Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị "Ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam bộ" do Ngân hàng Nhà nước và UBND Tp.Hồ Chí Minh tổ chức chiều 11/5.
Tín dụng tăng trưởng thấp
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý I/2023, tín dụng vùng Đông Nam Bộ đạt gần 4,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 35% dư nợ toàn quốc, tăng 1,72% so với cuối năm 2022, thấp hơn mức tăng chung của cả nước là 2,61%.
Trong số đó, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản đạt trên 135.000 tỷ đồng, chiếm 3,2% dư nợ tín dụng vùng; ngành công nghiệp và xây dựng đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm 26%; ngành dịch vụ đạt khoảng 2,96 triệu tỷ đồng, chiếm 70,8%.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tín dụng ở khu vực này tăng trưởng thấp, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, ngoài các nguyên nhân chung như do cầu tín dụng của nền kinh tế giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý; khó khăn dây chuyền từ nhóm doanh nghiệp bất động sản, thì khu vực Đông Nam Bộ còn chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố riêng của vùng đã tác động cộng hưởng dẫn tới tăng trưởng tín dụng của khu vực thấp hơn so với toàn quốc.
Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước, Đông Nam Bộ là vùng kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp 30,8% GDP cả nước năm 2022. Đây cũng là khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh với số doanh nghiệp đứng đầu cả nước, chiếm 41,2%.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ đang có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước, một số địa phương có mức tăng GRDP quý I ở mức thấp hoặc tăng trưởng âm. Điều này dẫn đến vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng kinh tế của khu vực ghi nhận sự giảm sút đáng kể.
Nhiều doanh nghiệp phải tiếp tục cắt giảm lao động và gặp nhiều khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn, trong khi sức mua của người tiêu dùng giảm. Số vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới giảm và số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng năng suất lao động thấp, quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch còn chậm. Hiệu lực, hiệu quả quản lý còn một số hạn chế, môi trường đầu tư chậm được cải thiện.
Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan tỏa của vùng. Một số công trình trọng điểm chậm tiến độ; công nghiệp phát triển thiếu bền vững, chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp.
Đặc biệt, kinh doanh bất động sản là ngành trọng yếu của khu vực, nhất là tại Tp. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, những khó khăn của thị trường, đặc biệt là vấn đề về pháp lý dẫn tới các dự án mới chậm được triển khai…, ảnh hưởng lan tỏa tới các ngành có liên quan như xây dựng, vật liệu xây dựng, sắt, thép… Trong khi đó, giải ngân đầu tư công còn chậm, thấp hơn trung bình cả nước, ảnh hưởng tới sức cầu nền kinh tế và tác động gián tiếp tới cầu tín dụng.
Ở góc độ địa phương, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp.Hồ Chí Minh cho biết, kinh tế Tp.Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Dẫn số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp Tp.Hồ Chí Minh, ông Mãi cho biết, có gần 50% doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, giữ lao động, hầu như không có nhu cầu tín dụng do không có thị trường. Một bộ phận doanh nghiệp có nhu cầu về vốn lưu động để giải quyết nhu cầu thanh toán ngắn hạn, tạo thanh khoản. Đối với khoản vay đến hạn, thanh toán gặp khó khăn do hàng bán không được.
Riêng gói hỗ trợ lãi suất 2%, doanh nghiệp ngại tiếp cận một mặt do nhu cầu thấp, một mặt ngại phải làm việc với các cơ quan chức năng.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho hay, tiềm năng và nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trên địa bàn hiện rất lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp ít tham gia gói ưu đãi 2% lãi suất, do ngại phải làm việc nhiều với các đoàn thanh tra, kiểm toán...
Sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục
Trước dự báo nền kinh tế những tháng cuối năm sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, các địa phương, doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét định hướng mạnh mẽ hơn nữa tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên; thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành về lãi suất để tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất, hướng tới giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện mặt bằng lãi suất đã giảm nhưng nhìn chung vẫn còn khá cao, do đó các kiến nghị mong muốn ngành ngân hàng giảm lãi suất xuống mức từ 7-8% để hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp, nền kinh tế,
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp linh hoạt về vốn, tín dụng để giải quyết vốn lưu động; tiếp tục nghiên cứu, có thêm chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc hoãn, giãn, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay mới.
Đồng thời, nghiên cứu các điều kiện phù hợp như vấn đề định giá tài sản thế chấp, tỷ lệ giải ngân, tài sản… nhằm mở rộng áp dụng cho vay tín chấp đối với các khách hàng có lịch sử tín dụng tốt, có đơn hàng, hợp đồng rõ ràng.
Song song đó, ngành ngân hàng cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu, hỗ trợ các thị trường phục hồi hiệu quả trong thời gian tới, đặc biệt là thị trường bất động sản để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế trong năm 2023.
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cam kết ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành với Tp.Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo đó, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phân đấu cân đối tất cả các mục tiêu của chính sách tiền tệ để giữ ổn định lãi suất, tỷ giá và giảm mặt bằng lãi suất cho vay khi có điều kiện.
Nhưng, để tháo gỡ toàn diện những khó khăn cho doanh nghiệp, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, không chỉ có giải pháp tín dụng, mà cần đến các giải pháp hỗ trợ khác như chính sách hỗ trợ thuế phí, hỗ trợ thương mại, mở rộng thị trường, tháo gỡ các nút thắt pháp lý đầu tư, pháp lý kinh doanh…
Về phía các tổ chức tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung triển khai tích cực các chính sách hỗ trợ theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, tập trung kết nối với các sở, ban, ngành tại các địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các khu chế xuất, khu công nghiệp để tìm hiểu nguyên nhân doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn vay. Từ đó, kiến nghị với địa phương, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ để đưa ra các giải pháp tháo gỡ.
Ngoài ra, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay; kết nối trực tiếp với từng khách hàng để cân nhắc tăng hạn mức tín dụng, tăng tỷ trọng cho vay không có tài sản đảm bảo nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.