Phân biệt rau mồng tơi ngâm thuốc và an toàn
Rau mồng tơi không chỉ là một trong những loại rau phổ biến nhất trong bữa cơm gia đình của người Việt Nam mà còn cực kỳ được ưa chuộng tại các quán lẩu, nhà hàng,...
Mồng tơi không chỉ ngon, dễ ăn, dễ chế biến mà còn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng siêu tốt cho sức khỏe. Đơn cử, trong mồng tơi có chứa chất nhầy pectin giúp nhuận tràng, thải chất béo chống béo phì, thích hợp cho người có nồng độ đường và mỡ cao trong máu.
Thuốc “kích phọt” của Trung Quốc (ảnh phải) và những bao thuốc có xuất xứ trong nước không được dùng cho cây ăn lá. Ảnh: SKĐS
Thông thường, rau mồng tơi được trồng ở thời gian 3 – 5 tuần mới có thể thu hoạch được. Nhưng dưới tác động của thời tiết cũng như nhu cầu tiêu dùng cao, nhiều nhà vườn bất chấp lợi ích sức khỏe sử dụng hóa chất kích thích chỉ mất từ 5-10 giờ đồng hồ đã khiến rau vươn dài ra gần 30cm.
Cụ thể, loại thuốc này có xuất xứ từ Trung Quốc, được mô tả có khả năng "phun một đêm, sáng mai thu hoạch". Người dân thường gọi là thuốc "kích phọt" hoặc thuốc "vươn cành". Thậm chí, với rau mồng tơi ngay cả khi đã cắt thành bó, nếu ngâm trong chậu nước có chứa thuốc vẫn có thể vươn dài chỉ sau 5 giờ đồng hồ.
Điều này khiến nhiều chị em nội trợ vô cùng lo lắng trong việc lựa chọn rau mồng tơi sạch và an toàn cho bữa cơm gia đình. Vậy đâu là cách để phân biệt được rau mồng tơi không bị ngâm hóa chất?
Rau mồng tơi ngâm thuốc có các đặc điểm như: Lá óng mướt, màu xanh thiếu ánh sáng, ngọn vươn dài, thân to béo mụp, không sâu bệnh.
Ngâm thuốc "kích phọt" vào rau mồng tơi. Ảnh: SKĐS
Sau gần 5 giờ đồng hồ, bó rau mồng tơi đã vươn dài ra, lá non mơn mởn. Ảnh: SKĐS
Ngược lại, những mớ rau mồng tơi an toàn sẽ có ngọn nhỏ; màu sắc rau xanh thẳm không tái; phiến lá ngắn, dày, cân đối; phần thân khá giòn; lá và thân có thể bị sâu;…
Lưu ý khi ăn rau mồng tơi
Mặc dù là loại rau tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng nên ăn rau mùng tơi. Theo các bác sĩ Đông y, những người bị sỏi thận, tiêu chảy nên tránh ăn rau này.
Rau mùng tơi chứa nhiều purin - một hợp chất hữu cơ khi vào cơ thể sẽ biến thành acid uric. Hàm lượng acid uric trong cơ thể cao sẽ làm tăng nguy cơ bị sỏi thận và làm tăng nồng độ canxi oxalate trong nước tiểu, dẫn đến sỏi thận ngày càng to và trầm trọng.
Dân gian thường dùng rau mùng tơi làm rau ăn cho mát, thêm tân dịch, khỏi khô háo và chống táo bón do mùng tơi có tính hàn lại nhuận tràng. Nhưng cũng tính vì đặc tính này mà người đang bị tiêu chảy, đại tiện lỏng không nên ăn. Nếu cố tình ăn phải, mùng tơi sẽ là nguyên nhân khiến cho bệnh càng thêm nặng.