Sáng 18/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân.
Trình bày Chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW" tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh kinh tế tư nhân (KTTN) ngày càng có vai trò quan trọng, thể hiện rõ qua Nghị quyết của các kỳ Đại hội.
So với giai đoạn sau đổi mới, số lượng doanh nghiệp thành lập tăng mạnh, từ khoảng 5.000 doanh nghiệp năm 1990 lên 50.000 doanh nghiệp năm 2000, và 200.000 năm 2005 (gấp 40 lần sau 15 năm); đến nay có gần 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế.
KTTN liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, là khu vực có đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP. Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân đạt khoảng 6-8%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế.
Mặc dù có nhiều đóng góp quan trọng, khu vực KTTN vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, nội lực: Mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 (đạt 1,5 triệu doanh nghiệp và đóng góp 55% GDP vào năm 2025) vẫn chưa đạt được; Gần 98% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa, siêu nhỏ, năng suất lao động thấp hơn khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước; tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI thấp, chỉ khoảng 21%,...
Một bộ phận doanh nghiệp tư nhân chưa nghiêm túc tuân thủ pháp luật, thông tin chưa minh bạch, thiếu tầm nhìn chiến lược; đạo đức, văn hóa kinh doanh còn hạn chế (cạnh tranh thiếu lành mạnh, sản xuất hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm hợp đồng…). Một số doanh nghiệp tư nhân còn tham gia vào buôn lậu, trốn thuế, thao túng thị trường, găm hàng, đội giá… Công tác quản lý hộ kinh doanh cá thể còn nhiều hạn chế, bất cập.
5 quan điểm đột phá về KTTN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP).
Thủ tướng cho biết, ngày 4/5 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó nổi bật là quan điểm khẳng định KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Đồng thời, Nghị quyết 68 cũng nêu quan điểm: Phát triển KTTN nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài; Xoá bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về KTTN; Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu hợp pháp, đóng góp cho đất nước; Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể; tôn vinh, cổ vũ, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh.
Nghị quyết cũng đặt mục tiêu phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55-58% GDP, khoảng 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 - 9,5%/năm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng "thương trường là chiến trường", cần tạo động lực, truyền cảm hứng cho các thương nhân - chiến sĩ trên mặt trận kinh tế và phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu trên phạm vi cả nước, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải làm sao doanh nghiệp lớn thì trở thành doanh nghiệp toàn cầu, doanh nghiệp nhỏ và vừa vươn lên thành doanh nghiệp lớn.
"Chủ tịch Hiệp hội hoanh nghiệp vừa và nhỏ luôn luôn mong muốn có các chính sách cho khu vực này, với các chính sách đột phá lần này chắc đã 'thoả mãn' được những yêu cầu chính đáng đó. Muốn doanh nghiệp lớn lên thì phải có cơ chế chính sách để 'nuôi dưỡng, chăm sóc', chỉ khi làm điều này doanh nghiệp mới có thể lớn nhanh hơn", Thủ tướng nói.
Nghị quyết 68 đã phân công rất rõ nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ trên quan điểm "làm việc phải quyết tâm rất cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc dứt điểm việc đó, phân công 6 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền", Thủ tướng cho biết.
Bám sát quan điểm chỉ đạo, các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết số 68-NQ/TW, Chính phủ đã đưa ra Chương trình hành động thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ với 117 nhiệm vụ cụ thể.
Trong đó bao gồm 5 nhiệm vụ về đổi mới tư duy, nhận thức và hành động; 50 nhiệm vụ về cải cách, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, bảo đảm thực thi hợp đồng; 31 nhiệm vụ về tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao;
4 nhiệm vụ về thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; 6 nhiệm vụ về tăng cường kết nối giữa các loại hình doanh nghiệp; 7 nhiệm vụ về hình thành, phát triển các doanh nghiệp vừa và lớn; 5 nhiệm vụ về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh; 12 nhiệm vụ về đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nhân.
Nhiều quy định cụ thể "cởi trói" cho kinh tế tư nhân

Thủ tướng cũng cho biết, ngày 17/5, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 198/2025/ QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Đặc biệt, Nghị quyết của Quốc hội đã quy định cụ thể về cải thiện môi trường kinh doanh.
Từ nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận, cạnh tranh và tiếp cận nguồn lực đối với KTTN đến nguyên tắc xử lý vi phạm và giải quyết vụ việc trong hoạt động kinh doanh; phân định rõ giữa trách nhiệm của pháp nhân với trách nhiệm của cá nhân trong xử lý vi phạm hay quy định cụ thể về giải quyết phá sản doanh nghiệp, bảo đảm rút ngắn tối thiểu 30% về thời gian, đơn giản hóa trình tự, thủ tục giải quyết.
Với vấn đề hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh, Nghị quyết đã quy định cụ thể về: Hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công theo đúng tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW, trong đó giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định về tiêu chí, mức, hình thức hỗ trợ, trình tự, thủ tục đối với từng loại tài sản và công khai trên trang thông tin điện tử của địa phương...
Về việc hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công, Nghị quyết quy định về hỗ trợ tài chính, tín dụng, trong đó Nhà nước hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG); hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đồng thời, quy định cụ thể các trường hợp miễn giảm thuế, phí, lệ phí; Ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu, trong đó quy định về việc gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa sử dụng ngân sách nhà nước không quá 20 tỷ đồng được dành cho DNNVV (ưu tiên doanh nghiệp do thanh niên, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật làm chủ, doanh nghiệp ở miền núi, biên giới, hải đảo)…
Về hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực, doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; được sử dụng quỹ để tự triển khai hoặc đặt hàng bên ngoài nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo theo cơ chế khoán sản phẩm; được trừ 200% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực; bố trí NSNN để triển khai Chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10 nghìn giám đốc điều hành đến năm 2030; cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm dùng chung, tư vấn pháp lý, đào tạo… cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Về hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong, Nghị quyết của Quốc hội quy định việc đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Trong đó: Mở rộng sự tham gia của DNTN vào các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn với phát triển KTXH, dự án quan trọng quốc gia, khuyến khích đối tác công tư; Được lựa chọn áp dụng một trong các hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu hoặc hình thức phù hợp khác theo quy định của pháp luật để thực hiện đối với các lĩnh vực này.
Hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn KTTN tầm cỡ khu vực và toàn cầu; trong đó Nhà nước xây dựng chương trình, bố trí ngân sách để triển khai hỗ trợ thông qua: Chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong; Chương trình vươn ra thị trường quốc tế (Go Global).
Về điều khoản thi hành Nghị quyết số 198/2025/QH15 giao nhiệm vụ cho Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, chính quyền địa phương cấp tỉnh theo thẩm quyền quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng và tổ chức thực hiện ngay từ ngày 17/5.
Đồng thời, yêu cầu chậm nhất ngày 31/12/2026, hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật khác liên quan đến đầu tư kinh doanh để thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết số 68-NQ/TW.
Đối với nghị quyết này, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 139 về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Trong đó giao nhiệm vụ cụ thể với thời hạn cụ thể cho các bộ, cơ quan, địa phương để tập trung triển khai thực hiện, phát huy hiệu quả ngay từ thời điểm ban hành, Thủ tướng cho biết.