Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định cuộc di chuyển từ thế giới thực vào thế giới số "là công cuộc di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, và cũng là thách thức nhất đối với nhân loại". Trong thế giới số, các quốc gia trở nên gần nhau hơn, ảnh hưởng lẫn nhau lớn hơn, vì vậy phải học hỏi để sống cùng nhau.
"Một không gian sống mới, một môi trường sống mới sẽ cần đến những nguyên tắc mới, luật lệ mới, văn hóa mới. Cái mới không có ai đi trước để dạy bảo, mà chỉ còn cách là trao đổi và học hỏi lẫn nhau", ông nói.
Theo Bộ trưởng, đây là lý do chủ đề được lựa chọn cho Tuần lễ số Quốc tế đầu tiên tại Việt Nam là "Đối tác toàn cầu vì một tương lai số bền vững". Các nước sẽ cùng bàn về chuyển đổi số, thể chế số, hạ tầng số, công nghệ số, nền tảng số, ứng dụng số, nhân lực số, an toàn số và hợp tác số.
Một trong những chủ đề quan trọng được thảo luận tại VIDW 2022 là công nghệ 5G. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, công nghệ mạng di động mới là một cú huých lớn để nhân loại chuyển lên môi trường số. Mục tiêu của Hội nghị là nhằm thảo luận phương hướng thúc đẩy triển khai 5G và trao đổi các khuyến nghị về lộ trình thực hiện 5G cho ASEAN trong giai đoạn từ nay đến 2025
"Công nghệ số muốn phát huy cần hạ tầng số, đó là 5G, là điện toán đám mây. Các nước ASEAN từ 2019 đã tổ chức hội nghị thường niên về 5G. ASEAN cam kết đi cùng nhịp với thế giới về công nghệ mới. Không có lý do gì chúng ta lại đi sau. Cái mới luôn là cơ hội cho những nước đi sau vượt lên phía trước", ông nói.
Ngoài ra, Việt Nam cùng các nước trong khu vực cũng sẽ bàn về vấn nạn tin giả, gồm cơ chế, chính sách, kinh nghiệm xử lý tin giả, thảo luận việc xây dựng cơ chế hợp tác đặc trách giữa các nước ASEAN để xử lý và giảm thiểu tác hại về tin giả trong khu vực.
Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chiến lược quan trọng để tăng tốc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số. Việc thiết lập quan hệ đối tác số song phương và đa phương là một trọng tâm trong 10 năm tới nhằm tăng tốc xây dựng "Việt Nam số".
Sự kiện VIDW 2022 có sự tham gia của hơn 350 đại biểu là Lãnh đạo các Bộ chuyên ngành, cơ quan quản lý, hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp công nghệ số của các nước ASEAN và các nước đối thoại, đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Là một trong những nhà lãnh đạo nước ngoài tham gia sự kiện, Bộ trưởng Công nghệ và Truyền thông Lào Boviengkham Vongdara cho biết, công nghệ là một trong những nội dung hợp tác lâu dài giữa Lào và Việt Nam. "Lào mong muốn học hỏi kinh nghiệm các quốc gia và Việt Nam là một trong những nước đã đạt được thành tựu về chuyển đổi số", ông nói.
Trong Ngày chuyển đổi số 10/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá Việt Nam đạt được nhiều kết quả tích cực trong chuyển đổi số. Tuy nhiên để thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả, thực chất, Việt Nam phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội.
Trong thông điệp của Chính phủ về chuyển đổi số, Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, triển khai hiệu quả Chiến lược chuyển đổi số quốc gia; phát triển đồng bộ về thể chế, hạ tầng số, nền tảng số và nguồn nhân lực số; triển khai các giải pháp nhằm nâng cao xếp hạng của Việt Nam về Chính phủ điện tử, Đổi mới sáng tạo và Năng lực cạnh tranh toàn cầu theo tiêu chí của các tổ chức quốc tế.