AFP dẫn lời một đại diện ngành tang lễ chia sẻ với truyền thông địa phương rằng số người chết tăng vọt khiến nguồn dự phòng quan tài của thành phố bị suy giảm nghiêm trọng. Hiện chỉ còn 300 chiếc và dự kiến sẽ hết vào cuối tuần này. Bản thân trưởng đặc khu Carrie Lam cũng đã thừa nhận vấn đề này trong cuộc họp báo ngày 16/3 nhưng nhấn mạnh 2 chuyến hàng quan tài nữa sẽ sớm đến Hồng Kông từ Đại lục.
"Đêm qua, tôi được biết cục Thực phẩm và Y tế báo cáo họ đang nỗ lực thu xếp việc vận chuyển (quan tài) bằng đường thủy", bà Lam nói.
Lãnh đạo Đặc khu Hành chính Hồng Kông cho biết thêm các quan chức đã nỗ lực giúp đỡ các gia đình trong việc lo hậu sự cho thân nhân của họ. "Chúng tôi sẽ cố gắng tìm cách để các gia đình có thể đưa thân nhân quá cố của họ về nhà sớm và tiến hành các thủ tục tang lễ. Các lò hỏa táng hiện nay cũng phải hoạt động hết công suất, bất kể ngày đêm", bà Lam cho biết thêm.
Các chuyên gia tin rằng số ca mắc Covid-19 ở Hồng Kông cao hơn đáng kể so với số liệu chính thức. Thậm chí, có thể một nửa trong số 7,4 triệu dân của thành phố đã mắc Covid-19.
Trưởng đặc khu Carrie Lam đang phải đối mặt với sự phản ứng từ mọi phía về cách xử lý của bà với cuộc khủng hoảng Covid-19. Trong khi đó, chính người dùng mạng xã hội tại Trung Quốc đại lục cũng nổi giận và cho rằng sự lây lan dịch bệnh ở Trung Quốc đều do cách phản ứng chậm chạp của Hồng Kông.
Hàng chục triệu người Trung Quốc đã bất ngờ bị phong tỏa sau khi dịch bùng lên tại một số thành phố của Trung Quốc. Hiện tại, có 3.000 ca mắc Covid-19 được ghi nhận tại Trung Quốc đại lục. Trung Quốc hiện vẫn là quốc gia hiếm hoi trên thế giới duy trì chiến lược zero-Covid.
Thâm Quyến, thành phố 17,5 triệu dân đã bị phong tỏa sau khi các ca mắc Omicron được phát hiện tại các nhà máy và khu vực lân cận có liên quan tới Hồng Kông.
Trong khi đó, Hồng Kông cũng đã phải tuyên bố đóng cửa các bãi biển do chính quyền quản lý sau khi cư dân mạng Trung Quốc dậy sóng với hình ảnh người dân đặc khu hành chính tắm nắng mà không đeo khẩu trang. Tuy nhiên, Chính quyền Hồng Kông đưa ra một lý do khác cho việc đóng cửa, vốn có hiệu lực từ ngày 17/3.
"Khi chúng tôi nhận thấy lượng người tới các bãi biển tăng đột biến, chúng tôi phải có biện pháp phù hợp để giảm bớt việc tụ tập của công chúng nhằm đảm bảo an toàn", bà Lam nói.
Biện pháp mới này bổ sung vào các quy định giãn cách, vốn đã được đánh giá là tương đối nghiêm ngặt tại Hồng Kông, bao gồm đeo khẩu trang và cấm tụ tập nhiều hơn 2 người.
Việc Trung Quốc theo đuổi chính sách Zero-Covid, sẵn sàng phong tỏa các đô thị nhiều triệu dân làm dấy lên thêm những lo ngại với chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã bầm dập vì đại dịch và các mâu thuẫn địa chính trị. Hiện tại, chưa thể xác định chính xác tác động mà đợt bùng phát dịch lần này ở Trung Quốc có thể gây ra với chuỗi cung ứng toàn cầu.