Tài chính

Vì sao Gen Z phớt lờ nhà tuyển dụng?

Theo báo cáo mới nhất của Number Barn, công ty chuyên cung cấp dịch vụ phân tích dữ liệu và thống kê ở Mỹ, 41% Gen Z, 31% Gen Y thường "bỏ rơi" nhà tuyển dụng khi đang trong quá trình ứng tuyển hoặc thử việc. Các nhà tuyển dụng Mỹ coi là "bị phớt lờ" nếu liên lạc ba lần trở lên mà ứng viên không phản hồi hoặc giải thích.

Thực tế cho thấy quan điểm và định hướng về công việc của thế hệ trẻ đã thay đổi. Họ nâng cao tiêu chuẩn tìm việc, đưa ra nhiều yêu cầu với các công ty. Họ muốn nơi làm việc có thể giúp họ cống hiến hết mình, mức lương cao tương xứng với năng lực và có thời gian để cân bằng cuộc sống.

Dù một số nhà tuyển dụng không hài lòng với yêu cầu này nhưng họ phải chấp nhận việc Gen Z sẽ trở thành lực lượng lao động chính vào năm 2030, họ cần thích nghi và đổi mới.

Ảnh minh họa: Pexels

Ảnh minh họa: Pexels

Theo chuyên gia tư vấn nhân sự Bryan Driscoll, không phải tự nhiên Gen Z có phản ứng như vậy. Trước đây, một số công ty thường đăng tải thông tin tuyển dụng, đòi hỏi nhiều yêu cầu, kinh nghiệm rồi phớt lờ CV của người xin việc hoặc chỉ liên lạc lại lúc cần.

Các công ty cho rằng ứng viên nên cảm thấy biết ơn với bất kỳ cơ hội nào. Họ bắt ứng viên phải trải qua nhiều vòng phỏng vấn, thử thách, thử việc không lương, thời gian làm không cố định và sa thải âm thầm khi không đạt yêu cầu.

"Hiện nay người người lao động trẻ có năng lực, có nhiều sự lựa chọn, họ không dễ dàng chấp nhận những nơi không xứng với công sức bỏ ra", chuyên gia nói.

Alex Beene, giảng viên tài chính tại Đại học Tennessee ở Martin cho biết Gen Z đề cao công việc có giờ giấc tự do, linh hoạt. Họ sẵn sàng tăng ca cuối tuần nhưng cần thời gian cho sở thích cá nhân trong giờ làm việc. Gen Z có thể phớt lờ (ghost) nhà tuyển dụng nếu họ cảm thấy công việc không phù hợp với kỹ năng, sở thích hoặc mức lương không đủ hấp dẫn.

Với vai trò là nhà tuyển dụng, Kevin Thompson, chuyên gia tài chính, người sáng lập 9i Capital Group cho rằng xu hướng này vừa gây lo ngại nhưng cũng dễ hiểu. Thế hệ trẻ hiện nay dần mất niềm tin vào các công ty bởi có những trải nghiệm việc làm không tốt. Nhiều người đã trưởng thành trong thời kỳ phong trào Occupy Wall Street (Chiếm phố Wall) và chứng kiến cách mà cha mẹ họ bị đối xử bởi các nhà tuyển dụng trước đây.

Chuyên gia tài chính Michael Ryan nói nhiều người trẻ quen với việc sống ẩn dật trên mạng xã hội, tắt thông báo, phớt lờ tin nhắn nên việc biến mất khỏi một cuộc phỏng vấn "là chuyện bình thường". "Với Gen Z, việc 'ghost' nhà tuyển dụng là cách để họ cảm thấy kiểm soát được sự nghiệp của mình, đặc biệt thể hiện trong ngày đầu đi làm", Ryan nói.

Để ứng viên trẻ mở lòng với các nhà tuyển dụng, Bryan Driscoll nói các công ty nên xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với ứng viên và đưa ra các cơ hội, đãi ngộ phù hợp, sự linh hoạt trong công việc.

"Những công ty gặp khó khăn trong việc tuyển nhân sự Gen Z là bởi họ xem tuyển dụng như giao dịch một chiều, đòi hỏi sự gắn bó nhưng lại không tôn trọng thời gian, mong muốn của ứng viên", Bryan nói.

Theo ông, xu hướng "ghosting" của nhân sự trẻ cũng phản ánh sự lỗi thời trong cách vận hành, tuyển dụng của các công ty. Người lao động trẻ biết giá trị của mình và không ngại rời bỏ công việc nếu không đáp ứng được kỳ vọng.

Thay vì đổ lỗi cho Gen Z, ông Bryan khuyên các công ty nên xem đây là lời cảnh tỉnh. Nếu muốn có nhiều ứng viên trẻ, tài năng, cống hiến hãy thật sự lắng nghe mong muốn của họ.

Các tin khác

Kiểm toán nhà nước đề xuất sắp xếp quỹ tài chính ngoài ngân sách

Không ít quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách (TCNNS) do Trung ương quản lý đã bộc lộ hạn chế trong vận hành, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, nhiệm vụ trùng lặp với ngân sách nhà nước (NSNN) và Ngân hàng Chính sách xã hội. Trước thực trạng này, Kiểm toán nhà nước (KTNN) khuyến nghị sắp xếp lại đối với các Quỹ TCNNS do Trung ương quản lý.

Hơn 300 nhà khoa học Việt cùng ngồi bàn cách đổi mới sáng tạo vì giao thông bền vững

Ngày 17/5, hơn 300 nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông vận tải trên toàn quốc về dự Hội thảo khoa học quốc gia lần thứ VI do Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM (UTH) tổ chức với chủ đề “Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải – CTST 2025”.

Cảnh báo nhà đầu tư rơi vào tình trạng dòng tiền âm, lãi vay chồng chất

Sau giai đoạn đóng băng kéo dài do lãi suất tăng cao và dòng tiền siết chặt, thị trường bất động sản đang dần ấm lên nhờ chính sách nới lỏng tín dụng từ hệ thống ngân hàng. Chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nên thận trọng, tránh dùng đòn bẩy tài chính lớn bởi không có gì đảm bảo bất động sản sẽ tăng mãi.