Kỹ năng sống

Vòng luẩn quẩn: Đi làm tiền lương chỉ đủ "bù đắp tinh thần" lúc áp lực

Hiện nay, nhiều người trẻ chi tiêu rất nhiều cho khoản mục giải trí, mua sắm quần áo hay ăn uống. Lý do phần lớn là bởi vì làm việc quá căng thẳng, cần tiêu tiền như 1 cách để "xoa dịu" những áp lực trong công việc. Thậm chí, có một bộ phân dân văn phòng tiền lương còn chỉ đủ để tiêu cho khoản mục này. Điều đó chẳng khác nào việc đi làm, kiếm tiền, rồi lại chi tiêu cho những vấn đề rắc rối từ công việc, 1 vòng luẩn quẩn.

Tiêu tiền để có cảm giác "xứng đáng" với áp lực đã trải qua

Khánh Chi (26 tuổi) thường tiêu tiền như là một cách để giải tỏa áp lực. Áp lực đơn giản, nhẹ nhàng, cô bạn sẽ bỏ tiền ra ăn uống những món bản thân thích hoặc làm 1 bữa tại nhà hàng sang chảnh để có cảm giác "tự thưởng". Những lần áp lực hơn thì sẽ đổ tiền mua những món đồ có giá trị lớn như quần áo, mỹ phẩm, đồ của thần tượng,... "Khi nhìn thấy những món đồ đó, mình cảm thấy tự hào vì khoảng thời gian nỗ lực làm việc cũng như những áp lực mà bản thân đã trải qua".

Trung bình 1 tháng Khánh Chi sẽ chỉ "bù đắp tinh thần" cho bản thân cỡ 2 đến 3 lần. Số tiền này thường không chiếm quá 15% tổng thu nhập. Cô bạn không có thói quen ghi lại chi tiết nhưng cũng có thể áng chừng bản thân đã chi tiêu bao nhiêu.

"Mình không bao giờ cảm thấy tiếc nuối các khoản chi có cũng được mà không có cũng được này. Thứ nhất, mình luôn đủ tự giác không bao giờ "vung tay quá trán". Thứ hai là số tiền đó đã giúp mình giải tỏa áp lực phần nào thì rõ ràng làa rất hữu dụng, là khoản chi tiêu thông minh".

Vòng luẩn quẩn: Đi làm tiền lương chỉ đủ bù đắp tinh thần lúc áp lực - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ - Pinterest

Không đi làm, có áp lực khác cũng chẳng có tiền để giải tỏa

Mai Vân (23 tuổi) hiện tại đang làm trong ngành kiểm toán. Công việc khá bận rộn đặc biệt thời điểm giữa và cuối năm, có những ngày phải làm việc đến sáng do vậy áp lực gần như là người bạn đồng hành với Mai Vân.

Cô bạn chia sẻ bản thân có khá nhiều cách để sạc lại năng lượng. Chẳng hạn, nếu là những áp lực bình thường, cô bạn thường sẽ đi gội đầu ngoài tiệm 3 lần/ tuần, mỗi tuần sẽ đi gội đầu dưỡng sinh và mát xa (massage) 2 tuần một lần. Tổng cộng mỗi tháng sẽ chi khoảng hơn 1 triệu cho khoản mục này.

Ngoài ra, với những khoảng thời gian quá bận, đến mức cảm thấy kiệt sức, Mai Vân thường sẽ đi du lịch ngắn ngày, trung bình hết tầm 6 triệu đồng. Thời điểm công việc quá tải, mỗi tháng, cô bạn sẽ có ít nhất 1 chuyến đi như vậy.

Như vậy tức là có những tháng, số tiền Mai Vân chi ra để giải tỏa áp lực bằng luôn tiền lương. Đi làm để có thu nhập tốt và cuộc sống thoải mái hơn nhưng bây giờ lại là kiếm tiền để giải tỏa áp lực, thành 1 vòng lặp.

Trong câu chuyện này, Mai Vân cho rằng khoảng thời gian áp lực đến như vậy không nhiều. Bên cạnh đó, nếu bây giờ không đi làm kiếm tiền thì cũng sẽ có vô số những kiểu áp lực khác. "Đến lúc đó, mình cũng không có tiền để giải tỏa. Trong khi đó, mình vẫn phải đối đầu với những khủng hoảng khác trong cuộc sống, như vậy còn mệt hơn".

Vòng luẩn quẩn: Đi làm tiền lương chỉ đủ bù đắp tinh thần lúc áp lực - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ - Pinterest

Lập ngân sách cho khoản chi tiêu giải tỏa áp lực ra sao?

Dù việc tiêu tiền để giải tỏa áp lực với nhân viên văn phòng là không thể tránh, điều đó không có nghĩa là nên chi tiêu thiếu kiểm soát. Nguyên tắc của Khánh Chi là mỗi khi nhận lương sẽ luôn dành ra tối đa 20% tổng thu nhập hàng tháng cho khoản này. Đây là vào thời điểm bận nhất năm chẳng hạn có sự kiện hay cuối năm, nhiều việc hơn.

"Không phải tháng nào mình cũng chi như nhau. Chẳng hạn, tháng này chỉ dùng 10% thì sẽ có những tháng "vượt chỉ tiêu" chút ít cũng không sao, nhưng khi tính trung bình lại cũng chỉ mất 15% thu nhập".

Ngoài ra, Khánh Chi cũng nhấn mạnh rằng phải phân biệt được đâu là áp lực vì công việc và đâu là chúng ta đang "lấy cớ" để tiêu tiền.

Vòng luẩn quẩn: Đi làm tiền lương chỉ đủ bù đắp tinh thần lúc áp lực - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ - Pinterest

Với Mai Vân, cô bạn quan điểm luôn tự động tiết kiệm 1 khoản khi nhận lương, và phần còn lại để chi tiêu. "Đôi lúc, tháng này mình không tiêu hết có thể gộp sang tháng sau tiêu tiếp. Như vậy, những lúc quá mệt mỏi cần đi du lịch, mình cũng không cần phải động vào khoản tiền đã tiết kiệm".

Cô bạn 23 tuổi cho rằng ngoài tiết kiệm, quản lý chi tiêu cũng có thể gia tăng thu nhập bằng cách đầu tư để có thu nhập thụ động mà không mất quá nhiều thời gian. "Tất nhiên chỉ nên đầu tư vào những hình thức an toàn, bởi vì mình cũng không thể theo sát chúng".


Cùng chuyên mục

Đọc thêm