Sức khỏe

Vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng: Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng việc cần làm

Tóm tắt:
  • Thực phẩm chức năng giả và kém chất lượng đang phổ biến, gây nguy hại sức khỏe người tiêu dùng.
  • Doanh nghiệp lợi dụng cơ chế tự công bố để sản xuất và kinh doanh sản phẩm giả, gây khó khăn quản lý.
  • Lực lượng hậu kiểm hạn chế trong khi số lượng sản phẩm tự công bố rất lớn, kiểm nghiệm tốn kém.
  • Chính phủ đang sửa đổi luật và nghị định để siết chặt quản lý, tăng cường hậu kiểm và xử lý vi phạm.
  • Cần phối hợp giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý và người tiêu dùng để đảm bảo an toàn thực phẩm.

Thưa bà, hiện nay, tình trạng làm giả các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ dưỡng và thực phẩm dinh dưỡng y học diễn ra khá phổ biến. Xin bà cho biết nguyên nhân của tình trạng này và những khó khăn trong công tác quản lý?

Bà Trần Việt Nga: Trong thời gian qua, cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an đã triệt phá một số đường dây sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, bao gồm cả sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả. Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, chúng tôi đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để đưa ra đánh giá và kết luận cuối cùng về những vụ việc này. Chúng tôi nhận định đây là những vụ việc nghiêm trọng và hi vọng các tổ chức, cá nhân phi đạo đức kinh doanh sẽ thay đổi hành vi sau những vụ triệt phá này. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đang và có ý định sản xuất, kinh doanh hàng giả.

Vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng: Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng việc cần làm- Ảnh 1.

Bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)

Về nguyên nhân và khó khăn trong quản lý, tình trạng thực phẩm giả và hàng hóa giả nói chung không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Theo một số tài liệu, việc sản xuất thực phẩm giả gây thiệt hại cho cộng đồng châu Âu hàng chục tỷ Euro mỗi năm. Các chuyên gia độc lập cũng ước tính ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu chịu thiệt hại khoảng 40 tỷ đô la Mỹ do thực phẩm giả.

Tại Việt Nam, tình trạng này có một phần nguyên nhân từ những bất cập trong cơ chế quản lý. Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự công bố sản phẩm, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn của sản phẩm. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế này để làm ăn phi pháp.

Với cơ chế tự công bố, doanh nghiệp có thể tự công bố và sản xuất ngay mà không cần cơ quan quản lý nhà nước thẩm định hồ sơ. Lợi dụng sự thông thoáng này, một số doanh nghiệp tự công bố các sản phẩm dinh dưỡng y học hoặc sản phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt là thực phẩm bổ sung, đây là hành vi lách luật đáng bị lên án.

Ngoài ra, thủ tục tự công bố khá đơn giản, hồ sơ không phức tạp và không mất phí. Do đó, nhiều doanh nghiệp ồ ạt tự công bố sản phẩm, nhưng số lượng sản xuất kinh doanh thực tế có thể không đúng với số lượng đã công bố, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong thanh tra, hậu kiểm.

Khi trao quyền cho doanh nghiệp, trách nhiệm của họ phải là cao nhất, phải tuân thủ đúng các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan quản lý ban hành. Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, chúng ta đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ, bao gồm Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, các quy chuẩn kỹ thuật của các bộ, ngành. Trong lĩnh vực hàng giả, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng đã quy định rõ về hàng giả và chế tài xử phạt. Bộ luật Hình sự cũng có điều khoản riêng về xử lý hình sự đối với thực phẩm giả. Nếu doanh nghiệp tuân thủ các quy định này thì sẽ không có vấn đề lớn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cố tình làm sai, sản xuất hàng giả vì lợi nhuận, bất chấp đạo đức kinh doanh.

Về phía cơ quan quản lý, bên cạnh hành vi cố tình vi phạm của doanh nghiệp, chúng tôi cũng gặp khó khăn do số lượng sản phẩm công bố quá lớn. Bất kỳ doanh nghiệp nào có đăng ký kinh doanh đều có thể công bố sản phẩm thực phẩm. Trong khi đó, lực lượng hậu kiểm còn hạn chế. Công tác hậu kiểm bao gồm nhiều hoạt động như kiểm tra hồ sơ, kiểm tra cơ sở sản xuất, lấy mẫu sản phẩm trên thị trường hoặc tại cơ sở sản xuất để kiểm nghiệm, chi phí cho công tác kiểm nghiệm khá cao, gây khó khăn cho các địa phương.

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đang tiến hành sửa Luật An toàn thực phẩm, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng thắt chặt quản lý và khắc phục những tồn tại hiện nay. Chúng tôi cũng kiến nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường đầu tư về nhân lực và kinh phí cho công tác hậu kiểm.

Hiện nay, có ý kiến cho rằng một trong những lý do khiến người tiêu dùng mua phải sản phẩm kém chất lượng là do họ xem quá nhiều quảng cáo trên mạng, từ những người nổi tiếng, thậm chí là giả danh bác sĩ hoặc bác sĩ về hưu. Ngoài việc sửa đổi Nghị định 15, chúng ta có nên sửa đổi hoặc bổ sung quy định về quảng cáo để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn không?

Vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng: Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng việc cần làm- Ảnh 2.

Để đảm bảo người dân được tiếp cận với các sản phẩm an toàn và chất lượng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía. Ảnh: Báo Chính phủ

Bà Trần Việt Nga: Để đảm bảo người dân được tiếp cận với các sản phẩm an toàn và chất lượng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía. Trước hết, các cơ sở sản xuất phải đặt đạo đức kinh doanh lên hàng đầu, tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định của pháp luật về sản xuất và kinh doanh thực phẩm. Sự trung thực và trách nhiệm của doanh nghiệp là nền tảng quan trọng nhất để xây dựng niềm tin của người tiêu dùng.

Thứ hai, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là không thể thiếu. Việc ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản pháp luật, cùng với việc trang bị các công cụ hiệu quả để kiểm soát chặt chẽ sản phẩm lưu thông trên thị trường, là yếu tố then chốt để ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm cần được thực hiện nghiêm minh và thường xuyên.

Thứ ba, mỗi người dân cũng cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để có thể tự mình lựa chọn thực phẩm một cách thông thái. Việc tìm hiểu thông tin về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, thành phần, nhãn mác, cũng như cập nhật các cảnh báo từ cơ quan chức năng, sẽ giúp người tiêu dùng đưa ra những quyết định sáng suốt, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

9h sáng nay (12/5), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC 119 - 121 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra, giảm 1 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng.

Giá vàng tiếp tục tăng

Sáng nay (11/5), giá vàng trong nước tiếp tục tăng. Theo đó, vàng miếng SJC lên mốc 122 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn cao nhất 120 triệu đồng/lượng.

Miền Bắc, miền Trung mưa đến bao giờ?

Ngày hôm nay (11/5), khu vực miền Bắc và miền Trung tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, nhiều nơi xảy ra mưa vừa, mưa to đến rất to, kèm theo nguy cơ lốc sét và gió giật mạnh. Từ đêm nay mưa lớn giảm dần ở khu vực này. Tây Nguyên, Nam Bộ tiếp tục có mưa dông vào chiều và tối nay.

Chưa bị thương có cần tiêm uốn ván?

Tôi làm nhân viên vệ sinh môi trường, được khuyên nên tiêm vaccine ngừa uốn ván dù chưa bị thương thì có đúng không? (Thanh Duy, 33 tuổi, Đà Nẵng)