Tại phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội diễn ra sáng 25/5, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn về các vấn đề xung quanh việc giá cả leo thang, xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng đến Việt Nam,...
Theo Zing, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho rằng chỉ số CPI tiềm ẩn nhiều rủi ro khi tháng 4 đã tăng 2,09% so với cuối năm 2021. Ông cho rằng lạm phát từ cuối 2021 đến nay đã tăng gấp hai lần cùng kỳ giai đoạn 2018-2021 là "con số rất báo động".
Vị đại biểu cũng đánh giá Việt Nam chưa có giải pháp căn cơ chiến lược về xăng dầu, chưa có sự chuẩn bị nguồn cung ứng và giá cả. Lượng dự trữ xăng dầu của Việt Nam rất bị động, không đảm bảo chiến lược lâu dài.
Trước bối cảnh hiện nay, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng cần tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, hay thuế tiêu thụ đặc biệt không có lý do gì đánh trong thời điểm hiện nay khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu.
Vị đại biểu TP HCM đề nghị Quốc hội nên dành một buổi để bàn nội dung này, bởi nếu không kiểm soát giá xăng dầu thì sẽ tạo hiệu ứng domino tăng giá các mặt hàng khác, tác động đến từng bữa ăn của người dân. Trong khi đó, sau hơn hai năm, COVID-19 đã lấy đi hết tiết kiệm của họ.
Theo Dân trí, liên quan đến vấn đề giá cả, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Bắc Ninh) cũng cho biết, thời gian vừa qua, giá các mặt hàng như xăng dầu, sắt, thép, xi măng, thực phẩm tăng cao đã tác động trực tiếp đến người dân. Trong "rổ hàng hóa" lớn như vậy, nhóm hàng hóa thiết yếu đã phản ánh về tốc độ lạm phát và mặt bằng giá của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu quan trọng như CPI, chỉ số giá nguyên nhiên liệu cho sản xuất ở Việt Nam trong khu vực công nghiệp cũng tăng rất rõ, điều này ảnh hưởng đến chi phí đầu vào, chi phí sản xuất hàng hóa, dẫn đến giá bán tăng lên, gây áp lực giá tiêu dùng cho người dân.
"Tôi cho rằng, cần phải đặt ra những biện pháp can thiệp kịp thời, thực hiện các chính sách đủ mạnh để loại bỏ tác động của giá cả tăng đột biến", ông Bảo nói.
Cũng theo ông, kiểm soát tốt nguồn cung cho các hoạt động sản xuất tiêu dùng để vừa giảm áp lực lạm phát vừa giảm các chi phí trong kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, khơi thông nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu và tháo gỡ những khó khăn về logistics.
Bên cạnh những tác động từ giá xăng dầu, theo Zing, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) đánh giá xung đột Nga - Ukraine gây tác động rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam còn nhiều dự án lớn mà Việt Nam làm ăn với Nga. Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại đề nghị cần có một đánh giá lâu dài về cuộc xung đột này tới Việt Nam, báo cáo Quốc hội.
Cũng không yên tâm trước những tác động từ bên ngoài, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị đánh giá rõ hơn tình hình thế giới và mức độ ảnh hưởng đến Việt Nam.
Ví dụ Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường quan trọng của Việt nên với chính sách Zero COVID và những khó khăn nội tại của họ sẽ tác động lớn đến Việt Nam.
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết có rất nhiều thách thức rủi ro cần ứng phó, nhất là khi nền kinh tế mở cửa rất nhanh. Đặc biệt là vấn đề lạm phát đang gia tăng kỷ lục. Các nền kinh tế lớn, như Mỹ chứng kiến mức lạm phát tăng kỷ lục hơn 40 năm qua.
Ngoài ra, vẫn còn những rủi ro về nợ công và rủi ro nợ công, nhiều nước kiệt quệ nguồn lực sau dịch bệnh. Tình hình Nga - Ukraine đang tạo ra chấn động cả về chính trị và kinh tế.
Trong bối cảnh đó, ông Sơn nhấn mạnh điều quan trọng nhất với Việt Nam bây giờ là phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, xử lý đói ngoại một cách tốt nhất. Khi ổn định kinh tế vĩ mô, sẽ đảm bảo được các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển.