Đến thời điểm hiện tại, nhiều tân sinh viên vẫn khổ sở đi tìm nơi ở trọ do tình trạng giá nhà trọ tăng đột biến.
Giá nhà trọ tăng vọt, sinh viên khóc ròng
Thời điểm nhập học là mùa cao điểm "tìm phòng trọ" ở Hà Nội. Tìm được một phòng trọ ưng ý và giá cả hợp lý chưa bao giờ khó khăn đến vậy. Theo ghi nhận, tình trạng "cháy phòng" được ghi nhận ở nhiều khu vực như Xuân Thủy, Cầu Giấy, đường Láng… Điều này khiến các tân sinh viên và gia đình rơi vào hoàn cảnh loay hoay tìm kiếm phòng trọ.
Bạn Nguyễn Hồng Hạnh - tân sinh viên K42 Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: "Ngay khi biết tin trúng tuyển vào Học viện, mình và mẹ đã lập tức lên Hà Nội tìm nhà trọ. Tuy nhiên, sau một tuần tìm kiếm, mọi thứ vẫn chưa đâu vào đâu. Cuối cùng mình đành chấp nhận ở tạm một phòng trọ có chất lượng không hề phù hợp với số tiền mình bỏ ra, vì chưa thể tìm được phòng khác có điều kiện tốt hơn".
Có một điều dễ dàng nhận thấy là "giá trọ" ở Hà Nội cũng chứng kiến mức leo thang vượt bậc. Nếu như vào đợt tháng 6-7, tìm kiếm một phòng trọ giá 2-3 triệu, diện tích từ 15-17m2, có các tiện ích điều hoà và nóng lạnh không phải là một điều khó khăn thì hiện nay, việc tìm một phòng dưới 3 triệu đồng, đủ rộng rãi, có tiện ích và vệ sinh khép kín chẳng khác gì "mò kim đáy bể".
Một loại hình thuê khác là chung cư mini cũng tăng giá, và mức giá dao động từ 5-7 triệu đồng. Giá phòng ở mức tương đối cao so với sinh viên, thêm các mức phụ phí như điện, nước, phí dịch vụ, phí thang máy, phí gửi xe… thì tiền phòng sẽ bị đội giá lên rất nhiều.
Nhu cầu tìm trọ tăng vọt, gia tăng lừa đảo
Chủ nhà "treo đầu dê bán thịt chó"
Như Hồng Hạnh cho biết, ngay khi biết tin đỗ đại học ở Hà Nội, cô đã nhanh chóng tìm và lên danh sách một vài phòng trọ để có nhiều sự lựa chọn. Dự kiến ban đầu của Hạnh là sẽ chọn phòng trọ ở khu Xuân Thuỷ, để có thể tiện đường đi học do chưa có phương di chuyển riêng. Nhìn trên ảnh, phòng trọ rất rộng rãi, thoáng mát, so với mức giá 3,3 -3,5 triệu là ở mức chấp nhận được. Tuy nhiên, khi đến xem phòng, Hạnh như "ngã ngửa".
Căn phòng bên ngoài hoàn toàn không như ý muốn. Phòng nhỏ hơn ảnh rất nhiều, tường nhà có vẻ cũ kỹ và xuất hiện nhiều vết nứt, cũng không hề khép kín như lời giới thiệu của chủ nhà.
Bỏ ra số tiền không hề nhỏ nhưng căn phòng Hạnh nhận về thực sự "hãi hùng"
Tình trạng "treo đầu dê bán thịt chó" trong việc tìm trọ không phải là hiện tượng mới, thậm chí còn được cảnh báo nhiều lần. Nhưng đứng trước tình trạng "cháy phòng" và giá nhà tăng vọt, nhiều sinh viên vẫn phải chấp nhận thuê phòng trọ cũ kỹ, giá không hợp lý, để "ở tạm", "ở đến hết hợp đồng rồi chuyển" vì ngày nhập học cận kề.
Lừa cọc - hồi chuông cảnh tỉnh tân sinh viên
Biết việc tìm phòng thời gian này rất khó, Nguyễn Thu Hà - nữ sinh vừa trúng tuyển vào một trường Đại học tại khu vực Cầu Giấy đã chủ động tham gia hàng loạt các hội nhóm Tìm nhà trọ, Tìm người ở ghép trên Facebook.
Ngay khi thấy bài đăng phòng trọ ưng ý, Thu Hà nhanh chóng nhắn tin với chủ post. Khi người này yêu cầu chuyển khoản tiền cọc xem nhà qua tin nhắn, với tâm lý sợ mất phòng đẹp và không tìm được phòng, Hà không ngần ngại chuyển khoản vài trăm nghìn làm "tiền cọc xem nhà". Và rồi ngay sau khi nhận được tiền, tài khoản Facebook kia đã lập tức biến mất.
Hà không phải nạn nhân duy nhất. Lừa cọc là một trong những chiêu thức được kẻ xấu sử dụng nhiều nhất trong thời điểm người người nhà nhà tìm trọ như thế này. Kẻ xấu ẩn núp ngay trong các hội nhóm trên MXH, đóng vai chủ nhà, môi giới đăng có phòng cho thuê hoặc tìm người ở ghép để thu hút các bạn tận sinh viên. Khi "con mồi" lọt tròng, chúng sẽ lợi dụng sự cả tin cũng như tâm lý sốt ruột vì không tìm được chỗ trọ của nạn nhân để đưa ra yêu cầu "đặt cọc xem nhà"/ "cọc ưu tiên, không cho người khác xem phòng trước" và rồi cuỗm luôn số tiền đó.
Các bài cảnh báo lừa cọc được sinh viên truyền tay nhau, tránh việc có thêm nạn nhân mới (Ảnh chụp màn hình)
Giải pháp nào cho tân sinh viên?
Trước tình trạng giá nhà tăng cao, ở ghép được xem như một giải pháp tuyệt vời. Tuy nhiên, phòng trọ sẽ có mức quy định về số người ở. Một chung cư mini giá 5-7 triệu sẽ quy định cho khoảng 3-4 người ở, như vậy chi phí phòng trọ và chi phí khác sẽ dao động ở mức 2-2,5 triệu/người. Giải quyết được vấn đề giá cả cũng là lúc sinh viên phải đối mặt với việc sắp xếp không gian, sao cho hợp lý để thuận tiện sinh hoạt.
Một giải pháp khác đó là thuê nhà nguyên căn rồi sau đó tìm thêm người thuê để share tiền nhà. Nhìn chung, giá thuê nhà nguyên căn trong thời gian gần đây cũng không có biến động lớn. Thêm vào đó, giá điện nước không phải giá kinh doanh nên sẽ có xu hướng rẻ hơn, và không phải mất nhiều tiền phí dịch vụ. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là khá ít chủ nhà đồng ý cho sinh viên thuê, họ thường muốn cho thuê với mục đích kinh doanh hoặc hộ gia đình ở lâu dài.
Mặt khác, việc tìm kiếm người ở ghép cũng là vấn đề nan giải. Ở ghép cùng người lạ cũng sẽ là một mối nguy hiểm với các bạn tân sinh viên. Chúng ta không biết ai tốt ai xấu, lời khuyên là tìm hiểu thật cẩn thận tính cách, sở thích cũng như thông tin cá nhân của đối phương trước khi quyết định có "về chung nhà" hay không.
Ở chung với người thân, họ hàng đến khi mùa cao điểm tìm trọ qua đi cũng là một giải pháp được nhiều tân sinh viên và gia đình lựa chọn. Tuy nhiên, với tâm lý "khát khao khám phá", nhiều bạn trẻ sẽ không thích giải pháp này, vì đôi khi ở chung với người thân họ hàng, chúng ta vẫn phải chịu một sự quản thúc nào đó, chứ không được hoàn toàn tự do.
Để giảm thiểu khả năng bị lừa đảo, các bạn tân sinh viên nên tham gia vào những hội nhóm tìm nhà, trang web cho thuê uy tín. Luôn đề cao cảnh giác, không chuyển khoản tiền cọc khi bạn chưa tới xem phòng. Ngoài ra, hãy tham khảo ý kiến của các anh chị sinh viên khóa trước để tìm kiếm sự tư vấn và giúp đỡ.