Cuối tuần vừa qua, chuyến bay đầu tiên chở sữa công thức đã được đưa tới Mỹ với hy vọng giúp giảm phần nào "cơn khát" tại thị trường này. Đó là giải pháp trước mắt, còn lâu dài đâu mới thực sự là vấn đề cần giải quyết?
Sữa công thức vốn có nguồn gốc từ sữa động vật như sữa bò, chưa bao giờ hiếm tại Mỹ như bây giờ. Tưởng rằng đây là một vấn đề của một lĩnh vực hẹp nhưng lại ảnh hưởng tới rất nhiều người và có khả năng thay đổi quan điểm về chính sách thương mại bấy lâu của nước Mỹ.
Trang CNBC cho biết một chuyến bay nữa mang theo sữa công thức trẻ em sẽ tới Mỹ. Đây là nỗ lực của Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA) nhằm giảm bớt sức ép về khan nguồn cung sữa công thức trong nước. Trước đó, hôm Chủ nhật, chuyến bay được mệnh danh (tạm dịch) là "Chiến dịch Không vận Sữa bột" đã mang về được hơn 35 tấn sữa từ châu Âu.
Trang tin của Đài phát thanh Quốc gia Mỹ (NPR) đã trích lời hãng sữa Abbott xin lỗi vì đã để xảy ra tình trạng thiếu sữa như hiện nay. Sự tình là hồi tháng 2, Abbott đã phải đóng cửa nhà máy sản xuất sữa công thức lớn nhất tại Mỹ ở Michigan sau khi nghi nhiễm khuẩn. Nhà máy này đóng góp tới 20% lượng sữa công thức cả nước. Kể từ khi thu hồi, các kệ hàng sữa này trong các siêu thị trống trơn và hạn chế số lượng mua đã được áp dụng.
Abbott đã phải lập quỹ 5 triệu USD để hỗ trợ các gia đình có con nghi là uống phải sữa nhiễm khuẩn. Nhà máy của hãng này dự kiến sẽ trở lại hoạt động vào tháng 6. Nhưng nhiều báo cho biết, để tạo nên cuộc khủng hoảng sữa, lỗi không phải ở Abbott.
Theo Nhật báo phố Wall, cuộc khủng hoảng sữa công thức được tạo ra bởi chính sách. Bài báo cho rằng Chính chủ nghĩa bảo hộ thương mại bằng rào cản thuế 17,5% rồi quy trình xin giấy phép nghiêm ngặt mà FDA đặt ra cho các công ty nước ngoài đã làm thị trường sữa công thức tại Mỹ ít lựa chọn.
Mặc dù sữa của Mỹ chưa chắc an toàn hơn của châu Âu và Australia, nhưng FDA lại có quyền kiểm tra các nhà máy nước ngoài, áp thuế quan lên hàng nhập khẩu khiến nó trở nên kém cạnh tranh hơn.
Thời báo New York bổ sung điều đó khiến thị trường Mỹ có quá ít nhà sản xuất. Theo bài báo, các công ty của Mỹ chiếm tới 98% thị phần thị trường nội địa, trong khi thuế áp lên sản phẩm nhập ngoại là 17,5%.
Cùng lúc, FDA duy trì "danh sách đỏ" hạn chế với chính một số nhãn hàng đến từ châu Âu. Một vài lý do được đưa ra như nhãn không viết tiếng Anh hoặc không đủ thành phần dinh dưỡng yêu cầu. Trong khi chính tuần này, FDA phải nới lỏng một vài quy định đó để nhập khẩn cấp các mặt hàng này vào Mỹ.
Nhưng ngay cả khi có mở cửa hơn cho các nhà sản xuất nước ngoài, thị trường Mỹ lại có một rào cản khác đó chính là tỷ lệ sinh giảm. Kể từ thời điểm đạt mức đỉnh vào năm 2007, tỷ lệ sinh của nước Mỹ liên tục đi xuống. Từ đó tới nay, tỷ lệ này đã giảm tới gần 20%. Một thị trường ngày càng ít người tiêu thụ sẽ khó thu hút các nhà sản xuất hay đầu tư.