Hình ảnh mô phỏng trung tâm dữ liệu tiềm năng trong các ống dung nham trên Mặt trăng - Ảnh: SHUTTERSTOCK
Sau "bài học" từ kho chứa hạt giống toàn cầu tại hòn đảo Spitsbergen (nằm ở phía Bắc Na Uy) bị ngập nước do biến đổi khí hậu, hầu hết các nhà khoa học đã chọn ống dung nham của Mặt trăng để bảo vệ nguồn gene của Trái đất khỏi các cuộc tấn công của thiên thạch và bức xạ gây hại DNA.
Các ống dung nham là những hang động và đường hầm rỗng dưới bề mặt được hình thành trong thời kỳ sơ khai của Mặt trăng và chúng vẫn còn nguyên vẹn kể từ đó. Chúng được xem là nơi tuyệt vời để xây dựng các thành phố trên Mặt trăng cho nền văn minh của con người.
Là một trong những đơn vị chọn ống dung nham trên Mặt trăng để xây dựng các trung tâm dữ liệu, Công ty lưu trữ dữ liệu Lonestar ở Mỹ đã ký hai hợp đồng với Công ty vũ trụ Intuitive Machines để thử nghiệm việc lưu trữ dữ liệu trên Mặt trăng.
Ông Christopher Stott, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Lonestar, nói với trang tin công nghệ The Register rằng các ống dung nham của Mặt trăng sẽ giúp bảo vệ các tài liệu này khỏi các thảm họa trên Trái đất.
Ở thử nghiệm đầu tiên, hiện được ấn định vào cuối năm 2022, Lonestar sẽ chạy thử phần mềm lưu trữ dữ liệu trên tàu đổ bộ Nova-C.
Thử nghiệm thứ hai, được lên kế hoạch vào năm 2023, robot của Intuitive Machines sẽ theo một con tàu vũ trụ hạ cánh xuống cực nam của Mặt trăng, mang theo một thiết bị máy tính và một thiết bị lưu trữ nhỏ của Lonestar để đặt trong ống dung nham.
Thiết bị lưu trữ có kích thước bằng một cuốn tiểu thuyết bìa cứng, nặng 1kg, và có bộ nhớ 16 terabyte. Công ty hy vọng thiết bị dữ liệu sẽ an toàn khi nằm trong các ống dung nham Mặt trăng - vốn là tàn tích của các dòng dung nham bazan.
Hiện nay, hàng loạt cơ quan, tổ chức cũng đang tìm cách đưa máy tính lưu trữ dữ liệu lên ống dung nham của Mặt trăng.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đều có kế hoạch đưa robot vào các ống dung nham để lập bản đồ bên trong.
Theo kế hoạch, các robot của của ESA sẽ hạ xuống các ống dung nham của Mặt trăng vào năm 2033.
Là một phần trong chương trình Mặt trăng Artemis của NASA, Cơ quan vũ trụ Ý (ASI) đã chuyển cho Công ty hàng không vũ trụ Pháp - Ý Thales Alenia Space nghiên cứu 16 khái niệm thiết kế, nhằm hỗ trợ sự hiện diện của con người trên Mặt trăng, bao gồm cả một trung tâm dữ liệu.
Thales Alenia Space được NASA hậu thuẫn để xây dựng một trung tâm dữ liệu trên Mặt trăng. Theo đó, khi cơ sở này hoạt động trên Mặt trăng, nó sẽ kết nối với mạng di động của Nokia trên đó. Cả hai sẽ tạo thành một phần của LunaNet - một dự án đưa internet lên hệ Mặt trời.
Một nhóm các nhà khoa học của Đại học Arizona cũng đã đề xuất một "hòm Mặt trăng" đặc biệt, được giấu bên trong các ống dung nham của Mặt trăng để có thể bảo quản tinh trùng, trứng và hạt giống của hàng triệu loài trên Trái đất.
Các tổ chức quốc tế đặt mục tiêu xây dựng một trung tâm dữ liệu trên Mặt trăng trước khi kết thúc thập kỷ này nhằm phát triển một cơ sở lâu dài trên "láng giềng" gần nhất của Trái đất.