Lợi nhuận tăng trưởng tích cực
Mùa công bố kết quả kinh doanh quý III/2022 đang đến gần, trong đó một số ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh với những dấu hiệu tích cực. VIB và Sacombank là những ngân hàng đầu tiên hé lộ kết quả kinh doanh quý III cũng như 9 tháng đầu năm.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã: STB) cho biết lợi nhuận trước thuế 9 tháng của ngân hàng đạt 4.440 tỷ đồng, hoàn thành 84,1% kế hoạch, trong đó tỷ trọng thu ngoài lãi là 39,4%. Tính riêng quý III, lợi nhuận trước thuế của Sacombank đạt 1.532 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến hết quý III/2022, tổng tài sản của Sacombank đạt gần 564.200 tỷ đồng, tăng 8,3% so với đầu năm; tổng huy động đạt 502.535 tỷ đồng, tăng 8,2% so với đầu năm; dư nợ tín dụng đạt hơn 421.000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu là 0,86%.
Đáng chú ý, theo ông Minh, Sacombank là ngân hàng thực hiện tái cơ cấu hiệu quả với đề án cho phép Sacombank tái cơ cấu trong 10 năm nhưng chỉ sau 5 năm, từ năm 2017 đến năm 2021, Sacombank đã thu hồi và xử lý được gần 72.000 tỷ đồng các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó hơn 58.300 tỷ đồng là các khoản thuộc đề án, đạt gần 68% kế hoạch tổng thể, tỷ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 6,81% xuống còn 1,47%.
Mới đây, Ngân hàng Quốc tế (VIB - Mã: VIB) công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 74,2% kế hoạch năm. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 30%.
Ngân hàng cũng ghi nhận tổng doanh thu có tăng trưởng gần 30% so với cùng kỳ, đạt trên 13.300 tỷ đồng. Thu nhập ngoài lãi đạt hơn 2.400 tỷ đồng, đóng góp 17% vào tổng thu nhập hoạt động. Chi phí hoạt động khoảng 4.600 tỷ đồng, với mức tăng 12%, thấp hơn nhiều so với mức tăng doanh thu. Chi phí dự phòng ước tính đạt hơn 900 tỷ đồng.
Riêng quý III, lợi nhuận trước thuế đạt 2.780 tỷ đồng. Tính đến 30/9/2022, tổng tài sản của VIB đạt 341.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm 2021. Dư nợ tín dụng đạt 228.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2021 trong đó hơn 200.000 tỷ đồng là dư nợ bán lẻ với thị phần lớn về cho vay ô tô và bảo hiểm nhân thọ.
Tập trung vào cho vay bán lẻ để vượt qua rủi ro NIM
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2022 của NHNN, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý III chưa được như kỳ vọng. Dự báo cho thời gian tới, hơn 70% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý tới và cả năm 2022 với mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với kỳ vọng tại kỳ điều tra trước. Về lợi nhuận trước thuế trong năm 2022, 88,3% tổ chức tín dụng dự kiến tăng trưởng dương so với năm 2021
Theo các chuyên gia của VNDirect, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ còn tăng trưởng chậm cho đến ít nhất là sang năm sau. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) nửa cuối năm nay của các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục tín dụng lớn.
Để vượt qua khó khăn nói trên, hầu hết các ngân hàng đã đẩy mạnh hoạt động cho vay bán lẻ kể từ quý II/2022 để cân bằng rủi ro chất lượng tín dụng/tài sản và tối ưu NIM. Theo số liệu của VNDirect, VIB và Sacombank là hai ngân hàng có tỷ trọng hoạt động cho vay cá nhân trên tổng tín dụng cao, với VIB là ngân hàng có tỷ trọng cao nhất hệ thống (89%).
Trước bối cảnh tín dụng hạn chế và rủi ro NIM thu hẹp khi chi phí vốn của các ngân hàng sẽ không còn duy trì ở mức thấp trong thời gian tới (do hệ quả của việc lãi suất tiền gửi tăng), do đó theo các chuyên gia của VNDirect, các ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực cho vay phù hợp để tối ưu lợi suất tài sản.
Thời gian qua, NHNN đã có sự ưu ái hơn đối với các NHTM có tỷ trọng cho vay bán lẻ cao trong danh mục tín dụng để cấp thêm hạn mức tín dụng trong đợt vừa qua. Vì vậy, cho vay bán lẻ sẽ được ưu tiên và đây sẽ là lợi thế lớn đối với các ngân hàng tập trung vào phân khúc này để vượt qua rủi ro NIM thu hẹp nói trên. Bên cạnh đó, các ngân hàng với tỷ lệ CASA cao và thanh khoản dồi dào với hệ số LDR thấp sẽ tối ưu hóa được chi phí vốn và NIM của mình.
Tuy nhiên, NHNN đã có quyết định nâng lãi suất điều hành và điều này có thể sẽ gây áp lực lên chi phí huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khiến NIM toàn ngành sẽ thu hẹp trong thời gian tới.
Trong nửa cuối năm 2022 mức độ tích cực của lợi nhuận ngân hàng có thể sẽ giảm dần, theo đánh giá của các chuyên gia VCBS. Vì vậy, nhiều ngân hàng cũng phải tìm kiếm các giải pháp nhằm tối ưu lợi suất tài sản của mình bằng cách tập trung vào mảng bán lẻ, mảng có NIM cao hơn để có thể đảm bảo được lợi nhuận.