Người chiến thắng trong cuộc thi của những thần đồng
Trương Á Cần sinh ra vào năm 1966 và lớn lên ở Sơn Tây, Trung Quốc. Đó là khi Cách mạng văn hóa bắt đầu nổ ra, cha của Trương Á Cần thiệt mạng trong trận chiến đó và 5 năm sau đó, gia đình mới nhận được tin báo về sự qua đời của người cha.
Tuy có tuổi thơ "không cha", phải ở nhà bà ngoại, nhưng cậu bé đã bộc lộ những đức tính hiếm có: biết cách tự quản lý bản thân, tự chủ, biết điều, ngoan ngoãn nghe lời người lớn trong nhà và đặc biệt đã thể hiện khả năng tiếp thu kiến thức, học tập hơn người.
Quả không hiếm những trường hợp thần đồng có khả năng đặc biệt tại Trung Quốc. Đất nước với hơn 1,405 tỷ dân sản sinh ra rất nhiều con người xuất chúng với những thành tựu đáng nể. Chính những tấm gương thần đồng đó đã tạo nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho cậu bé Trương Á Cần, khi đó mới 11 tuổi, quyết tâm đỗ đại học và phá vỡ "nghịch lý thần đồng" theo một cách rất khác với những người trước đây.
Năm 1977, tin tức về thần đồng 13 tuổi Ninh Bạch đậu Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc xuất hiện trên các mặt báo ở Trung Quốc. Trước tấm gương này, đêm đó Trương Á Cần không ngủ được vì suy nghĩ trong mình: "Mình muốn thi đại học, mình nhất định phải vào Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc".
Ý tưởng nảy ra trong đầu này xuất hiện quả thực rất muộn, khi đó, thời gian đến kỳ thi tuyển sinh đại học chỉ còn 7 tháng. Đối với cậu bé 11 tuổi, giành được tấm vé thi đại học là một bài toán khó. Bởi theo quy định, chỉ học sinh tốt nghiệp THPT mới được tham gia thi kỳ thi tuyển sinh.
Trước quyết tâm lạ lùng bất ngờ của con trai, mẹ của Trương Á Cần, là một giáo viên cấp 2, đã tìm gặp hiệu trưởng trường THPT ở địa phương và bày tỏ mong muốn giúp con trai lên thẳng THPT và cũng chính là cách duy nhất để cậu đủ điều kiện tham gia thi đại học. Hiệu trưởng nhà trường đồng ý giúp đỡ hai mẹ con, nhưng với điều kiện Trương Á Cần phải thi đậu lớp top đầu của trường THPT.
Từ ngày hôm đó, "thần đồng họ Trương" bắt đầu dồn hết sức vào việc học tập và ôn luyện kiến thức. Mỗi ngày, cậu dành 20 giờ học bài, luyện đề toán, đến cả khi đi bộ, cậu cũng nhẩm học từ vựng tiếng Anh. Có người từng kể rằng Trương Á Cần đã ra sức học tập đến mức liều mạng và đổ bệnh nhưng cậu vẫn quyết tâm thi để giành được tấm vé vào đại học.
Quả không uổng phí công sức khi chỉ sau một tháng, Trương Á Cần thi đậu và được cấp quyền thi đại học trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Và tiếp tục vào năm 1978, cậu bé 12 tuổi trúng tuyển lớp ươm mầm tài năng trẻ của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, trở thành học sinh duy nhất trong lớp đạt điểm tối đa môn Toán.
Tuy nhiên, điều khiến cậu bé họ Trương này khác biệt so với những "thần đồng" xuất chúng cùng thời đó chính là câu chuyện đằng sau sự thành công và danh tiếng. Ninh Bạch, chính là người đã tạo nguồn cảm hứng cho cậu bé, đã vì chính áp lực học giỏi mà từ bỏ mọi thứ và quyết định đi tu. Một thiên tài khác, Tạ Ngạn Ba, học sinh đậu đại học năm 11 tuổi, được tuyển thẳng vào Đại học Princeton (Mỹ), cũng chọn cuộc sống bình thường sau nhiều biến cố ở nơi đất khách quê người.
Có người từng ví von, Trương Á Cần là một trong những "tuyển thủ" chiến thắng ở "cuộc đua thần đồng". Chỉ có riêng Trương Á Cần đã giỏi lại càng giỏi, đã nổi tiếng ở Trung Quốc nay vang danh tại cả xứ người. Không vì cái mác thần đồng mà ông dừng lại. Ông liên tục muốn chứng minh khả năng xuất chúng của mình với mọi người, nhưng đặc biệt phải kể đến mẹ mình.
Đó là vì trong một lần, khi được người khác khen ngợi vì học giỏi, thông minh. Mẹ của Trương Á Cần đã dội cho con trai một gáo nước lạnh, nói rằng: "Con cũng như bao người khác, không có gì đáng để học hỏi cả".
Vì câu nói của mẹ, Trương Á Cần gạt bỏ mọi lời khen ngợi, tập trung học tập và tốt nghiệp với bằng thạc sĩ của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc sau 8 năm và liên tục hướng đến những thành tựu mới khi xuất ngoại.
Đầu quân cho đế chế Microsoft vì nghĩ đến quê hương
Trương Á Cần đến học tại Đại học George Washington (Mỹ) với vai trò nghiên cứu sinh. Không làm bất cứ ai thất vọng, dù yêu cầu của các vị giáo sư và chương trình học rất cao, nhưng vào năm 1989, khi Trương Á Cần mới chỉ 23 tuổi, ông đã tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học George Washington và trở thành nghiên cứu sinh duy nhất trong lịch sử được đánh giá điểm tối đa cho luận án tiến sĩ.
Ngay sau đó, Trương Á Cần đến viện nghiên cứu của GTE để làm nghiên cứu. Trong 5 năm, ông cống hiến cho lĩnh vực truyền thông kỹ thuật số và trở thành một trong những chuyên gia xuất sắc. Ở độ tuổi rất trẻ, chàng trai họ Trương đã xuất bản hơn 560 bài báo khoa học trong lĩnh vực này và nhận được hơn 60 bằng sáng chế của Mỹ cùng vô số giải thưởng mà nhiều người Trung Quốc chưa bao giờ được có cơ hội nhận như: giải thưởng Kỹ sư trẻ xuất sắc của Hiệp hội Kỹ sư Điện và Điện tử Mỹ.
Với khả năng ấy thì tất nhiên một con người như tỷ phú Bill Gates không thể bỏ qua. Tại một hội nghị triển lãm công nghệ, Bill Gates gửi cho Trương Á Cần một lá thư mời, ngỏ ý chiêu mộ chàng trai trẻ đến Microsoft làm việc. Tuy nhiên, Trương Á Cần thẳng thắn từ chối.
Không dừng lại ở đó, biết chắc chàng trai trẻ này sẽ làm được những điều lớn lao, nhà sáng lập Microsoft đã ra sức lần thứ hai để thuyết phục Trương Á Cần thông qua tiết lộ rằng Microsoft sắp thành lập viện nghiên cứu ở Trung Quốc. Chính điều này đã thu hút Trương Á Cần, người luôn mong muốn trở về và mang vinh quang cho đất nước.
Vậy là Trương Á Cần chính thức bắt đầu hành trình 16 năm cùng Bill Gates tạo ra những điều thần kì cho Microsoft. Hệ thống R&D nghiên cứu và phát triển của Microsoft đã được chính ông Trương hoàn chỉnh giúp phát triển công nghệ, phát triển sản phẩm. Ông cũng giúp công ty thử nghiệm các lĩnh vực phức tạp hơn. Năm 2004, Bill Gates thông báo bổ nhiệm Zhang, khi đó 38 tuổi, làm phó chủ tịch toàn cầu của Microsoft.
Quyết định nghỉ việc ở Microsoft để đầu quân trở thành Chủ tịch Baidu của ông Trương đã khiến nhiều người bất ngờ. "Tôi mất 16 năm để thực hiện lời hứa trong những ngày đầu gia nhập Microsoft. Bây giờ nhiệm vụ hoàn thành, đã đến lúc tôi phải rời đi", thần đồng Trung Quốc nói với CBN News. Và sau một thời gian dài cống hiến công sức cho quốc gia và thế giới, Trương Á Cần nghỉ hưu vào năm 2019 nhưng vẫn miệt mài với công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trao đổi nghiên cứu và làm từ thiện.