"Xin lỗi chúng tôi quyết định không đầu tư", đó là những lời nói nhức nhối mà tác giả của cuốn sách "Bằng chứng từ chối", Jia Jiang thường nghe sau khi bắt tay vào khởi nghiệp.
"Sự từ chối đó khiến tôi bị tổn thương. Nó khiến tôi đau đến mức muốn bỏ cuộc ngay lúc đó", Jiang nói. Song ông nhận ra rằng liệu những doanh nhân thành đạt có bỏ cuộc chỉ sau một lần bị từ chối đơn giản như vậy?
Chính khoảnh khắc này là chất xúc tác khiến Jia Jiang quyết định vượt qua nỗi sợ bị từ chối bấy lâu nay của mình. Để thực hành, ông bắt đầu hành trình "100 ngày bị từ chối" - chất liệu để viết nên cuốn sách "Bằng chứng từ chối".
Những bài học mà ông học được có thể tóm gọn trong cụm từ "quy tắc của sự từ chối". Thực tế, quy tắc từ chối được hình thành dựa trên các nguyên tắc của trí tuệ cảm xúc (EQ). Đây cũng chính là điều giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi để đạt nhiều hơn những gì mình muốn và học được những bài học quý giá trong quá trình này.
Thực hành 100 ngày bị từ chối
Câu chuyện bắt đầu sau khi tham gia buổi diễn thuyết của Bill Gates, cậu bé Jia Jiang hồi đó đã lắng nghe và cảm thấy ấn tượng. Ngay lập tức, Jia Jiang đã viết kế hoạch trở thành một doanh nhân thành đạt. Thậm chí, Jia Jiang còn lên kế hoạch mua lại toàn bộ công ty của Microsolf vào một ngày không xa.
Năm 16 tuổi, Jiang và gia đình di cư sang Mỹ. Sau đó Jiang làm việc trong ngành tiếp thị cho một công ty. Không cảm thấy hạnh phúc với công việc đang làm, ông rời bỏ công ty và bắt tay vào khởi nghiệp. Tuy nhiên ước mơ không phải lúc nào cũng như kế hoạch đã định, những nỗ lực đầu tiên của ông đều kết thúc bằng lời từ chối.
Jiang quyết định rằng ông cần phải tìm cách đối phó với sự từ chối và không để nó huỷ hoại bản thân mình. Thử nghiệm ''100 ngày bị từ chối'' bắt đầu từ đây.
Các thí nghiệm của Jiang bao gồm yêu cầu một chiếc hamburger refill giống như cách mọi người yêu cầu refill nước ngọt (ông bị từ chối). Ông gõ cửa một người lạ và hỏi liệu ông có thể trồng hoa ở sân sau nhà họ không. Khi nhận phải câu từ chối, Jiang đã hỏi ''Tại sao không?''
Người này nói rằng con chó sẽ phá nát luống hoa và đề xuất hỏi người hàng xóm. Bất ngờ là sau đó ông nhận được sự đồng ý.
Một trong những thử nghiệm nổi tiếng hơn của ông là yêu cầu nhân viên của Krispy Kreme làm donut theo hình biểu tượng Thế vận hội Olympics. Nhân viên bày tỏ sự ngạc nhiên nhưng họ vẫn làm và sau đó tặng ông chiếc bánh miễn phí. Jiang học được rằng mọi người tử tế hơn chúng ta nghĩ, và đôi khi họ có thể giúp cho bạn thực hiện những điều ước tưởng chừng là phi lý nhất.
Qua 100 thử nghiệm, Jia Jiang đã học được một số sự thật quan trọng trong hành trình của mình. Khi đưa ra một yêu cầu, đôi khi ông có thể biến ''không'' thành ''có'' bằng cách sử dụng một câu hỏi duy nhất ''Tại sao không?''.
Thông thường khi Jiang hỏi như vậy, người từ chối sẽ suy nghĩ lại các đề xuất hoặc đưa ra một số thoả hiệp, thậm chí cung cấp một gợi ý khác.
Biên tập viên của Inc đã để lại bình luận sau khi lắng nghe Jia Jiang chia sẻ câu chuyện của mình trên Ted Talks: Tôi đã học được rằng ''không'' không có nghĩa là ''không mãi mãi''. Điều đó có thể là "không" trong thời điểm hiện tại hoặc không phải như cách bạn đang mô tả. Vì thế để có lợi hơn cho bản thân, bạn nên áp dụng quy tắc từ tối của Jia Jiang trong mọi vấn đề của cuộc sống.
Quy tắc của sự từ chối
Theo Jia Jiang, quy tắc từ chối rất đơn giản, nó bao gồm 3 phần:
1. Bạn sẽ chẳng nhận được gì nếu không đưa ra lời đề nghị, vì vậy hãy mạnh dạn đề xuất.
2. Nếu câu trả lời là "không", hãy hỏi "tại sao không?", điều này có thể dẫn đến việc bạn đạt được thứ mình muốn hoặc nhận được điều tương tự.
3. Hãy nhớ rằng sự từ chối của người khác không định nghĩa con người bạn. Cách phản ứng với sự từ chối mới thực sự làm nên điều đó.
Vì vậy nếu muốn vượt qua nỗi sợ bị từ chối và đạt được nhiều hơn những gì mình muốn, đừng ngại đưa ra những đề xuất. Dám làm như vậy là bạn đang bắt đầu chuyển ''không" thành ''có''. Quan trọng nhất là bạn sẽ thay đổi được cách nhìn nhận của bản thân về những lời từ chối.
Theo Inc