Doanh nghiệp

SSI Research: Dự báo lợi nhuận quý III của Hòa Phát giảm 80%, Xếp dỡ Hải An và Hoá chất Đức Giang tiếp tục tăng tốc

Các công ty có kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận dương là những đơn vị có mã cổ phiếu PNJ, STK, CTR, FPT, DGW, DGC, DPM, GAS, ACV, PVT, ANV, HAH, GMD, AST. Các công ty có ước tính tăng trưởng lợi nhuận âm có mã HPG và PVS.

Trong quý III/2022, CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) được kỳ vọng sẽ đạt doanh thu thuần 7.200 tỷ đồng (tăng 725% so với cùng kỳ) và lợi nhuận ròng 238 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 160 tỷ đồng).

Nhu cầu vàng trang sức vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi áp lực lạm phát và mức nền thấp của cùng kỳ năm ngoái giúp lợi nhuận quý III/2022 của PNJ tăng trưởng 7,2 lần so với quý III cùng kỳ. (Ảnh minh họa: MH).

Kết quả kinh doanh tăng trưởng như trên được giải thích do nhu cầu vàng trang sức vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi áp lực lạm phát, trong khi kết quả kinh doanh quý III năm ngoái chịu ảnh hưởng của đại dịch.

Với CTCP Sợi Thế Kỷ (Mã: STK), doanh thu thuần quý III/2022 có thể đạt 500 tỷ đồng và lợi nhuận ròng 65 tỷ đồng; tăng lần lượt 7% và 8% so với cùng kỳ.

SSI Research dự đoán tăng trưởng lợi nhuận trước thuế (LNTT) trong quý III/2022 của Tổng Công ty cổ phần Công trình Viettel (Viettel Construction - Mã: CTR) dự kiến đạt hơn 30% so với cùng kỳ, kết quả này được đóng góp bởi tỷ trọng cao hơn từ mảng cho thuê cơ sở hạ tầng viễn thông. Việc xây dựng các trạm BTS đang được đẩy mạnh kể từ quý II/2022 (742 trạm BTS) và trong tháng 7 - 8/2022 (361 trạm), so với quý I/2022 (162 trạm).

 

Với CTCP FPT (Mã: FPT), tăng trưởng LNTT trong quý III/2022 ước tính đạt khoảng 23% so với cùng kỳ, được dẫn dắt bởi mảng công nghệ. Trong quý vừa qua, chuyên gia nhận định mảng công nghệ thông tin (CNTT) trong nước tăng trưởng tích cực, khi trong tháng 7 - 8/2022, mảng CNTT trong nước đạt mức tăng trưởng LNTT là 13,5% so với cùng kỳ, so với mức giảm 14% so với cùng kỳ trong quý II/2022.

CTCP Thế giới số (Digiworld - Mã: DGW) được dự đoán ghi nhận lợi nhuận sau thuế (LNST) quý III/2022 đạt 200 tỷ đồng, tăng 87% so với mức nền so sánh thấp trong cùng kỳ năm ngoái, thời điểm lợi nhuận chịu ảnh hưởng bởi các biện pháp giãn cách xã hội. So với quý II/2022, lợi nhuận ròng quý III/2022 tăng 45% nhờ doanh thu bán máy tính xách tay cao hơn.

CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC) có thể lãi sau thuế 1.400 tỷ đồng (tăng 187% so với cùng kỳ), nhờ giá bán tăng trên tất cả các sản phẩm. Song, lợi nhuận quý III/2022 giảm so với mức đỉnh hình thành trong quý II/2022 (1.900 tỷ đồng).

Lợi nhuận trước thuế của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) được dự phóng vào khoảng 1.400 tỷ đồng trong quý III/2022 so với mức lỗ trước thuế là 888 tỷ đồng trong quý cùng kỳ, nhưng thấp hơn lợi nhuận trước thuế 3.200 tỷ đồng của quý II trước đó. Trong quý III vừa qua, ACV không thu được nhiều lợi nhuận từ việc đồng JPY giảm giá, trong khi quý II/2022 đã ghi nhận 1.500 tỷ đồng.

Cũng trong ngành, CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Mã: AST) cũng được kỳ vọng có lãi trước thuế hơn 20 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ kỷ lục 43,5 tỷ. Điều này được lý giải bởi sự phục hồi của thị trường hàng không trong mùa cao điểm quý III, trong khi thị trường quốc tế vẫn yếu. 

Các chuyên gia kỳ vọng Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans - PVT) có thể lãi trước thuế 320 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ, do giá cước tàu chở dầu cao hơn và hiệu ứng nền so sánh thấp từ năm ngoái.

Bộ phận phân tích ước tính LNST của cổ đông công ty mẹ của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (Mã: HAH) đạt 220 tỷ đồng, tăng 137% so với cùng kỳ. Mặc dù vậy, kết quả này có thể giảm so với quý II/2022 do giá cước vận tải đã giảm 5 - 10% so với mức đỉnh.

Trong khi đó, LNTT của CTCP Gemadept (Mã: GMD) được kỳ vọng tiếp tục duy trì ổn định, ít nhất tăng 30% so với cùng kỳ nhờ đóng góp từ Cảng Gemalink khi tăng trưởng sản lượng vẫn cao trong năm đầu tiên đi vào hoạt động chính thức.

Lợi nhuận của Hòa Phát có thể giảm 80% trong quý III/2022

Trong số các doanh nghiệp được ước tính kết quả quý III, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) và Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS) là hai đơn vị được dự đoán sẽ có lợi nhuận đi xuống so với cùng kỳ.

SSI Research ước tính lợi nhuận của Hòa Phát có thể giảm 80% trong quý III/2022. (Ảnh minh họa: MH).

Cụ thể, SSI Research ước tính lợi nhuận sau thuế trong quý III/2022 của Tập đoàn Hòa Phát vào khoảng 2.100 tỷ đồng, giảm 80% so với mức đỉnh trong quý III/2021. Sự sụt giảm của lợi nhuận trong quý này so với cùng kỳ năm ngoái được giải thích là do giá thép giảm, đặc biệt là giá thép HRC giảm 32% so với cùng kỳ năm trước, giá than cốc cao và lỗ tỷ giá do đồng VND giảm giá 2,5% so với USD. 

Còn đối với PVS, LNTT được dự đoán giảm 35% so với cùng kỳ do chi phí đầu vào và tỷ suất lợi nhuận thấp trong năm nay.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm