Trả lời:
Vi khuẩn uốn ván có mặt ở mọi nơi trong môi trường tự nhiên, thường ở trong đất cát, lây nhiễm vào mọi loại vết thương kể cả nhỏ nhất như vết trầy xước, vết cắt, rạch, hoặc có khi dẫm phải đinh, rằm, gai... Một số nghiên cứu cũng chỉ ra có nhiều bệnh nhân bị nhiễm trùng uốn ván qua đường miệng và răng. Tại Việt Nam cũng ghi nhận trường hợp bệnh nhân bị uốn ván dù không có vết thương hở gây nguy cơ nhiễm bệnh.
Bạn là nhân viên vệ sinh môi trường, có khả năng cao bị thương do mảnh chai, vật sắc nhọn, trầy xước... trong quá trình thu gom, xử lý rác thải nên có nguy cơ cao bị nhiễm trùng uốn ván. Vì vậy, bạn nên chủ động tiêm ngừa.
Hiện Việt Nam có nhiều loại vaccine có thành phần ngừa uốn ván, bao gồm mũi đơn và các mũi phối hợp như 6 trong 1; 5 trong 1; 4 trong 1; 3 trong 1; 2 trong 1. Các vaccine hỗ trợ phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, Hib, viêm gan B, số tác nhân gây bệnh phòng ngừa được phụ thuộc vào từng loại vaccine. Tùy vào độ tuổi và lịch sử tiêm chủng, bác sĩ sẽ tư vấn loại vaccine và liệu trình phù hợp.

Nhân viên vệ sinh môi trường thuộc nhóm có nguy cơ cao bị nhiễm uốn ván. Ảnh: Vecteezy
Bạn là người lớn chưa tiêm hoặc không nhớ rõ lịch sử tiêm chủng cần tiêm ba mũi cơ bản, sau đó tiêm nhắc sau 10 năm hoặc khi có vết thương sâu, bẩn, rộng. Khi đã tiêm dự phòng đầy đủ, bị vết thương nặng, chỉ cần tiêm thêm một mũi vaccine và không cần dùng huyết thanh.
Bên cạnh đó, bạn nên chủ động phòng bệnh bằng cách giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với nước và xà phòng, mặc đồ bảo hộ trong quá trình làm việc. Trường hợp bị thương khi chưa kịp tiêm ngừa chủ động, bạn cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử lý về thương đúng cách, tiêm ngừa và huyết thanh kháng uốn ván theo chỉ định của bác sĩ.
Uốn ván là bệnh truyền nhiễm cấp tính do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Biểu hiện của bệnh là cứng hàm, khó há miệng và nhai nuốt, co cứng cơ toàn thân. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật, viêm phổi, suy thận cấp, xuất huyết tiêu hóa và tử vong.
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC