Những ngày qua, thời tiết ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước bắt đầu chuyển mùa, điều này khiến nhiều trẻ em mắc các bệnh viêm đường hô hấp. Không ít trẻ phải đến bệnh viện khám và điều trị.
Đơn cử, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM, tỷ lệ trẻ mắc các bệnh về hô hấp như viêm mũi, viêm họng, viêm amidan, viêm phổi… cao hơn so với cùng kì năm 2021 và cao hơn những tháng đầu năm. Từ đầu tháng 8 đến ngày 25/9, bệnh viện này có 61.100 ca điều trị ngoại trú và 2.165 ca điều trị nội trú bệnh hô hấp.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, từ đầu tháng 9 đến nay, trẻ được gia đình đưa đến khám và nhập viện điều trị bệnh hô hấp tăng khoảng 30% so với tháng 7, 8. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, từ đầu tháng 9 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 4.000 ca bệnh hô hấp. Hiện có khoảng 300 giường bệnh tại khoa Nội và khoa Hô hấp của bệnh viện đang được dùng để điều trị cho các bệnh nhân hô hấp.
Tại Khoa Nhi - Bệnh viện đa khoa Đông Anh (Hà Nội), thời gian gần đây trẻ nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp tăng đột biến, tập trung ở nhóm từ 1 - 3 tuổi.
Phần lớn trẻ nhập viện với bệnh cảnh liên quan đến đường hô hấp như viêm tai mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi. Căn nguyên gây bệnh thường gặp là virus theo mùa như cúm A, virus hợp bào hô hấp...
PGS.TS. BS Nguyễn Thị Hoài An, nguyên Trưởng khoa Tai Mũi Họng trẻ em, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, cho biết hiện nay số lượng bệnh nhân mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên và dưới đều tăng vọt, đây là một thực trạng đáng buồn đặc biệt là với các em nhỏ.
Theo PGS Hoài An, nguyên nhân của tình trạng này là do sự bùng phát các dịch bệnh do virus gây nên như dịch cúm A, cúm B, virus hợp bào đường thở và đặc biệt là virus Adeno, chưa tính tới các dịch sốt do các loại virus thông thường gây ra.
Ngoài ra, COVID-19 cũng có thể là một trong những nguyên nhân khiến bệnh viêm đường hô hấp tăng cao, các biến chủng mới có thể bùng phát bất cứ lúc nào vì vậy chúng ta không thể chủ quan.
“Đồng thời, ở thời điểm giao mùa hiện tại, thời tiết chuyển từ mùa hè sang thu, đông cũng là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh viêm đường hô hấp tăng nhanh”, PGS Hoài An nói.
"Tất cả các bệnh lý nói trên nếu không được điều trị sớm và điều trị đúng cách đều có thể khiến bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch và có thể dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi. Khi bệnh chuyển sang viêm phổi thì tiên lượng bệnh thường rất nặng và tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là ở trẻ nhỏ", PGS Hoài An cho biết.
PGS Hoài An phân tích, bệnh viêm đường hô hấp có thể gặp ở trẻ nhỏ và người lớn. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ tỉ lệ mắc bệnh cao hơn. Về triệu chứng, thường trẻ sẽ bắt đầu bằng ngạt mũi, chảy mũi và sốt cao từ 39 - 40 độ, tình trạng ho ngày càng tăng. Trẻ cảm thấy mệt mỏi, ăn uống kém hơn.
Nếu không được điều trị tích cực sớm, trẻ có thể xuất hiện tình trạng khó thở, nhịp thở nhanh, thở khò khè, khi đó trẻ có thể đã có dấu hiệu bị viêm phế quản hoặc viêm phổi và cần được điều trị tích cực ở các bệnh viện và cơ sở y tế.
Ảnh minh họa
Cách phòng tránh các biến chứng của viêm đường hô hấp
Khi trẻ nhỏ hoặc người lớn xuất hiện tình trạng sốt cao đơn thuần hoặc sốt cao kèm các dấu hiệu của cảm cúm, người bệnh cần tiến hành xét nghiệm máu để xác định nguyên nhân gây bệnh do virus hay vi khuẩn.
Ngoài ra, xét nghiệm máu cũng có thể sẽ giúp bác sĩ loại trừ được sốt xuất huyết, xác định nguyên nhân gây sốt là do virus cúm A, B, virus Adeno, virus hợp bào đường thở... để có phương án điều trị tốt và đúng nhất.
Nếu trẻ mắc bệnh nhưng được điều trị triệu chứng sớm và đúng cách, trẻ sẽ sớm khỏe lại và không mắc kèm các biến chứng.