Doanh nghiệp

Mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án trọng điểm quốc gia

Đất nước cần, doanh nghiệp sẵn sàng

Gần 2 thập niên kể từ khi chính thức được đưa ý tưởng, tuyến đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc - Nam vẫn luôn là đề tài "nóng" tạo nhiều diễn đàn tranh luận giữa các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học và cả người dân bởi tổng mức đầu tư quá lớn. Ngay cả đến lúc này, khi dự án đã được Quốc hội bấm nút thông qua thì vấn đề huy động vốn cũng vẫn là bài toán nhiều thách thức. Theo Nghị quyết của Chính phủ, dự án phải khởi công trước tháng 12.2026, nhưng hiện tại đang gặp khó trong việc xác định doanh nghiệp (DN) làm chủ đầu tư cũng như khai thác, vận hành. Do đó, ngay khi Công ty CP đầu tư và phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed (Công ty VinSpeed) đề xuất đầu tư, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp, lấy ý kiến các bộ, ban, ngành liên quan.

Đánh giá về đề xuất của VinSpeed, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, khẳng định đây là một đề xuất đột phá, có tính cách mạng, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân mới được ban hành. Đề xuất này của DN là rất đáng khích lệ, cho thấy rằng DN tư nhân sẵn sàng đứng ra chung vai gánh vác những trọng trách lớn quốc gia, thậm chí là chấp nhận rủi ro.

Đại diện VinSpeed cũng khẳng định, đề xuất làm ĐSTĐC Bắc - Nam là hành động cụ thể hưởng ứng Nghị quyết số 57-NQ/TW về đẩy mạnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước. Trước đó, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính họp với các DN tư nhân lớn của VN mời tham gia các dự án lớn. Trong khi Tập đoàn Trường Hải (THACO) được giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất toa tàu và tiến tới sản xuất đầu máy cho ĐSTĐC thì Tập đoàn Hòa Phát được Thủ tướng giao đảm nhận việc sản xuất ray đường sắt, "lo" luôn số thép làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt kết nối với Trung Quốc, cũng như các tuyến đường sắt đô thị. Thủ tướng cũng trao đổi trực tiếp với tỉ phú Phạm Nhật Vượng, khuyến khích Tập đoàn Vingroup xây dựng một hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm TP.HCM đến H.Cần Giờ. Ngay sau đó, Tập đoàn Vingroup đã nhanh chóng xây dựng đề án, gửi cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định.

Mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án trọng điểm quốc gia- Ảnh 1.

Đại diện các bộ, ngành cơ bản ủng hộ đề xuất của Công ty VinSpeed đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

ẢNH: ĐỒ HỌA BỘ GTVT

Mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án trọng điểm quốc gia- Ảnh 2.

Đại diện các bộ, ngành cơ bản ủng hộ đề xuất của Công ty VinSpeed đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

ẢNH: ĐỒ HỌA BỘ GTVT

Không chỉ Vingroup hay VinSpeed, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu VN cũng bày tỏ sự phấn khởi và hào hứng trước những "đơn đặt hàng" đặc biệt này. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO, khẳng định THACO đã có được những nền tảng nhất định trong các ngành đang hoạt động sản xuất kinh doanh để hướng đến một kỷ nguyên mới và phát triển với những định hướng, chiến lược rất rõ ràng mà Chính phủ đề ra. Trong lĩnh vực cơ khí - công nghiệp hỗ trợ, THACO đã hình thành được nền tảng vừa nghiên cứu phát triển sản phẩm, vừa tổ chức sản xuất; đặc biệt đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong sản xuất cơ khí.

Cùng với định hướng và chỉ đạo của Thủ tướng, ông Trần Bá Dương cam kết tập đoàn sẽ tập trung tham gia vào làm đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép. Ông bày tỏ: "Với lực lượng kỹ sư cũng như kinh nghiệm về nghiên cứu phát triển sản phẩm, hợp tác quốc tế, tôi xin hứa với Thủ tướng, chúng tôi sẽ có sự chuyển giao công nghệ hợp lý, tổ chức sản xuất tại chỗ nhằm giảm giá thành và sản phẩm này sẽ có sự tham gia của các DN VN, chịu trách nhiệm về chất lượng và giá thành. Chúng tôi cũng hứa sẽ đề cao tính hợp tác thông qua các dự án lớn, sẽ giúp cho các DN nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất, cũng như liên kết để đặt hàng thép chế tạo theo đúng tiêu chuẩn của sản phẩm".

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long nhấn mạnh, các dự án đường sắt trị giá tới 250 tỉ USD là thời cơ rất lớn cho các DN. Việc phát triển ngành thép nội địa sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu cho các công trình trọng điểm quốc gia, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài.

Rất nhiều lãnh đạo DN vừa và nhỏ thuộc mọi lĩnh vực từ giao thông tới du lịch, sản xuất… đều đã mạnh dạn đề xuất các cơ chế, chính sách đặc biệt tháo gỡ các điểm nghẽn để được tham gia vào các dự án trọng điểm, cùng chung tay thực hiện mục tiêu lớn của dân tộc.

Nguồn lực của đất nước phải được dành cho các DN Việt

Trước VinSpeed, Tập đoàn Hòa Phát cũng đã kiến nghị Chính phủ nghị quyết hóa chủ trương ủng hộ DN tư nhân, DN trong nước tham gia các dự án trọng điểm bằng văn bản, thể hiện rõ chủ trương này để tạo nguồn động viên to lớn cho các DN đang mong chờ. "VN có thể học theo bài học từ Hàn Quốc, có nghị quyết mạnh dạn giao cho các đơn vị trong nước là các DN sản xuất, nhà thầu thi công như chúng tôi. Như thế giải quyết 2 vấn đề, một là chúng tôi mạnh dạn đầu tư và quan trọng khi đầu tư thì có sản phẩm đầu ra. Thời gian tới, Hòa Phát có thể khởi công nhà máy sản xuất đường ray với vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng. Đây là một sản phẩm rất đặc thù, nếu không sử dụng cho dự án thì không biết bán cho ai. Do đó, chúng tôi rất mong có một văn bản như một nghị quyết để các DN yên tâm đầu tư và sản xuất sản phẩm phục vụ dự án", ông Trần Đình Long kiến nghị với Thủ tướng.

Mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án trọng điểm quốc gia- Ảnh 3.

Mở cơ chế mới cho DN tư nhân thực hiện các dự án trọng điểm sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia

ẢNH: NHẬT THỊNH

Khẳng định quyết tâm của nhà nước muốn huy động nội lực, ngay sau Nghị quyết 68, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân cũng đưa ra một số nhóm chính sách cụ thể, trong đó có nhóm giải pháp thúc đẩy, thu hút DN tư nhân thực hiện các dự án trọng điểm. Theo đó, nhà nước mở rộng sự tham gia của DN tư nhân vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia thông qua hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư theo phương thức đối tác công - tư hoặc các mô hình hợp tác giữa nhà nước và tư nhân theo quy định. Người có thẩm quyền, chủ đầu tư lựa chọn hình thức đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu hoặc hình thức khác theo quy định pháp luật để thực hiện các dự án chiến lược, trọng điểm quốc gia (ĐSTĐC, đô thị, công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, hạ tầng năng lượng, số, giao thông xanh, quốc phòng, an ninh, nhiệm vụ khẩn cấp) đảm bảo công khai, minh bạch, chất lượng, tiến độ. Cuối giờ sáng qua 17.5, nghị quyết này đã được Quốc hội thông qua với 429/434 đại biểu có mặt tán thành.

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, việc mở rộng, khuyến khích các DN tham gia vào những dự án trọng điểm của quốc gia là cần thiết. Đây là cơ hội để các DN tư nhân vươn lên. Tùy theo tính chất của từng dự án mà nhà nước có thể "đặt hàng" với một DN dẫn dắt hay cần một liên minh với sự tham gia của nhiều đơn vị khác, nhưng dứt khoát phải tạo điều kiện cho sự tham gia của các DN tư nhân trong nước.

"Những dự án lớn là nguồn lực của đất nước phải được dành cho các DN Việt. Chỉ khi được tham gia các dự án trọng điểm thì DN tư nhân mới nhanh chóng nâng cao năng lực và lớn mạnh hơn nữa. Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân phải có cơ chế, chính sách rõ ràng để tạo điều kiện cho khối DN tư nhân tham gia. Điều này cho thấy không chỉ dừng lại ở những chủ trương chung của Đảng mà phải triển khai hành động cụ thể", PGS-TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

TS Nguyễn Quốc Việt (Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh: Thúc đẩy, thu hút DN tư nhân thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia là một trong những cơ chế mới được nêu từ Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị. Trước đây đã có các DN tư nhân tham gia một phần hay làm chủ đầu tư vào các dự án đầu tư công theo các hình thức phối hợp đối tác công - tư (PPP) hay BOT, tuy nhiên chủ yếu mới chỉ tham gia vào những dự án địa phương hoặc chỉ là một phần mà hoàn toàn chưa trở thành chủ đầu tư thật sự cho một dự án trọng điểm của nhà nước.

Mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án trọng điểm quốc gia- Ảnh 4.

Kinh tế tư nhân sẽ là động lực quan trọng nhất đưa đất nước phát triển hùng cường

ẢNH: VG

Việc mở cơ chế mới cho DN tư nhân thực hiện các dự án trọng điểm sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia. Thứ nhất, giúp giảm tải nguồn vốn đầu tư của nhà nước cho các dự án, giảm rủi ro nợ công gia tăng. Thứ hai, các DN tư nhân khi tham gia vào các dự án một phần hay làm chủ đầu tư dự án sẽ tận dụng được lợi thế về năng lực quản trị, điều hành khá năng động, không bị trì trệ, ít lãng phí hay tham nhũng. Thứ ba, những tập đoàn DN tư nhân lớn thường có cả một hệ sinh thái sẽ phát huy được sự lan tỏa, phát triển của cả cộng đồng từ các công trình trọng điểm, nhất là trong các dự án hạ tầng giao thông. Từ những lợi ích đó thì việc có cơ chế đặc thù riêng để khuyến khích, thu hút DN tư nhân có đủ tiềm lực, khả năng, đủ điều kiện tham gia vào các dự án lớn của quốc gia là cần thiết.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Quốc Việt lưu ý khi xây dựng cơ chế đặc thù trong vấn đề này phải được lấy ý kiến rộng rãi, đồng thuận. Tốt nhất nên xem xét xây dựng cơ chế đặc thù vẫn theo hướng đấu thầu công khai, minh bạch để nhiều DN có đủ điều kiện tham gia. Từ đó sẽ tránh được tình trạng xuất hiện lợi ích nhóm và làm méo mó bản chất của cơ chế mới khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân.

Cơ hội để những "đại bàng Việt" làm nên những điều phi thường

Bên cạnh việc mở cơ chế thu hút nguồn lực từ kinh tế tư nhân, dự thảo Nghị quyết cũng đặt nhiệm vụ nhà nước hỗ trợ hình thành và phát triển DN vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu. Theo đó, nhà nước bố trí ngân sách hỗ trợ DN vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân theo 2 chương trình: Một là phát triển 1.000 DN tiêu biểu về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xanh, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; hai là hỗ trợ vươn ra thị trường quốc tế, hỗ trợ về thị trường, vốn, công nghệ, thương hiệu, phân phối, logistics, bảo hiểm, tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp và kết nối với tập đoàn đa quốc gia.

PGS-TS Trần Đình Thiên phân tích, trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, VN cần tập trung nguồn lực, hỗ trợ cho một số tập đoàn lớn dẫn dắt nền kinh tế. Đó là sự hỗ trợ ủng hộ của Chính phủ trong việc tạo cơ chế cho các DN tư nhân tham gia công trình, dự án lớn; hỗ trợ DN kết nối với thị trường nước ngoài… Đặc biệt, phải xây dựng những tập đoàn kinh tế trong nước hùng mạnh, những DN đầu đàn. Đây sẽ là lực lượng dẫn dắt khu vực tư nhân hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, từng bước nâng cấp vị thế của DN VN trên thị trường quốc tế. Để làm được điều này nên hỗ trợ trọng tâm vào một số ngành, hỗ trợ từng DN, từng lĩnh vực để tạo thành một số chuỗi cung ứng của VN, do người Việt đứng đầu, từ đó tạo điều kiện mở đường cho DN nhỏ và vừa trong nước cùng tham gia chuỗi. Đi liền với đó là môi trường kinh doanh cạnh tranh tốt để DN có năng lực sẽ bứt phá phát triển; khuyến khích DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần hình thành những "sếu đầu đàn" dẫn dắt tăng trưởng kinh tế…

"Nếu chúng ta có chính sách tốt hơn, giải pháp thiết thực hơn thì khu vực kinh tế tư nhân có thể đạt được những thành tích phi thường, không có gì là không làm được. Nếu được trao đúng cơ hội và khơi dậy đầy đủ tiềm năng, kinh tế tư nhân không chỉ là một lựa chọn, mà chính là lời giải dài hạn cho chiến lược phát triển kinh tế VN trong giai đoạn nhiều bất định", PGS-TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Mình phải giao nhiều việc cho các DN lớn. Tôi hiện cũng giao một số việc để người ta hình thành tư duy. Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới. Chúng ta phải quán triệt tinh thần này khi triển khai thực hiện quy hoạch. Công cuộc đổi mới của đất nước sẽ an tâm, chủ động hơn về mặt chiến lược khi có các DN Việt mạnh. Chủ trương của Chính phủ là chia sẻ suy nghĩ, tầm nhìn, cùng với các DN lớn tiên phong xác định và cùng thực thi các dự án mang tầm quốc gia, tìm ra giải pháp cho các bài toán lớn của đất nước nhằm đạt được mục tiêu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Theo đề án đã được Quốc hội phê duyệt, dự án ĐSTĐC Bắc - Nam có vốn đầu tư khoảng 1,562 triệu tỉ đồng (tương đương khoảng 61,35 tỉ USD), không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng. VinSpeed trình phương án tham gia đầu tư và chịu trách nhiệm thu xếp 20% tổng vốn đầu tư của dự án, tương đương 312.330 tỉ đồng (khoảng 12,27 tỉ USD). 80% số còn lại (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng), VinSpeed đề xuất vay vốn nhà nước không tính lãi suất trong vòng 35 năm kể từ ngày giải ngân. Nếu được thông qua, DN dự kiến khởi công dự án trước tháng 12 năm nay, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa toàn tuyến vào khai thác vận hành trước tháng 12.2030.

Các tin khác

Kiểm toán nhà nước đề xuất sắp xếp quỹ tài chính ngoài ngân sách

Không ít quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách (TCNNS) do Trung ương quản lý đã bộc lộ hạn chế trong vận hành, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, nhiệm vụ trùng lặp với ngân sách nhà nước (NSNN) và Ngân hàng Chính sách xã hội. Trước thực trạng này, Kiểm toán nhà nước (KTNN) khuyến nghị sắp xếp lại đối với các Quỹ TCNNS do Trung ương quản lý.

Cảnh báo nhà đầu tư rơi vào tình trạng dòng tiền âm, lãi vay chồng chất

Sau giai đoạn đóng băng kéo dài do lãi suất tăng cao và dòng tiền siết chặt, thị trường bất động sản đang dần ấm lên nhờ chính sách nới lỏng tín dụng từ hệ thống ngân hàng. Chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nên thận trọng, tránh dùng đòn bẩy tài chính lớn bởi không có gì đảm bảo bất động sản sẽ tăng mãi.

3 không khi dùng mật ong

Mật ong đem lại nhiều lợi ích khi dùng ở mức độ vừa phải nhưng có thể tương tác với một số thực phẩm và thuốc gây ra tác hại cho sức khỏe.