Lãi suất tăng khiến vàng trở thành một món đầu tư kém hấp dẫn, đồng nghĩa với việc một lượng lớn kim loại quý này đang được rút ra khỏi các hầm chứa ở các trung tâm tài chính như New York và hướng về phương đông để đáp ứng nhu cầu ở Thượng Hải hoặc Istanbul.
Cùng với đó, do các khó khăn về vận chuyển và biến động thị trường nên vàng và bạc đang được bán với giá chênh cao bất thường tại châu Á.
“Động lực để nắm giữ vàng thấp hơn rất nhiều và đang dịch chuyển từ tây sang đông, chúng tôi đang cố gắng bắt kịp xu hướng này.” Joseph Stefans, người đứng đầu bộ phận giao dịch tại MKS PAMP SA, một công ty kinh doanh và tinh chế vàng, cho biết.
Vàng đang “di cư” từ tây sang đông. Nguồn: Bloomberg
Vòng quay này của vàng đã lặp lại hàng thập kỷ: khi các nhà đầu tư phương tây rút lui và giá giảm, lực mua của người châu Á tăng lên và kim loại quý chảy về phía đông - giúp chặn đà giảm của giá vàng. Sau đó, khi vàng tăng trở lại, phần lớn vàng lại quay về nằm trong các hầm ngân hàng bên dưới các đường phố của New York, London và Zurich.
Kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 3, giá vàng đã giảm 18% do các đợt tăng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED, khiến các nhà đầu tư tài chính bán ra hàng loạt. Theo dữ liệu từ CME Group Inc. và London Bullion Market, hơn 527 tấn vàng đã chảy ra khỏi các hầm chứa ở New York và London.
Đồng thời, các lô vàng đang tiến đến những nước tiêu thụ vàng lớn ở châu Á như Trung Quốc, nơi nhập khẩu vàng đạt mức cao nhất trong 4 năm vào tháng 8 vừa qua. Mặc dù rất nhiều vàng đang hướng về phía đông nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu. Theo MKS PAMP, vàng ở Dubai và Istanbul hoặc trên Sàn giao dịch vàng Thượng Hải đang được giao dịch ở mức giá chênh cao nhiều so với giá niêm yết tại London trong những tuần qua. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu mua đang vượt quá mức nhập khẩu.
Theo Jitti Tangsithpakdi, chủ tịch Hiệp hội các nhà kinh doanh vàng Thái Lan, vàng ở nước này cũng đang được giao dịch ở mức cao so với giá ở London, do thiếu nguồn cung và đồng nội tệ yếu.
Sự xáo trộn trên thị trường ngay từ đầu đại dịch đã khiến giá các kim loại quý tăng vọt, buộc các ngân hàng phải xây dựng các kho lớn để trữ vàng. Tuy nhiên, giờ dây, khi vàng rời đi, có một khó khăn là người mua châu Á có xu hướng thích các thỏi vàng 1 kg hơn là các loại kích thước lớn. Chính vì vậy, để lấp đầy một hộp giao hàng tiêu chuẩn gồm 25 kg vàng, các nhà giao dịch phải nhận nhiều hợp đồng vàng tương lai trên sàn Comex, rút vàng thỏi trong các kho khác nhau. Cùng với đó, việc vận chuyển, bốc dỡ kim loại quý này bằng cả đường hàng không và đường biển đang có chi phí cao hơn. Tất cả góp phần khiến cho mức giá chênh của vàng tại châu Á đang ngày một tăng cao.