Xã hội

Đè vạch chờ đèn đỏ cũng bị phạt 20 triệu là quá nặng?

Trên một số diễn đàn mạng xã hội, nhiều ý kiến đang tranh luận về việc tài xế đã dừng chờ đèn đỏ nhưng bánh xe lại cán lên vạch dừng, thì có bị xử phạt về lỗi vượt đèn đỏ không?

 - Ảnh 1.

Theo quy định hiện hành, hành vi dừng xe cán lên vạch chờ đèn đỏ cũng bị xử phạt như lỗi vượt đèn đỏ (ảnh minh họa)

ẢNH: TUYẾN PHAN

Trả lời vấn đề này, đại diện Cục CSGT (C08, Bộ Công an) cho hay, hành vi điều khiển xe dừng chờ đèn đỏ nhưng đè lên vạch dừng vẫn sẽ bị phạt như lỗi vượt đèn đỏ.

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định 168/2024 đều quy định, với tín hiệu đèn giao thông màu vàng, tài xế phải dừng lại trước vạch dừng, chỉ khi đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng thì mới được đi tiếp. Còn với màu đỏ, đây là tín hiệu đèn cấm đi.

Như vậy, về nguyên tắc, khi đến nơi giao nhau thì người điều khiển phương tiện giao thông phải quan sát, giảm tốc độ, chấp hành tín hiệu đèn giao thông hoặc hiệu lệnh từ người chỉ huy giao thông. Nếu xe chưa lăn bánh tới vạch dừng mà tín hiệu đèn chuyển sang màu vàng hoặc đỏ, tài xế buộc phải dừng xe trước vạch dừng. Trường hợp vi phạm, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông.

Phạt như nhau là quá nặng?

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) ủng hộ việc xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm giao thông, nhất là những lỗi cố ý, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, ví dụ như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, lạng lách, đánh võng… Song, ông Hòa cho rằng nên có sự phân hóa mức phạt với những hành vi mang tính vô ý hoặc mức độ nguy hiểm không cao, cụ thể cần bàn ở đây là hành vi dừng xe cán lên vạch chờ đèn đỏ.

Thực tế cho thấy, không phải tất cả đèn tín hiệu giao thông đều có bộ đếm giây, nơi có nơi không, thậm chí một số trường hợp tín hiệu đèn giao thông bất ngờ đổi màu khiến tài xế "không kịp trở tay", hoặc vì 1 - 2 giây lơ là mà tài xế đã dừng xe để chờ đèn đỏ nhưng bánh xe lại cán lên vạch chờ.

Hay như tình huống tắc đường khiến dòng xe phải nối đuôi nhau, xe sau thấp hơn nên bị xe trước cản tầm nhìn, khi tài xế phát hiện đèn chuyển sang màu đỏ thì bánh xe đã cán lên vạch, dù lập tức dừng xe thì vẫn bị coi là không chấp hành tín hiệu đèn giao thông. "Tài xế không cố ý vượt đèn đỏ, nếu vẫn phạt hết khung thì quá nặng, nên xem xét cho hợp lý hơn", ông Hòa nói.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Kết nối, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cũng nhận định mục đích xử phạt hành vi vượt đèn đỏ nhằm chế tài đối với người điều khiển phương tiện cố tình không chấp hành tín hiệu đèn giao thông. Xét theo góc độ này, hành vi dừng xe để chờ đèn đỏ nhưng lại cán lên vạch chờ "có vẻ chưa thỏa mãn". Bởi lẽ, ý chí của tài xế là muốn dừng lại để chấp hành tín hiệu đèn, nhưng xuất phát từ nguyên nhân nào đó mà lỡ vượt qua ranh giới vạch dừng, chứ thực chất không phải muốn điều khiển xe tiếp tục tiến vào giao lộ.

Cạnh đó, nếu xét tương quan mức độ nguy hiểm, hành vi dừng xe cán vạch chờ đèn đỏ rõ ràng là thấp hơn hành vi vượt đèn đỏ. Phương tiện đã dừng lại hẳn, không có hoặc rất khó xảy ra khả năng xảy ra xung đột với dòng phương tiện đến từ hướng khác. "Mức phạt nên tương xứng với mức độ nguy hiểm của từng hành vi", ông Hùng nêu quan điểm.

Vị luật sư bày tỏ thêm sự lo ngại, khi mức phạt đối với hành vi dừng xe chờ đèn đỏ cán lên vạch chờ bằng với mức phạt vượt đèn đỏ sẽ dẫn tới tâm lý "đã lỡ đè vạch rồi thì vượt luôn, đằng nào cũng bị phạt như nhau". Điều này rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Cần có "lằn ranh" mức phạt

Từ phân tích đã nêu, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng kiến nghị nên nghiên cứu theo hướng chỉ xử phạt lỗi vượt đèn đỏ nếu phần lớn chiều dài xe đã vượt qua vạch dừng. "Trường hợp này, kể cả tài xế dừng xe thì vẫn cần phạt nặng, vì hình ảnh trực quan cho thấy anh đã cố tình không chấp hành tín hiệu đèn, không có gì để biện hộ", luật sư nêu.

Ngược lại, nếu bánh xe chỉ chớm lên vạch dừng khi tín hiệu đèn chuyển sang màu vàng hoặc đỏ, nhất là những nơi đèn tín hiệu không có bộ đếm giây, hoặc mật độ giao thông cao, hành vi này nên được áp dụng mức phạt nhẹ hơn. "Có thể phạt tương đương với lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường chẳng hạn", luật sư Hùng gợi ý.

Ông Hùng kỳ vọng sự phân hóa mức phạt như trên sẽ "công bằng" hơn với những người không cố ý vượt đèn đỏ, khuyến khích các tài xế lỡ cán lên vạch thì lập tức dừng lại trước khi thực hiện hành vi nguy hiểm hơn cho bản thân và người tham gia giao thông khác.

Đồng quan điểm, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cũng cho rằng nên có sự điều chỉnh mức phạt đối với hành vi dừng xe cán lên vạch chờ đèn đỏ. "Chiếu theo đúng câu chữ trong luật, đè vạch chờ thì vẫn thuộc trường hợp vượt đèn đỏ, CSGT xử phạt là hoàn toàn đúng, tăng sức răn đe. Nhưng chiếu theo mức độ nguy hiểm, đè vạch và vượt qua vạch là khác nhau", ông nói.

Ông Tạo đề xuất chia mức phạt đối với lỗi không chấp hành tín hiệu đèn giao thông thành nhiều bậc. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, một số quốc gia quy định vượt đèn đỏ ở 1-2 giây đầu thì mức phạt thấp hơn, bởi dòng phương tiện ở hướng khác chưa tiến sâu vào giao lộ; nếu vượt đèn đỏ ở các giây tiếp theo thì mức phạt cao hơn, bởi pha đèn xanh của dòng phương tiện khác đã vào sâu, nguy cơ xảy ra va chạm là rất lớn.

Theo TS Khương Kim Tạo, VN có thể "tiếp thu có chọn lọc" kinh nghiệm nêu trên. Cơ quan chức năng nên nghiên cứu, điều chỉnh về mặt câu chữ trong luật, để phân chia mức phạt giữa hành vi dừng xe mà cán lên vạch chờ đèn đỏ và hành vi vượt qua hẳn vạch chờ đèn đỏ để đi vào giao lộ. "Giống như vi phạm nồng độ cồn, chúng ta có nhiều mức phạt tùy theo nồng độ cồn trong hơi thở của tài xế, như vậy sẽ phản ánh đúng với tính chất nguy hiểm của hành vi", ông Tạo nói.

Tuy nhiên, đề xuất của TS Khương Kim Tạo nếu được xem xét, nghiên cứu thì cũng là câu chuyện của tương lai, khi tới đây có sự tổng kết, đánh giá. Còn hiện tại, cả luật và nghị định đều quy định tài xế phải dừng xe trước vạch dừng khi tín hiệu đèn chuyển sang màu vàng hoặc đỏ. Ông Tạo khuyến nghị người tham gia giao thông cần chấp hành nghiêm để tránh bị xử phạt với số tiền lớn.

Các tin khác

Kiểm toán nhà nước đề xuất sắp xếp quỹ tài chính ngoài ngân sách

Không ít quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách (TCNNS) do Trung ương quản lý đã bộc lộ hạn chế trong vận hành, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, nhiệm vụ trùng lặp với ngân sách nhà nước (NSNN) và Ngân hàng Chính sách xã hội. Trước thực trạng này, Kiểm toán nhà nước (KTNN) khuyến nghị sắp xếp lại đối với các Quỹ TCNNS do Trung ương quản lý.

Cảnh báo nhà đầu tư rơi vào tình trạng dòng tiền âm, lãi vay chồng chất

Sau giai đoạn đóng băng kéo dài do lãi suất tăng cao và dòng tiền siết chặt, thị trường bất động sản đang dần ấm lên nhờ chính sách nới lỏng tín dụng từ hệ thống ngân hàng. Chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nên thận trọng, tránh dùng đòn bẩy tài chính lớn bởi không có gì đảm bảo bất động sản sẽ tăng mãi.

3 không khi dùng mật ong

Mật ong đem lại nhiều lợi ích khi dùng ở mức độ vừa phải nhưng có thể tương tác với một số thực phẩm và thuốc gây ra tác hại cho sức khỏe.

Căn bệnh "phá" hỏng hết thận, dấu hiệu cảnh báo là bí tiểu hoặc đi tiểu được rất ít

Biểu hiện lâm sàng của tổn thương thận cấp là tiểu ít hoặc không đi tiểu xảy ra cấp tính, tiếp theo là tăng nitơ phi protein trong máu, rối loạn cân bằng nước điện giải, rối loạn cân bằng kiềm toan, phù và tăng huyết áp. Tổn thương thận cấp là một trong những bệnh lý nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng sức khỏe của người bệnh.