm của tôi là khi làm nông nghiệp quy mô lớn, xây dựng nền tảng là hết sức quan trọng. Tôi không ái ngại về diện tích lớn của HNG. Ngược lại, tôi rất thích thú bởi có được diện tích tập trung trên 20.000 ha, đủ sức để xây dựng khu liên hợp về nông nghiệp".
Chiến lược trước đây của HNG là cố gắng tối đa diên tích trồng, bù cho chi phí tài chính. Khi đó, ông Đức phải đối diện những áp lực trong việc phải tạo ra được dòng tiền và có lợi nhuận.
Tuy nhiên, chính vì mở rộng diện tích trồng quá dẫn đến việc khó quản lý về chi phí. Bên cạnh đó, đặt trong bối cảnh hiện tại khi Trung Quốc ngày càng kiểm soát nghiêm ngặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các chính sách kiểm soát dịch COVID-19, HNG buộc phải phát triển theo chiều sâu, bài bản theo đúng chuẩn mực thay vì chiều ngang (tức diện tích trồng mở rộng) hơn.
"Với tôi làm nông nghiệp phải bền vững còn những cái trước đây anh Đức làm tôi cho rằng chiến lược chưa đúng. HNG đang cố gắng làm chuẩn mực bởi nếu mở rộng vườn chuối mà căn cơ không có, chuẩn mực cũng không có thì chắc chắn lỗ. Nếu cứ mở rộng diện tích, dùng phân vô cơ để đẩy mạnh năng suất thì sẽ hỏng đất, sâu bệnh và quay trở về vòng luẩn quẩn rất mệt.
Khi HNG làm lại năng suất có thể đạt 50 tấn/ha với tỷ lệ chuối loại A, B nhiều thì mới có lời. Do đó, với 4,000 ha chuối, HNG cố gắng làm cho chuẩn mực, bài bản, khi nào có lời thì mới mở rộng", ông Dương nói.
Chính ông Đoàn Nguyên Đức phải thừa nhận: “Ông Dương làm kỹ hơn tôi. Một ông đi vấp té và vội. Còn ông kia thì đi chắc, làm kỹ, kỹ thuộc loại có tiền”.
Hiện tại, HNG đang theo đuổi mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Cụ thể, công ty tập trung bán hoa quả vì giá cao. Một phần còn lại sẽ dùng cho chế biến. Trong quá trình chế biến sẽ có phụ phẩm, phần này sẽ dùng làm thức ăn nuôi bò. Phân bò sẽ dùng để làm phân bón hữu cơ cho cây ăn trái.
Hiện tại, doanh thu từ trái cây chiếm tới 70% trong cơ cấu doanh thu của HNG và quả chuối đóng vai trò chủ lực.
Năm ngoái, HNG ghi nhận doanh thu thuần 1.199 tỷ đồng và lỗ 1.299 tỷ đồng. Còn năm nay, theo tài liệu công bố tại cuộc họp, HNG dự kiến ghi nhận doanh thu thuần 1.731 tỷ đồng và lỗ trước thuế 2.713 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động sản xuất kinh doanh dự kiến lỗ 150 tỷ đồng.
Theo chia sẻ của ông Dương, HNG cố gắng phấn đấu năm 2023 bắt đầu có lãi nhưng tất cả phụ thuộc vào năm 2022 hiệu quả đầu tư thế nào. Chi phí chuyển đổi cây trồng tính đến năm 2023 dự tính là 1,6 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận HNG buộc phải trên 1,6 tỷ đồng.
"Tôi cố gắng điều hành HNG ra giá trị thật và giá tiềm năng của HNG. Giá trị tiềm năng của HNG sau năm 2023. Chúng tôi sẽ cố gắng theo kế hoạch năm 2022. Nếu giải quyết được các vấn đề còn "treo" thì chắc chắn năm 2024 lợi nhuận sẽ khả quan. Khi đó, HNG sẽ là khu liên hiệp nông nghiệp, sản xuất tốt, lợi nhuận ổn định", ông Dương nói với cổ đông.