Đôi khi, sự náo nhiệt của thành phố có thể khiến người ta ngột ngạt, muốn tìm chốn bình yên để an tĩnh. Những chuyến về quê có thể là "liều thuốc" chữa lành tâm hồn, "sạc pin" để chúng ta đầy năng lượng, trở lại guồng quay kiếm sống.
Thấu hiểu điều đó, như một cách đáp lại lời thỏ thẻ "về quê trồng rau, nuôi cá" của vợ, anh Phạm Văn Lương đã tặng vợ căn biệt thự nhà vườn 1.500m2 tại Ninh Bình.
Gia đình anh Phạm Văn Lương - chủ nhân căn biệt thự 1.500m2 ở Ninh Bình.
Căn nhà này được xây dựng trên mảnh đất gia đình anh Lương sinh sống 5 đời, gắn bó với tuổi thơ của anh, bao quanh là cánh đồng lúa. Trên mảnh đất rộng 1.500m2, anh xây dựng nhà lớn dành cho bà nội và bố mẹ; nhà phụ 3 gian dành cho gia đình nhỏ; khu giải trí, thư giãn và ao cá, vườn rau trên sân thượng.
Anh Lương "tranh thủ" thời điểm dịch bệnh để xây căn nhà này, tính toán đủ công năng và kết hợp các phong cách để phù hợp với các thành viên trong gia đình. Căn nhà được vợ anh ví là homestay, resort thu nhỏ, chủ yếu để dành cho gia đình nghỉ dưỡng những dịp cuối tuần.
Biệt thự nhà vườn được xây giữa ruộng lúa, trên mảnh đất gia đình anh sống nhiều đời.
Cổng vào của biệt thự nhà vườn được làm từ nhôm đúc nguyên khối; lối vào nhà được trang trí tranh đắp nổi theo thứ tự Mã đáo thành công - Vinh quy bái tổ - Cá chép hóa rồng. Anh giải thích: "Mình xây dựng công trình này cho bố mẹ, gia đình về nghỉ, nhưng cũng là để kỷ niệm cho con cháu nhớ đến tổ tiên.
Ý nghĩa của tranh là nhắc nhở con cháu, thành công ở bên ngoài nhưng vẫn phải gắn bó với quê hương, quê hương sẽ tiếp sức cho thành công vươn xa hơn. Hồ cá koi và tranh phong thủy nối tiếp bức tranh nổi Cá chép hóa rồng là vì thế".
Vì xây nhà ở quê, gia chủ xây nhà kiểu "thừa đất", không chồng tầng lên mà làm nhà rộng thoáng, nhiều không gian trống và trần nhà rất cao. Ở nhà chính, anh Lương thiết kế và bài trí theo phong cách Indochine với mái vòm và các chi tiết uốn cong.
Bên ngoài gian nhà chính.
Cửa nhà có chiều cao 6m, trần 4,5m, trông cảm giác như 2 tầng, nhưng thật ra chi có 1 tầng. Anh lý giải, các cụ lớn tuổi rất ngại leo tầng. Anh nghĩ đến việc thiết kế nhà đủ công năng, dùng nội thất tone hoài niệm để phù hợp sở thích các cụ mà cũng tạo nhiều không gian ấm cúng cho đại gia đình quây quần. Phòng thờ cũng dùng những đồ cũ, tràng kỷ gỗ lim từ thời các cụ để lại, chỉ sơn lại và dát vàng.
Nhà có khoảng sân rất rộng để tiện đi ô tô vào gara, để không gian ngắm toàn cảnh nhà và cũng để tiện cho những ngày giỗ chạp, tụ tập đông đủ con cháu.
Anh Lương cũng làm khu vui chơi với ao cá trắm và chòi kiểu cách điệu với lan can sắt nghệ thuật và sân lát đá xanh rêu Thanh Hóa.
Khu vực chòi, ao cá và gian nhà 3 gian.
Ở nhà phụ 3 gian dành cho gia đình nhỏ của mình, anh đặc biệt "nịnh" vợ khi treo ảnh chị ở khắp nơi. Phòng ngủ của hai vợ chồng được thiết kế có view đẹp nhìn thẳng ra vườn, lối đi với đá bức dạ, cỏ xanh mướt và tràn ngập ánh sáng. Phòng của hai bé gái cũng có đầy đủ giường tầng, khu thể thao, vui chơi.
Anh lý giải, nhà xây ở quê dù là nghỉ dưỡng nhưng vẫn cần đảm bảo full công năng, để khi người lớn cần làm việc từ xa, trẻ con học online vẫn hoàn toàn thoải mái.
Phòng ngủ của hai vợ chồng.
Ước mơ "nông dân trong biệt thự" của hai vợ chồng cũng được anh Lương chăm chút bằng cách kiến tạo khu cafe nhìn ra đồng ruộng và sân thượng để trồng rau. Tại khu vực mái, anh lát gạch đỏ, xếp đặt khu vực ăn tiệc nướng và bố trí đèn năng lượng mặt trời.
Khu trồng rau và cafe thư giãn.
Hệ thống điện thông minh cũng được bố trí toàn bộ căn nhà để tiện cho bà nội và bố mẹ anh Lương không cần di chuyển nhiều mà vẫn có thể tắt/bật điện trong biệt thự lớn. Thậm chí, ngay cả khi ở Hà Nội, anh cũng có thể dùng diện thoại điều khiển từ xa, mở cổng đón khách.
Biệt thự cũng được trang trí đèn LED để buổi tối trở nên lung linh huyền ảo như lâu đài cổ tích. Anh tiết lộ, riêng tiền bài trí nội thất và những trang trí bên ngoài, anh tốn 12 tỷ đồng. Còn giá trị đất và thiết kế đều là "của nhà trồng được" nên không tính ra được giá trị.
Buổi tối, biệt thự 1.500m2 được chiếu sáng bằng đèn LED lung linh.
(Nguồn tham khảo: Nhà To, FBNV)